Tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. |
Đây là thuyền riêng của các gia đình, phần lớn họ dùng thuyền để mua sắm các vật dụng phòng khi cơn bão kéo dài. Chính từ đây, hoạt động buôn bán ở các chợ ven sông cũng sôi động hơn. Nhiều mặt hàng như áo mưa, dây chằng… đã bị các tư thương tăng giá khiến nhiều người dân rất bất bình, song vẫn đành bấm bụng mua. Nếu không có lực lượng quản lý thị trường, tại nhiều chợ trên tuyến đường từ thành phố về Cà Mau đã diễn ra tình trạng hỗn loạn.
Theo dự báo, khi vào đến tỉnh Cà Mau, cơn bão số 4 sẽ tác động mạnh đến huyện Năm Căn. Đây là khu vực có nhiều cửa sông lớn và nhiều thuyền bè lưu trú. Đến 14h ngày 24/11, thời tiết ở khu vực này trở nên nắng gắt và lặng gió. Vừa hối hả giục chồng đem 2 chiếc ghe đậu sang vùng có nhiều cây to bên kia bờ sông, chị Nguyễn Thị Tiên, ở tại khóm 1, khu vực 1, huyện Nam Căn, vừa nói với VnExpress: “Tôi vừa điện thoại sang Bạc Liêu, người nhà bên đó nói trời bắt đầu có gió lớn. Với tình trạng này, cơn bão sẽ rất khốc liệt". Theo kinh nghiệm của chị Tiên, nếu có mưa nhỏ thì cơn bão sẽ nhỏ. Nay im hơi, lặng gió như thế này thì nguy.
Trong cơn bão số 5 năm 1997, gia đình chị Tiên đã trở nên “trắng tay” vì sập nhà, ghe thuyền bị cuốn trôi. Phải mấy năm sau, chị Tiên mới phục hồi lại việc buôn bán vật liệu xây dựng. Chị cho biết thêm: “Rút kinh nghiệm từ đợt bão đó, gia đình tôi không bao giờ tích trữ nhiều hàng hóa trong nhà nữa và mỗi lần bão là tôi chuẩn bị thêm lương thực để dự phòng".
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, đêm qua, bão số 4 đã vượt qua mũi Cà Mau, đi vào vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang gây gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 8 và có mưa to. 7h sáng nay (25/11), vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 8,7 độ vĩ bắc; 103,7 độ kinh đông, sát phía đông nam đảo Thổ Chu thuộc tỉnh Kiên Giang. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8. Hôm nay, bão số 4 tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km đi vào vịnh Thái Lan. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh miền tây Nam Bộ có mưa vừa đến mưa to. |
Đặc điểm nhà của người dân vùng Năm Căn là nhà 1 tầng. Riêng ở các khu vực ven sông thường là nhà cấp 4, có sàn gỗ và lợp mái tôn. Vì vậy, một trong những cách để phòng chống bão của họ là chất lên mái những bao cát chừng 20-25 kg để ngăn ngừa gió thổi tốc mái. Nhà chị Lê Lệ Hoa, khóm 1 thị trấn Năm Căn, đã chất được 30 chục bao lên mái nhà. “Thế mà tôi vẫn chưa yên tâm vì cơn bão này lớn lắm. Nhưng đặt nhiều bao cát quá thì không được vì các cột nhà không chịu nổi”, chị Hoa giải thích. “Bây giờ nói đến bão là tôi sợ lắm. Hồi năm 1997, gia đình đã phải chạy te tua đến bưu điện và UBND huyện, nơi có nhà xây kiên cố để trú tạm".
Khi có thông tin cơn bão bắt đầu hoành hành ở cách đó chừng 20 km, gia đình chị Hoa lại lấy búa và đinh đóng thêm vào sàn nhà làm bằng gỗ cho chắc. Tiếng 2 chiếc búa mỗi lúc một hối hả, những chiếc cột, cây gỗ lại tiếp tục mọc chằng chịt trong nhà chị Hoa.
18h ngày 24/11, huyện Năm Căn bắt đầu mưa. Gió trời không lớn nên không có nhà nào bị tốc mái. Đây cũng là thời điểm bắt đầu triển khai công tác hỗ trợ và thông tin của lực lượng phòng chống bão lụt trong xã và thị trấn. Trong mưa, tiếng gọi nhau để thông tin tình trạng nhà cửa í ới cả một vùng. Lực lượng cứu hộ tiếp tục chằng néo thêm cho các nhà dân được kiên cố.
Bóng màu xanh là khu vực bão sẽ đi qua. (Mô hình lúc 9h30 sáng nay). |
Trong khi đó, theo thông tin từ thành phố Cà Mau, mưa và gió lớn đã xuất hiện lúc 19h. Sau vài cơn lốc nhỏ, trời đổ mưa lớn thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau chừng 1h, rồi kéo dài suốt đêm. Do thành phố này nhà cửa kiên cố nên vấn đề lo ngại nhất là ngập nước.
Theo UBND Cà Mau, để phòng chống bão số 4, tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng. Toàn tỉnh có 44 tàu làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và đã trang bị các phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động. Trong đó có 8 tàu chủ lực của tỉnh và 36 tàu của dân. Trong sáng nay, một số hoạt động thể thao đã phải dừng lại để tập trung nhân lực và phương tiện chống bão.
Ông Võ Quốc Việt, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, các cửa biển đã bố trí lực lượng kiểm tra nghiêm ngặt, không cho tàu thuyền ra biển. Hiện còn 61 phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân trong tỉnh chưa vào bờ. Trong đó, có 4 phương tiện chưa liên lạc được. Tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo lực lượng tiếp tục tuần tra trên biển và tạo điều kiện để đưa các thuyền vào bờ an toàn.
Lúc 19h tối qua, ông Lê Huy Ngọ, Trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương, đã làm việc với UBND tỉnh Cà Mau. Ông Ngọ cho rằng công tác phòng chống cơn bão của tỉnh đã thực hiện khá chu đáo. Tuy nhiên, các tổ phòng chống bão lụt cần coi trọng nguy cơ an toàn của người dân và thường xuyên duy trì liên lạc 24/24 giờ với nhau.