Cô dâu chú rể nên chọn ngày cưới cuối tuần, hoặc tổ chức cưới vào buổi tối, tránh cưới vào buổi trưa, thời gian nghỉ của khách mời không nhiều, khó ở lại chung vui cùng bạn tới cuối tiệc.. Ảnh: Lemon Tree Style (TP HCM). |
Nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ thói quen xem ngày tổ chức cưới hợp tuổi, hợp phong thủy, nhưng với các cô dâu hiện đại, ngày cưới cũng phải thuận tiện, là khoảng thời gian rảnh rỗi với đa số khách mời. Để chọn được một ngày đẹp, vừa lòng cả cha mẹ, hài hòa cả ý nguyện của cô dâu chú rể là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng và không đơn giản.
1. Quyết định nơi xem ngày
Hầu hết các đám cưới đều do cha mẹ hai bên bàn bạc, quyết định ngày giờ. Các bậc phụ huynh sẽ tìm đến các thầy xem tướng số để chọn ngày giúp. Gia đình nhà trai và nhà gái thường xem ngày riêng, sau đó thống nhất với nhau.
Có những người xem ngày cưới ở 2 - 3 thầy tướng khác nhau, nên kết quả không đồng nhất. Vì vậy vài năm gần đây, để khắc phục chuyện này, nhiều gia đình chọn cách cùng đến chùa, nhờ các sư thầy lớn tuổi chọn cho một ngày đẹp với cả hai họ. Vì kính trọng các sư thầy nên khi xem ngày giờ cưới hỏi trên chùa, đa số các gia đình sẽ không xảy ra bất đồng.
2. Cách xem ngày
Quan niệm xưa có câu: "Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông", vì vậy khi muốn tổ chức cưới, hai gia đình sẽ căn cứ vào tuổi của cô dâu. Hầu hết các vị phụ huynh sẽ tránh cưới cho con đúng vào năm tuổi Kim Lâu của cô dâu.
Các năm Kim Lâu được tính bằng cách: lấy tuổi của cô dâu (là tuổi theo lịch âm, hay còn gọi là tuổi mụ) cộng lại, nếu số cuối cùng là 1, 3, 6, 8 thì năm đó kiêng cưới xin. Ví dụ, cô dâu sinh năm 1987, vào năm 2013 sẽ tròn 27 tuổi theo lịch âm, tổng số 2 + 7 = 9, nên năm 2013 có thể cưới vì không phải năm tuổi Kim Lâu. Nếu muốn cưới vào những năm Kim Lâu thì phải đợi qua ngày Đông Chí, là ngày rơi vào dịp cuối năm.
Ngoài ra, người miền Bắc cũng kiêng cưới xin vào ngày cuối tháng hay đầu tháng âm lịch, còn người miền Nam kiêng cưới vào ngày rằm, mùng một hay ngày Phật đản vì đó là những ngày ăn chay, nhiều người sẽ không tới dự tiệc cưới mặn.
3. Chọn giờ đón dâu, đãi tiệc
Ở các tỉnh miền Nam, các cô dâu chú rể đều mong muốn đãi tiệc vào cuối tuần để khách mời rảnh rang đi dự tiệc. Nhưng ở miền Bắc, đa số uyên ương sẽ tùy theo ngày đẹp mà tổ chức cưới, không cần phải cân nhắc đến cuối tuần hay thời gian nghỉ rảnh rỗi. Vì vậy mà nhiều đám cưới miền Bắc tổ chức vào các ngày trong tuần, khi mọi người vẫn đi làm. Điều này khiến khách mời cảm thấy đám cưới diễn ra vội vàng, chưa đủ thân thiết, gần gũi.
Để khắc phục đám cưới nhanh gọn như vậy, đôi uyên ương nên chú trọn tới giờ giấc tổ chức cưới. Bạn nên chọn ngày cưới cuối tuần, hoặc tổ chức cưới vào buổi tối, tránh cưới vào buổi trưa, thời gian nghỉ của khách mời không nhiều, khó ở lại chung vui cùng bạn tới cuối tiệc.
Không chỉ chọn ngày, cô dâu chú rể cũng nên chọn giờ đón dâu, đãi tiệc phù hợp. Kế hoạch cưới phổ biến hiện nay là nhà trai đón dâu vào sáng sớm, sau đó tổ chức tiệc cưới ngay buổi trưa cùng ngày. Như vậy thời gian nghỉ giữa hai nghi lễ hầu như không có, gây mệt mỏi cho đôi uyên ương. Nếu không gấp gáp, bạn nên đón dâu vào buổi sáng và tổ chức tiệc vào buổi tối.
Cô dâu chú rể cũng nên tránh các ngày lễ, ngày nghỉ để tổ chức cưới. Trước tiên, đặt tiệc vào những ngày này không dễ, giá cả bị đắt hơn ngày thường. Quan trọng hơn, đa số mọi người đều đi nghỉ, đi chơi vào dịp lễ, Tết nên nếu cưới vào dịp này, đám cưới của bạn sẽ không đông khách như khi chọn thời điểm khác.
Linh Linh