Ngày 12/8 trên trang Confessions của Đại học Kinh tế Quốc dân xuất hiện một bài đăng kể về một cậu bé đánh giày trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội. Nguyên văn những dòng chia sẻ:
"Mình là K51 NEU (tên viết tắt tiếng Anh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân), câu chuyện này cũng lâu rồi, cách đây 2 năm. Mình có lên quán cà phê trên đường Nguyễn Hữu Huân uống cà phê buổi sáng, gặp một thằng bé đánh giày mồm đang ngậm cái tăm chắc vừa ăn gì xong.
- Anh ơi có đánh giày không anh?
Nhìn xuống thì giày mình cũng bẩn, mình hỏi:
- Đánh bao nhiêu em?
- Mười nghìn anh ơi.
- Đây, mày đánh cho anh đi.
Thằng bé liền đưa mình đôi tông xanh rồi ra gốc cây ngay cạnh ngồi đánh. Mình thì có tính từ hồi sinh viên hay ủng hộ với kiểu cho tiền người nghèo (cái này là tính nết của mình từ nhỏ, ai như mình sẽ hiểu, nhiều khi thấy họ nghèo khổ một chút, dù giả hay thật cũng cảm thấy đồng cảm, thương họ) nên theo bản năng mình hỏi:
- Ê, uống gì không cu em?
- Dạ anh cho em xin ít cà phê, anh uống xong thừa cho em xin một ít.
- Thôi để anh gọi cho mày ly cà phê mới, ai lại đi uống thừa.
- Em không có tiền trả đâu ạ.
- Anh trả cho mày.
Thằng bé không nói gì, bắt đầu lấy đồ nghề ra đánh giày. Trong lúc đánh giày, mình hỏi chuyện thằng bé này, vì thấy nó khá nhỏ, gầy, da ngăm đen, biết quê thằng bé ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nó kêu là đất nó nghèo nó không ở thị trấn, lên thị trấn xin việc không ai nhận, ở nhà cũng đông anh em nên học hết cấp 2 lên đây với một anh trai, hai anh em tự làm tự ăn, được một chút tiền thì mang về quê cho bố mẹ, bố mẹ ở quê làm kiểu đánh bắt cá nhưng cũng không được nhiều. Nó bảo lên đây thì bố mẹ đỡ phải nuôi mà lại kiếm ra tiền được, đợt mới lên còn có bữa chỉ dám mua bánh mì ăn với uống nước lọc vì chưa quen, chưa làm ra tiền, tiền nhà trọ còn đang thiếu. Chuyện có lẽ không có gì đáng nói nhưng cái thứ để mà mình kể cho các bạn là dưới đây.
Lúc thằng bé đánh giày xong, mình trả tiền cho thằng bé mười nghìn, thằng bé không lấy, nó bảo là mình đã gọi cà phê cho nó, nó không có tiền trả, mười nghìn đó coi như là tiền trả cà phê, nhìn mặt thằng bé rất tội, kiểu là không phải nó muốn uống một ly cafe mới mà là chỉ muốn uống thừa của mình để không bị mất tiền, cái này mình nghĩ không phải do nó ki bo hay gì gì đâu mà là do thằng bé này nó không muốn để phí và cũng chỉ muốn uống một ít thôi. Mà một điều nữa, mình thấy mọi người hay nói dân Thanh Hóa kiểu lên đây làm ăn kiếm tiền thường có thái độ không tốt nhưng thằng bé này lại khác, khác một cách lạ thường. Mà càng như vậy, mình lại càng thương thằng bé. Mình rút hai mươi nghìn ra đưa nó, dúi vào tay nó, mọi người hỏi sao đánh giày còn ở lại vì nó chờ cà phê của nó để uống (cà phê phin nên hơi lâu) nó không lấy, lằng nhằng một lúc thì nó bảo:
- Thế thôi anh cho em xin mười nghìn thôi ạ, em không lấy nhiều đâu, coi như em hôm nay may mắn được anh khao uống ly cà phê, mười nghìn đó anh để cho người khác đi ạ, mẹ em bảo đồng tiền tự kiếm ra mới có giá trị, đồng tiền mà được cho rồi cũng sẽ phải trả lại thôi, nếu không cuối tuần anh ở đây, em ra đánh cho anh anh lúc đó trả em thêm sau.
