Ở rừng U Minh và nhiều nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cá rô đồng. Cá rô ở U Minh rất to, có con bằng 3 ngón tay người lớn khép lại, mập ú và thịt chắc, thơm ngon.
Cá rô bắt được, lựa con to (rô mề), mổ ruột đánh vảy, rửa sạch để vào rổ tre cho ráo. Có thể đi vào ven rừng hoặc ra vườn đến chỗ có nhiều cây tạp để tìm trái giác. Cây giác thuộc loại cây leo, mọc dưới đất, bò sống trên các thân cây dại, lá tròn xanh nhạt, có răng cưa bầu, giống lá nho nhưng nhỏ hơn. Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, to khoảng đầu ngón tay. Khi còn non trái giác có màu xanh phấn, lúc sắp chín có màu vàng trong và khi chín có màu đen bóng. Trái giác có vị chua gắt, dùng trái giác khi còn dốt (sắp chín) để kho cá rô là ngon nhất.
Ướp cá rô với nước mầu dừa, nước mắm hòn và một số gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt, đường, để cho ngấm rồi bắc lên bếp kho với lửa liu riu. Cá được sắp đều cho gọn và phải ngập xâm xấp nước. Trái giác cũng được sắp xen kẽ với cá tỷ lệ bằng nhau. Dùng nồi đất để kho là ngon nhất. Đun khoảng 15 phút, khi thấy da cá hơi nhăn là được. Cho một chút mỡ heo hoặc dầu ăn và bỏ một chút hành lá xắt nhỏ vào nồi cá. Thịt cá rô kho trái giác có vị ngọt, béo, thơm lừng. Trái giác có vị chua, ngọt, dôn dốt rất tuyệt.
Đây là món đặc sản dân dã dễ làm, mang hương vị đặc trưng của vùng rừng ngập nước và vùng nông thôn sâu. Có về U Minh hãy thưởng thức một lần cho biết.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống)