Đau răng là cảm giác mà nhiều người không thể chịu nổi. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông đến. Đau răng có thể do sâu răng, nhiễm trùng bên trong hàm hoặc răng, bệnh nướu răng hoặc chấn thương.
Cơn đau này có thể ảnh hưởng đến thói quen hàng ngày của bạn. Tuy cách điều trị tốt nhất là đến gặp nha sĩ, nhưng có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà giúp làm dịu cơn đau.
Tinh dầu đinh hương
Một trong những phương thuốc phổ biến và hiệu quả nhất để giảm đau răng là tinh dầu đinh hương. Đinh hương chứa eugenol, một chất gây tê tự nhiên và kháng khuẩn có xu hướng làm tê cơn đau, giảm viêm.
Sử dụng một cục bông gòn hoặc tăm bông sạch. Nhúng tăm bông vào một vài giọt tinh dầu đinh hương. Chà nhẹ lên vùng bị đau, để yên trong vài phút và rửa sạch bằng nước ấm. Ngoài ra, bạn có thể nhai một nhánh đinh hương gần chỗ răng đau. Đảm bảo không nuốt tinh dầu đinh hương vì nó rất mạnh và cũng có thể gây kích ứng nướu nếu sử dụng quá nhiều.
Súc miệng bằng nước muối
Muối là chất khử trùng tự nhiên và giúp giảm viêm, sưng và lượng vi khuẩn trong miệng. Trộn nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm. Súc miệng trong khoảng 30 giây. Nhổ ra và lặp lại quá trình này vài lần. Cách này có tác dụng làm sạch vùng bị nhiễm trùng và dịu cơn đau. Nước muối rất hữu ích khi nguyên nhân do kích ứng từ nướu răng hoặc nhiễm trùng.
Tỏi
Allicin trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn và kháng vi sinh vật. Tỏi có thể làm giảm cơn đau và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại trong khoang miệng.
Hãy nghiền nát một tép tỏi mới thành hỗn hợp sệt rồi đắp trực tiếp lên răng bị đau. Để trong vài phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Bạn cũng có thể nhai chậm một tép tỏi sống để giảm đau nhanh hơn.
Túi chườm đá
Đắp đá lạnh có thể làm tê liệt các dây thần kinh gây đau và giúp giảm đau trong thời gian ngắn, đặc biệt là nếu do sưng hoặc chấn thương răng. Bọc một số viên đá trong một miếng vải hoặc khăn sạch. Áp vào má gần răng đau trong 15 phút, chia thành nhiều lần. Chúng sẽ làm co các mạch máu bên trong răng, do đó làm giảm đau hoặc giảm sưng. Đây là một phương pháp chữa đau răng rất nhanh nhưng chỉ là tạm thời.
Trà bạc hà
Trà bạc hà có đặc tính gây tê nhẹ, do đó làm dịu cơn đau răng. Nó cũng làm mát và sảng khoái, chống viêm và có tác dụng làm dịu.
Hãy ngâm một túi trà bạc hà trong nước nóng và để nguội. Đặt túi trà lên răng đau trong khoảng 15-20 phút. Bạn cũng có thể làm lạnh nó trong tủ và sử dụng lạnh để đạt hiệu quả tương tự. Bài thuốc này không chỉ có thể xử lý cơn đau mà còn cung cấp hương vị sảng khoái trong miệng.
Lá ổi
Tính chất chống viêm và kháng khuẩn của lá ổi khiến cho nó trở thành một loại thuốc tuyệt vời để điều trị đau răng. Theo cách này, lá được sử dụng phổ biến trong các gia đình Ấn Độ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe răng miệng và đau nhức.
Lấy lá ổi tươi và ép lấy nước. Đun sôi nước với lá ổi. Sau khi nước nguội, dùng làm nước súc miệng. Hỗn hợp này tiêu diệt vi khuẩn có trong miệng, loại bỏ mọi tình trạng đau răng và các vấn đề về nướu.
Hành tây
Lưu huỳnh có trong hành tây chứa hợp chất kháng khuẩn bên trong chúng. Các hợp chất lưu huỳnh có tác dụng chống viêm và tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời mang lại sự thoải mái cho cơn đau răng.
Cắt một lượng nhỏ hành tây sống. Đặt trực tiếp lên răng bị đau hoặc nhai chậm. Hoạt tính kháng khuẩn của hành tây sẽ làm giảm nhiễm trùng và giảm đau từ từ.
Nước ép cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì là một chất kháng khuẩn mạnh và do đó giúp chống lại nhiễm trùng, đồng thời giảm đau răng. Nó chứa đầy diệp lục, giúp làm sạch độc tố khỏi nướu và ngăn chặn hoạt động của vi khuẩn bên trong miệng.
Hãy ép cỏ lúa mì tươi, sử dụng như nước súc miệng và súc trong vài phút. Nước ép cỏ lúa mì giúp chữa lành nhiễm trùng, tăng cường nướu, giảm đau và do đó được chứng minh là phương pháp chữa bệnh tự nhiên tốt nhất cho sức khỏe răng miệng.
Nghệ
Nghệ là loại thảo mộc chống viêm và sát trùng mạnh nhất. Nó có đặc tính chống nhiễm trùng và được coi là phương thuốc chữa đau răng tốt nhất. Thành phần hoạt tính curcumin này làm giảm mức độ viêm do đó ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trộn một thìa cà phê bột nghệ với một vài giọt nước để tạo thành hỗn hợp sệt. Thoa hỗn hợp trực tiếp lên răng bị ảnh hưởng. Để trong vài phút rồi rửa miệng bằng nước ấm.
Nghệ cũng có thể được trộn với mật ong hoặc dầu dừa để có thêm đặc tính chữa bệnh.
Hướng Dương (Theo Times of India)