Thằng bé vừa uống cà phê vừa kiểu mắt nhìn xung quanh xem giày ai bẩn không là mon men đi hỏi, nó uống nhanh lắm, uống xong là đi luôn. Mình nghĩ có một số bạn sẽ bảo là thằng bé giả vờ rồi để mình thương hay đại loại tương tự để cho tiền nhưng không phải đâu, mình còn gặp lại thằng bé 2 lần nữa cũng ở quán cafe ấy, 2 lần sau nó không uống cafe, nó đánh xong là đi luôn, nhưng mình chỉ gặp thằng bé đúng 3 lần mà không còn gặp nó nữa.
Từ ấy đến giờ đã 2 năm, thỉnh thoảng mình vẫn kể cho bạn bè nghe câu chuyện này mỗi lần nhắc đến người Thanh Hóa. Đôi khi đang đi đường, nhìn thấy mấy người đánh giày, mình lại tự hỏi không biết thằng bé đó giờ thế nào, người như nó trong cái xã hội, trên mảnh đất Hà Nội bon chen này có bị đối xử tệ hay không?".
Bài đăng nhận được rất nhiều lượt thích, chia sẻ cũng như bình luận từ các Facebooker. Trên thực tế, do hoàn cảnh của địa phương nên những người sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa thường rất chịu khó, tiết kiệm. Sự khác nhau giữa cách sống, điều kiện kinh tế khiến người dân Thanh Hóa khi ra các thành phố lớn làm việc thường khó nhận được sự cảm thông và bị nhiều người đánh đồng cho là "bẩn tính", keo kiệt... Một phần không nhỏ trong xã hội ngày nay vẫn còn có thái độ tiêu cực đối với người dân Thanh Hóa.
Câu chuyện về cậu bé đánh giày này đã khiến chính chủ nhân cũng như nhiều người sau khi đọc đã có cái nhìn khách quan, tích cực hơn về người dân nơi đây. Facebooker Huong Huynh bình luận: “Đúng là một đứa trẻ đặc biệt, mong sao sau này em sống tốt và hãy luôn yêu thương những số phận kém may mắn hơn em. Đây là một câu chuyện rất ý nghĩa”.
Một Facebooker khác sinh ra tại Thanh Hóa lên tiếng: “Cảm ơn anh đã không kỳ thị người Thanh Hóa. Em rất tự hào về mảnh đất quê hương của mình. Ở đâu cũng cũng có người xấu kẻ tốt, nhiều khi một con sâu làm rầu nồi canh”. Đại đa số cũng đều tỏ ra đồng tình đối với chủ nhân của confession này: “Cảm ơn bạn, mới đầu đọc chưa hết cứ nghĩ lại phân biệt gì người Thanh Hóa chúng tôi. Người tốt, xấu đâu cũng có nhưng đôi khi chỉ vì mấy cái ý nghĩ ăn sâu vào tiềm thức khiến con người ta mỗi khi nhắc tới là liền nghĩ như vậy. Cần lắm những người như bạn”, Ngân Bình bày tỏ.
Nguyễn Văn Giang cho biết: “Chính vì vùng đất người ta nghèo khó nên phải tiết kiệm, mà sang các tỉnh khác tiết kiệm thì bị chê là kẹt xỉ với không tốt, lợi dụng… nên mọi người mới hay kỳ thị. Nhưng bây giờ cuộc sống khác rồi tuy người ta sống sướng hơn nhưng vì cái ác mộng ngèo đói đó khiến người ta sợ nên người ta vẫn quen tiết kiệm”.
“Nghèo rồi sẽ sinh ra hèn, đó là sự đời nên các bạn mà đã có điều kiện thì đừng nên chê người nghèo vì nghèo không phải là cái tội, khi ai đó ở trong hoàn cảnh như vậy cũng như nhau cả thôi, Thanh Hóa vì nghèo nên mới nhiều người phải tha phương cầu thực kiếm sống, một số thành phần không tốt khiến cho một số bạn có ấn tượng không tốt về người Thanh Hóa nhưng mình thiết nghĩ ở đâu cũng có người xấu tốt, qua câu chuyện này mong các bạn sẽ có cái nhìn tốt về người Thanh Hóa chúng tôi hơn”, Cao Minh bình luận.
Maruko Chan