Người thân và các con nuôi làm lễ cầu siêu cho Phi Nhung tại nhà riêng ở quận Bình Thạnh, sáng 30/9. Mâm cúng với các món chay được chuẩn bị tươm tất. Các con nuôi của giọng ca Bông điên điển đội tang, mắt rưng rưng nhìn lên di ảnh mẹ. Người thân quỳ rạp, vừa chắp tay vái, vừa tụng kinh cầu nguyện cho ca sĩ.
Phạm Đức Hiếu, con trai nuôi Phi Nhung, mặc áo lam, đầu đội khăn tang. Gương mặt Hiếu được che đi một nửa bằng lớp khẩu trang nhưng ánh mắt của cậu không giấu nổi sự buồn bã. Cha mất sớm, mẹ mắc bệnh tâm thần, bỏ Hiếu trơ trọi ở một bãi biển lúc Hiếu khoảng 4-5 tuổi. Hiếu đi lang thang, ai cho gì ăn đó, có lúc ăn cả cá sống. Cơ thể cậu trầy trụa vì bỏng, đá sỏi đâm vào. Trong một lần đi làm từ thiện, Phi Nhung vô tình gặp Hiếu, vì thương cảm nên quyết định đưa về. Thời gian đầu, Hiếu chẳng dám gặp ai, cứ im lặng vì lo sợ. Phi Nhung và sư cô Minh Viên phải thay nhau ôm Hiếu vào lòng, trò chuyện. Hơn một năm sau khi về sống cùng Phi Nhung, Hiếu mới biết cười, nói như bao đứa trẻ.
Trong ký ức của Đức Hiếu, ngày bé mẹ Nhung luôn dạy cậu phải ngoan, siêng uống sữa. Sau khi ăn thì phải tự rửa chén bát, ngồi vào bàn học. Những lúc rảnh rang không phải đi diễn, mẹ Nhung đều đưa cậu và các anh chị em trong nhà đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên. Có mẹ Nhung, cậu không còn cảm giác bị bỏ rơi. Trong mắt cậu, Phi Nhung là một người mẹ tuyệt vời.
Đức Hiếu kể, vì biết cậu là đứa con trai rất dễ sợ lại hay khóc nên mẹ Nhung lúc nào cũng dạy "là con trai phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ". Cậu nhớ những lời mẹ dặn như "tại sao không đeo khẩu trang vô, sao không lo cho sức khỏe của mình", "sao không đi học, lo cho tương lai". Vì yêu mẹ, Đức Hiếu từng hứa sau này lớn lên, kiếm ra tiền sẽ mua xe để chở mẹ đi chơi. Cậu muốn mẹ xuất hiện trong đám cưới của mình sau này. Nhưng phép màu đã không xảy ra. Đón nhận tin mẹ mất, Đức Hiếu bàng hoàng. Cậu chia sẻ tấm hình chụp cùng mẹ trong chuyến từ thiện hơn hai tháng trước và nhắn nhủ: "Mẹ là người vĩ đại nhất! Mẹ về với Phật, con sẽ mãi mãi yêu mẹ".
Hồ Văn Cường cũng có mặt trong lễ cầu siêu cho mẹ nuôi. Anh ngồi lặng một góc, đôi mắt rớm lệ. Đeo khăn tang, anh lộ rõ nét mặt buồn bã khi phải tiễn người dìu dắt, chăm sóc mình suốt sáu năm qua. Sau cuộc thi Vietnam Idol Kids, Cường được mẹ nuôi làm thủ tục chuyển trường từ Gò Công, Tiền Giang lên một trường cấp hai ở quận Bình Thạnh. Bố mẹ Hồ Văn Cường cũng lên TP HCM sống cùng con, làm việc ở quán chay của Phi Nhung. Trong mắt Cường, mẹ nuôi là người nghiêm khắc, sẵn sàng la mắng nếu anh đi học trễ, bị thầy cô phê bình; nhưng luôn khen thưởng nếu học tập ngoan.
Hồ Văn Cường biết ơn Phi Nhung vì những năm qua, mẹ nuôi thường xuyên dẫn đi diễn chung ở các sân khấu lớn, giúp anh dạn dĩ hơn. Mẹ nuôi cũng cho Cường góp mặt trong nhiều sản phẩm âm nhạc, đưa anh đến các buổi fan meeting để tự tin hơn trong giao tiếp. Cường cảm nhận mẹ nuôi xem anh như con ruột. Đôi lúc, hai mẹ con có bất đồng trong suy nghĩ nhưng sau khi ngồi lại nói chuyện, anh và mẹ hiểu nhau hơn. Lần gần nhất cả nhà tụ họp là buổi liên hoan sau khi Cường hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở bữa tiệc ấy, Cường là "bếp trưởng", nấu món súp nui, chè đỗ xanh chiêu đãi Phi Nhung và cả nhà. Họ cùng đùa giỡn, nói chuyện vui vẻ. Nhận tin mẹ mất, Hồ Văn Cường thay ảnh đại diện màu đen. Anh cho biết tâm trạng đang không tốt vì quá đau buồn trước sự ra đi của mẹ nuôi.
Tuyết Nhung gặp mẹ lần cuối hồi tháng 6, trong bữa tiệc gia đình. Một năm trước cô đón mẹ đẻ lên TP HCM nên dọn ra ngoài sống, thỉnh thoảng mới về nhà Phi Nhung ngủ và chơi cùng các em. Tuyết Nhung nhớ trước khi mất, mẹ Nhung chọc cô có bạn trai mà không dẫn về ra mắt mẹ thì lúc cưới sẽ không cho tiền mừng. Đầu tháng 7, Tuyết Nhung được mẹ nuôi nhắn tin chúc mừng sinh nhật, hỏi cô muốn tặng quà gì thì qua nhà. Nhưng do dịch, cô chưa thể qua gặp mẹ. Đến khi Phi Nhung nhập viện, cô mất liên lạc với mẹ.
