Phục vụ mở cửa không một tiếng chào ngoài cái cúi đầu khẽ khàng với ánh mắt biết cười. Gọi nước cũng chỉ viết ra giấy, hoặc chỉ tay ngay vào tên thức uống. Những vị khách nói chuyện như thầm thì. Những bản hoà tấu êm như ru. Những bản tình ca Trịnh đẹp, lắng đọng và da diết. Một bạn trẻ gật gù: "Đúng là lặng thiệt. Lặng 100%. Lâu lắm rồi mới tìm được cho riêng mình một góc lặng đậm đặc như thế". Linh hồn của nét lặng thâm trầm, độc đáo này chính là những nggười phục vụ khiếm thính. Đồng phục gọn gàng, nhã nhặn; phong thái lịch sự, tự tin cùng phong cách phục vụ khá "pro", từ chỗ đến vì tò mò, không ít khách đã trở thành những bạn hàng thân thuộc của quán bởi lẽ họ tìm thấy một triết lý sống đẹp lặng lẽ ở nơi này.
Quỳnh Dao, một khách quen của Lặng! nói: "Mình thích nhất là những bức tranh cảm động treo khắp tường. Mình đã có thể hiểu sâu hơn cuộc sống và những tâm tư, khát vọng của các bạn kém may mắn. Để sống tốt hơn".
Và không biết tự bao giờ Lặng! đã trở thành nơi tập kết của rất nhiều nhóm tình nguyện. Như lời anh Tùng, một thành viên 81 Saigon: "Bàn về kế hoạch giúp đỡ bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, hay mở lớp dạy nghề cho trẻ lang thang thì còn nơi đâu thích hợp hơn Lặng!. Chính tại nơi đây, các tình nguyện viên tìm thấy sự đồng cảm với nhau dễ dàng nhất".
Thật không nơi đâu tìm thấy sự giao lưu giữa khách và phục vụ thân mật như Lặng!. Họ quyết học bằng được những chữ cái đơn giản để giao tiếp bằng tay với người phục vụ. Anh Khang, quản lý quán cho hay: "Lúc đầu in cuốn sổ thủ ngữ không chắc sẽ có nhiều người quan tâm. Không ngờ dần dần nó đã trở thành "đặc sản" không thể thiếu của quán". Nhiều bạn trẻ ngồi hàng giờ ở quán để cùng nhau học thủ ngữ, và lâu lâu lại nhờ "thầy" Toàn đến thỉnh giáo vài chiêu.
Tròn hai tháng sau ngày ra đời, Lặng! đã tạo được dấu ấn nhất định trong lòng nhiều người. Điều đó chứng tỏ trái tim của ba cô chủ quán trẻ đã đi đúng hướng. Khách đến quán đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi tầng lớp, những người hợp gu với quán lui tới rất thường xuyên. Thường tầm 6h sáng là giờ đàn ông có tuổi đi một mình đến quán để đón ngày mới trong tách cà phê đắng. Hay họ "đang lắng nghe im lặng đời mình" như thông điệp mà các cô chủ quán muốn gửi gắm qua ca khúc Tôi đang lắng nghe của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những công chức trẻ còn nguyên sơmi cravat, với chiếc laptop trên tay thường đến góc lặng quen thuộc của mình ngay sau giờ tan tầm để "hạ nhiệt" sau một ngày lao động mệt mỏi.
Người lớn đến để lắng nghe im lặng đời mình. Người trẻ đến để học cách yêu thương, và lắng nghe im lặng đời người, để hiểu và đồng cảm với những số phận con người với nhau.
Địa chỉ: 173 Trần Huy Liệu, TP HCM.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)