Theo nhiều tư liệu về điện ảnh, và căn cứ theo cuốn hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài thì diễn viên điện ảnh đầu tiên của VN không ai khác chính là nhà văn Nguyễn Tuân. Để tham gia một vai rất nhỏ, rất phụ là vai người y tá trong phim Cánh đồng ma, đầu năm 1938 Nguyễn Tuân đã lặn lội sang tận Hương Cảng.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân và diễn viên Mỹ Duyên trong phim Nữ tướng cướp. |
Chuyến đi công phu là thế, nhưng vai diễn của Nguyễn Tuân chỉ lướt qua ống kính có… 3 giây. Chỉ là một cái bóng trắng mờ, khiêng cái cáng cứu thương. Không ai nhận ra nhà văn Nguyễn Tuân tài hoa của chúng ta cả. Nhưng Nguyễn Tuân thì tỏ ra rất “khoái chí” về chuyến đi sang Hương Cảng… đóng phim.
Tâm sự đó, sau này ông đã kể lại trong ký sự Một chuyến đi. Thì ra, Nguyễn Tuân là người rất say mê điện ảnh. Sau vai diễn… 3 giây trong phim Cánh đồng ma, Nguyễn Tuân có được vai diễn “dài hơi” hơn, thể hiện hình vóc nhiều hơn, đó là vai Chánh tổng trong phim Chị Dậu.
Cùng tham gia trong phim Chị Dậu còn có một nhà văn rất nổi tiếng, đó là Kim Lân, trong vai Lý Cựu. Sau Nguyễn Tuân thì Kim Lân có lẽ là nhà văn Việt Nam có “duyên điện ảnh” đặc biệt. Kim Lân diễn như chơi mà y như thật. Nhân vật của Kim Lân chưa bao giờ bị “phô”, trái lại luôn tạo nét riêng, gây ấn tượng mạnh cho người xem.
Tuy vậy, vai Lý Cựu trong Chị Dậu hay vai Pụ Pạng trong Vợ chồng A Phủ chưa phải là vai diễn “để đời” của Kim Lân, mà phải đợi đến phim Làng Vũ Đại ngày ấy thì Kim Lân (trong vai Lão Hạc) mới trở thành một diễn viên điện ảnh nổi tiếng!
Có một nhà thơ, mặc dù lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh thời lượng chỉ… hơn Nguyễn Tuân một chút, nhưng để lại ấn tượng rất mạnh, đó là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - vai “thi sĩ dở hơi” trong Số đỏ. Với vai diễn này, Hoàng Nhuận Cầm đã làm người xem cứ thấy buồn cười mãi.
Sau vai diễn “thi sĩ dở hơi” trong Số đỏ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn có vai… anh chàng dắt heo nọc, trong phim Mảnh đời của Huệ. Nghiện hút, mê cờ bạc, tên dắt heo này thường “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Khi xem phim này, có nhiều khán giả đâm ra ghét Hoàng Nhuận Cầm ghê gớm. Còn thi sĩ họ Hoàng thì bảo: “Khi hóa thân vào nhân vật một thằng đàn ông không ra gì mới thấy thương những người phụ nữ, thương những người vợ, người mẹ!…”.
Trong số các nhà văn làm diễn viên điện ảnh thì có lẽ Tạ Nghi Lễ là người “đắt sô” nhất. Từ vai diễn đầu tiên: linh mục Hiếu trong phim Người đẹp Tây Đô, tính đến nay anh đã có trên 20 vai diễn.
Tạ Nghi Lễ tâm sự: “Tôi đến với điện ảnh từ một sự tình cờ. Hình như các đạo diễn thích “gương mặt phương Đông” của tôi nên thường mời tôi vào những vai rất… nghiêm chỉnh, đàng hoàng, như vai ông giáo Tám trong phim Trở lại vườn xưa, vai giáo sư Trần Văn Giàu trong phim Những nẻo đường phù sa, vai ông chủ hãng nước mắm Hải Hương trong phim Hải Nguyệt…”.
Tạ Nghi Lễ còn “chơi luôn” phim quảng cáo cho bia Tiger, bia Sài Gòn, nhân sâm Ginsoming, phômai “Baby-Bell”… “Làm đủ thứ như vậy, nói thật cũng là để kiếm sống. Nhưng, dù kiếm tiền tôi vẫn làm nghiêm túc, hết mình. Tôi nghĩ, đã là nhà văn thì phải có lòng tự trọng, đừng để ai… la rầy mình!”, anh nói.
Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng “đo ni đóng giày” cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vai một anh chàng chẳng có xu dính túi nhưng lại ưa “nổ” bề ngoài, chuyên đeo vàng giả và la cà ở các tiệm vàng trong phim Nữ tướng cướp. Thế nhưng, giờ chót vì Nguyễn Huy Thiệp bận việc riêng nên vai diễn bốn phút này rơi vào vai thi sĩ tiều tụy Đỗ Trung Quân.
Với vai diễn “bé tẹo” này, Đỗ Trung Quân bổ sung vào danh mục vốn rất dài những “ngón chơi” của mình. Hỏi Đỗ Trung Quân, làm diễn viên có khó không, thì nhà thơ tủm tỉm: “Cũng không dễ, nhưng không đến nỗi bị đạo diễn quát!”. Và, anh tiết lộ thêm: “Với phim này mình đóng chơi, nhưng lãnh tiền thiệt!”.
Đóng chơi mà lãnh tiền cũng chơi, đó là trường hợp của nhà thơ Bùi Chí Vinh khi vào vai gã đào huyệt trong phim Sương mai (đạo diễn Mỹ Khanh, Hãng phim TFS). “Phim truyền hình mà, đâu có nhiều tiền. Nhưng được đóng phim cũng thú vị…” - nhà thơ Bùi Chí Vinh cười rất tươi.
Bùi Chí Vinh “nhắn nhe”: “Nếu đạo diễn nào mời tôi đóng phim thì xin sẵn sàng. Nhưng, tôi chỉ nhận những vai có cá tính. Tôi là người chúa ghét những vai nhạt nhẽo!”.