Trong khi đó, Thiêng Ngân biết ơn vì được mẹ dạy nghề, cách đối nhân xử thế. Cô tiếc vì chưa kịp khoe thành tích đỗ đại học với mẹ nuôi.
Trong lễ cầu siêu, hình ảnh bé Phi Như, con gái nuôi thường được Phi Nhung gọi là "công chúa", đội khăn tang, chăm sóc các em nhỏ hơn khiến nhiều khán giả xúc động.
Do dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ như Hồ Ngọc Hà, Thu Hoài, Đàm Vĩnh Hưng,... không thể tới thắp nhang nên đã gửi hoa, trái cây viếng Phi Nhung. Chỉ có cựu người mẫu Trang Trần tới nhà riêng, tham dự lễ cầu siêu của Phi Nhung. Cô kể, hai con nuôi nhỏ nhất của Phi Nhung vì còn bé nên chưa cảm nhận được nỗi đau mất mẹ. Các bé còn lại và người thân của Phi Nhung đều suy sụp, tinh thần buồn bã. Sau khi thi hài Phi Nhung được đưa khỏi bệnh viện về nhà xác, Trang Trần thay mặt gia đình cố ca sĩ, mời 3 sư thầy ở chùa tới tụng niệm. Ba ngày qua, cô đều ghé nơi để thi hài Phi Nhung, thắp nhang và cúng đồ chay cho đàn chị.
Trang Trần kể cô thần tượng Phi Nhung từ ngày bé, thời cô bán băng đĩa. Lần đầu cô gặp Phi Nhung là khi cố ca sĩ đến hát miễn phí cho chùa Tường Nguyên. Trong ký ức của cô, Phi Nhung là người hào sảng, chưa bao giờ từ chối lời mời hát từ thiện. Nữ nghệ sĩ là người sống tình cảm, lúc nào cũng quan tâm người khác. Thời điểm dịch chưa bùng phát, thấy Trang Trần đi từ thiện tại miền Tây, Phi Nhung nhắn đàn em bao giờ đi thì "nhớ rủ chị đi cùng". "Chị nói với tôi lúc nào cũng sẵn sàng hát tri ân, phục vụ bà con. Chị dặn tôi đừng lo chuyện tiền nong", cô nói.
Cựu người mẫu 36 tuổi nói thêm: "Về tương lai của đàn con nuôi, chị Diễm (quản lý Phi Nhung) và các anh chị em trong gia đình nói sẽ chăm lo cho các con như bao năm qua. Lúc này, gia đình đang sup sụp nên không muốn đưa ra bất kỳ thông tin gì. Chị Nhung thương các con vô hạn và luôn muốn đích thân chăm các bé. Mọi người yên tâm, các con vẫn được yêu thương trọn vẹn. Sau tang lễ, chị Diễm mới lên kế hoạch, sắp xếp mọi việc ổn thỏa".
Cũng trong sáng nay, sư thầy tại chùa Pháp Vân - nơi có bốn người con nuôi của Phi Nhung đang tu tập - làm lễ cầu siêu cho nữ ca sĩ và phát tang cho các con cô.
Một ngày trước, con gái ruột cùng người thân và bạn bè ở Mỹ tập trung ở tịnh Xá Giác An, thành tâm cầu nguyện cho hương linh Phi Nhung. Ở chùa Giác Ngộ, TP HCM, cô cũng được các đồng nghiệp cũng tổ chức lễ cầu siêu, tưởng nhớ. Vợ chồng ca sĩ Khánh Đơn tự lập di ảnh cho Phi Nhung tại nhà vì muốn thắp nén nhang cho "chị Hai". Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng trao tặng bằng tuyên dương công đức Phi Nhung đã đóng góp lúc sinh thời. Gia đình đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của Sở Y tế TP HCM và chờ thông tin hướng dẫn từ UBND TP HCM để lo hậu sự cho ca sĩ.
Ngoài con gái ruột Wendy, Phi Nhung nhận nuôi lần lượt 23 trẻ mồ côi hoặc có bố mẹ nhưng gia cảnh khó khăn, kể từ khi cô về nước hoạt động năm 2005. Một số con nuôi của Phi Nhung là các chú tiểu, đang được nuôi dưỡng tại chùa Pháp Lạc, Bình Phước và chùa Tăng, TP HCM. Số còn lại được cô đón về ở cùng trong một căn nhà ở quận Bình Thạnh. Sau khi Phi Nhung qua đời, người thân cho biết tâm nguyện của cô là muốn con gái ruột kết hôn, ổn định cuộc sống và 23 người con nuôi khôn lớn, trưởng thành.
Phi Nhung mất lúc 12h15 trưa 28/9 tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM sau một tháng rưỡi điều trị Covid-19, hưởng dương 51 tuổi. Cô sinh năm 1970 tại Gia Lai trước khi sang Mỹ định cư, nổi danh với các ca khúc Bông điên điển, Còn thương rau đắng mọc sau hè... Sau nhiều năm thành công ở thị trường hải ngoại, năm 2005, cô về nước ca hát. Bên cạnh sự nghiệp nghệ thuật, Phi Nhung còn kinh doanh quán chay và tích cực hoạt động thiện nguyện.