Bài viết dưới đây được chấp bút bởi Chris Zavos, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, gan, kiêm tiến sĩ trường Y Đại học Aristotle, Thessaloniki, Hy Lạp.
Ai nên tránh dùng gừng?
- Phụ nữ mang thai: Mặc dù gừng có thể giúp giảm chứng ốm nghén, liều cao của nó có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ.
- Người bị rối loạn chảy máu: Gừng có thể làm chậm quá trình đông máu, do đó làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người bị rối loạn chảy máu. Những người dùng thuốc làm loãng máu hoặc có tiền sử rối loạn chảy máu nên thận trọng.
- Người bị sỏi mật: Gừng có thể làm tăng sản xuất mật, điều này gây hại cho những người có vấn đề về túi mật, như sỏi mật.
- Những người sắp phẫu thuật: Do đặc tính làm loãng máu, nên tránh dùng gừng ít nhất hai tuần trước bất kỳ cuộc phẫu thuật nào theo lịch trình để tránh chảy máu quá nhiều.
- Người mắc bệnh tim: Mặc dù gừng có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch, những người mắc một số bệnh về tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Những loại thuốc nào không nên dùng chung với gừng?
Gừng có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định. Do đó, bạn cần cẩn trọng khi đang dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây:
- Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu). Do gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nên không thích hợp để ăn khi bạn đang uống thuốc này.
- Thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu, dẫn đến hạ đường huyết. Nên theo dõi cẩn thận lượng đường trong máu nếu bạn đang dùng thuốc như insulin, metformin hoặc sulfonylurea.
- Thuốc điều trị huyết áp cao. Không nên sử dụng gừng hoặc uống trà gừng vào thời điểm huyết áp đang lên cao vì nó rất nguy hiểm với sức khỏe. Đặc biệt, uống trà gừng nóng có thể làm giãn mạch, gây đứt mạch máu ở người bị cao huyết áp. Lúc này, trà gừng được xem là một chất kích thích huyết áp tăng cao hơn, khiến cho động mạch bị vỡ và nguy cơ gặp tai biến rất nguy hiểm đối với tính mạng.
- Thuốc ức chế miễn dịch. Gừng có đặc tính tăng cường miễn dịch, có thể chống lại tác dụng của thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như những loại thuốc dùng sau khi cấy ghép nội tạng.
- Thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton. Gừng có thể ảnh hưởng đến nồng độ axit trong dạ dày, có khả năng gây trở ngại cho các loại thuốc dùng để điều trị chứng ợ nóng và GERD (trào ngược dạ dày thực quản), chẳng hạn như omeprazole (Prilosec), ranitidine (Zantac) và thuốc kháng axit.
- Thuốc Glycosid tim: Gừng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và tương tác với các thuốc tim như digoxin.
Tác dụng phụ của gừng khi ăn lúc bụng đói
- Kích ứng đường tiêu hóa. Gừng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng, khó tiêu hoặc khó chịu ở dạ dày, đặc biệt nếu ăn khi bụng đói.
- Trào ngược axit hoặc ợ nóng. Đối với một số người, gừng có thể làm trầm trọng thêm chứng trào ngược axit hoặc ợ nóng, đặc biệt khi bụng đói.
- Buồn nôn: Mặc dù gừng thường được dùng để làm giảm buồn nôn, trong một số trường hợp, đặc biệt nếu tiêu thụ với số lượng lớn khi bụng đói, nó có thể làm tình trạng này trầm trọng hơn.
- Tiêu chảy hoặc tăng nhu động ruột. Gừng có thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy hoặc tăng nhu động ruột ở một số người.
- Giảm lượng đường trong máu. Uống gừng khi bụng đói có thể làm tăng tác dụng này, gây lo ngại cho những người bị tiểu đường hoặc hạ đường huyết.
Hằng Trần (Theo Peptiko)