Kết quả kinh doanh năm 2006 của các công ty chứng khoán và kết quả kinh doanh quý I/2007 của một số công ty niêm yết chính thức được công bố, cho thấy, mức lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu (hệ số lợi nhuận ròng) của các công ty chứng khoán (CK) rất cao, trong khi một số công ty niêm yết lại đạt ở mức bình thường và rất thấp.
Hệ số lợi nhuận ròng của các công ty CK dao động 50-70%, đặc biệt là những công ty CK có tên tuổi. Đối với một doanh nghiệp phát triển tốt hệ số này là 20% trở lên. Lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của Công ty CK SSI là 242 tỷ đồng/378,5 tỷ đồng; Công ty CK VCBS 108 tỷ đồng/234 tỷ đồng; Công ty CK BVSC là 50,8 tỷ đồng/92,2 tỷ đồng.
Một số công ty mới ra sau này cũng đạt mức lợi nhuận rất cao như: Công ty CK HSC là 91 tỷ đồng/120 tỷ đồng; Công ty CK SBS là 4,8 tỷ đồng/10,5 tỷ đồng... Trong tổng số doanh thu, nhiều công ty CK cũng đã gặt hái từ việc đầu tư tài chính theo sự lên giá của thị trường chứng khoán (TTCK).
Trong khi lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của các công ty CK rất cao thì các công ty niêm yết (trừ một số công ty có lợi nhuận đột biến như HRC, BMC...) có kết quả kinh doanh quý I/2007 lại bình thường.
Đặc biệt, có một số công ty rất thấp. Nếu so sánh với các công ty này thì quả thật là các công ty CK đã đạt được “mức siêu lợi nhuận”, qua mặt cả các ngân hàng thương mại cổ phần, vượt cả những con thiên nga (cổ phiếu blue-chips) như: Gemadept, Sacom, Vinamilk...
Sự lên giá liên tục trên TTCK kéo theo sự bùng nổ các nhà đầu tư tham gia mua bán cổ phiếu. Các tổ chức đầu tư tài chính quốc tế lớn bắt đầu vào cuộc, tham gia đầu tư tại thị trường Việt Nam...
Do sự tăng đột biến của thị trường nên các công ty CK không đáp ứng kịp về cơ sở vật chất lẫn nhân lực con người. Thay vì phải quảng bá thu hút khách đầu tư đến với mình như trước đây, thì các công ty CK chỉ quan tâm đến những tổ chức đầu tư lớn và giảm bớt lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại sàn giao dịch của công ty mình.
Đến nay, số lượng các công ty CK đã lên đến khoảng 55 công ty. Sự bùng nổ của các công ty CK đang đặt ra một vấn đề nhiều người quan tâm đó là chất lượng của những công ty mới ra đời hiện nay. Bởi ai cũng biết rằng nhân lực trong lĩnh vực CK hiện nay còn rất thiếu. Thiếu ngay cả thời kỳ số lượng các công ty chứng khoán chỉ vào khoảng 15-20 công ty. Khi số lượng tăng nhanh như vậy thì sự thiếu hụt nhân lực là không tránh khỏi. Nghiệp vụ của công ty CK không phải chỉ là môi giới CK mà là tư vấn đầu tư, cổ phần hóa, tư vấn doanh nghiệp.
Đối với tư vấn đầu tư nhiều nhà đầu tư cho rằng, trình độ hiểu biết về TTCK hiện nay của nhiều nhân viên CK còn quá yếu, có khi thua cả các nhà đầu tư. Không biết khi thị trường bão hòa, các công ty CK có chiến lược gì để nâng cao trình độ chuyên môn?
(Theo Người Lao Động)