![]() |
Loại cá dĩa được chọn đại diện VN tranh tài ở Singapore. |
Sau nhiều lần tuyển chọn, đoàn cá cảnh VN (do ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội Cá cảnh TP HCM, làm trưởng đoàn) đã tuyển được 6 con cá dĩa (tên khoa học Symphysodon, có nguồn gốc từ sông Amazon, Nam Mỹ) tuyệt đẹp để mang sang Singapore tranh tài. Ngoài ra, đoàn VN còn chuẩn bị mang 24 con cá nhỏ khác sang triển lãm tại hội thi.
Trước khi mua vé máy bay, ông Nguyễn Văn Lãng xem kỹ điều lệ vận chuyển hàng hoá của Hãng Singapore Airlines (SA). Theo đó, việc vận chuyển cá cảnh phải đóng gói đúng quy cách. Cá đựng trong bọc nylon, có chứa ôxy (1/3 dung tích là nước, 2/3 là ôxy). Sau đó, bọc đựng cá phải được đựng trong thùng xốp cách nhiệt. Ngoài thùng xốp là thùng carton, theo đúng tiêu chuẩn bao bì vận chuyển cá bằng đường hàng không.
Việc chứa 6 con cá dĩa trên đã được ông Lãng thực hiện hoàn hảo như quy định trên. Cẩn thận hơn, ông Lãng còn kèm một hoá đơn, một phiếu đóng gói và giấy kiểm dịch thuỷ sản - do Chi cục Quản lý chất lượng (ATTS) cấp, cho đi theo 2 thùng xốp chứa 6 "quán quân" cá cảnh VN và 24 cá nhỏ triển lãm.
Khoảng 10h ngày 22/5, ông Lãng bắt đầu làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất để mang cá cảnh bay sang Singapore. Ông Lãng kể lại: "Sau khi làm thủ tục, một nhân viên sân bay xưng là an ninh hàng không, yêu cầu tôi mở 2 thùng chứa cá để kiểm tra. Kiểm tra xong, anh ta phán: "Cá có bơm ôxy, dễ cháy nổ". Tôi giải thích rằng, ôxy có ở khắp nơi, còn để cho người ta thở nữa, sao lại "dễ cháy nổ"? Anh ta đuối lý, liền quay sang nói gì đó với một người khác (mang bảng tên là Lộc), nhân viên đang làm thủ tục cho Hãng SA.
Đến lượt ông này tự xưng là "sếp" trong SA, ông sếp này phán: "Cá không được phép chở trên máy bay". Tôi hỏi: "Luật nào cấm chở cá trên máy bay?". Anh ta chống chế: "Để hỏi lại cấp trên".
Tôi xin gặp cấp trên của anh ta. Anh ta vẫn không trả lời, mà nhất quyết yêu cầu tôi phải đem 6 con cá đi gửi kho hàng và chuyển theo khoang hành lý".
Cuối cùng, vì giờ bay cận kề, ông Lãng buộc phải nhờ anh em bên kiểm dịch thuỷ sản mang 2 thùng cá về lại văn phòng giữ giùm. Sau đó, người của Hội Cá cảnh lên làm thủ tục chuyển cá sang Singapore tranh tài, bằng đường vận chuyển hàng hoá, trong khoang hành lý, với cước phí hơn... 120 USD.
Chưa tranh tài, cá đã... ra ma
Hơn 10 giờ sau, 2 thùng cá mới có mặt ở Singapore. Lúc ấy là 20h cùng ngày 22/5. Vì quá trễ, nên không có ai ra làm thủ tục nhận hàng tại sân bay. Ông Lãng lại phải nhờ một người bạn thuộc Hội Cá cảnh Singapore giúp đỡ.
Chật vật đến 22h30, ông Lãng mới lấy được 2 thùng cá ra ngoài. Chở cá về đến hội thi đúng 23h đêm, trong khi hội thi đóng cửa từ lúc... 22h. Các nhân viên Singapore tại hội thi vẫn chưa về nhà ngủ, mà ở lại cùng ông đón... cá.
Sốt ruột, hồi hộp... họ mở 2 thùng cá ra... Toàn bộ 6 con cá dĩa tuyệt đẹp sau chuyến bay dài đã chết thảm tự bao giờ. Chưa hết, 24 con cá cảnh chưa kịp tham gia triển lãm cũng đang... hấp hối...
Gần 1 giờ sáng 23/5, từ Singapore, ông Chủ tịch Hội Cá cảnh TP HCM đã điện thoại về than thở: "Ngày mai, tôi ra đón đoàn cá cảnh VN sang. Không biết chúng tôi lấy gì để mà thi thố đây? Giải thích sao đây với hội thi? Chúng tôi sẽ khiếu nại SA và Hiệp hội Hàng không quốc tế về những bất hợp lý, những thiệt hại không thể tính bằng tiền do nhân viên của SA gây ra cho chúng tôi".
Mặc dù số cá dĩa dự thi và cá cảnh triển lãm bị chết hoặc may mắn xác xơ, te tua, không thể nào dự thi được, nhưng không thể để gian trưng bày VN bị trống, đoàn VN phải vay mượn một số cá cảnh từ trại cá Rainbow Aquarium (Singapore), để trưng bày cho đỡ bị... "quê".
May mắn, có 5-6 nghệ nhân VN khác từ TP HCM, cũng mang cá bằng đường khác, đến dự thi tại Aquarama 2007. Kết quả, 3 con cá dĩa mang quốc tịch VN đã đoạt giải ba. Theo ông Lãng, 6 con cá dĩa bị chết, gồm 2 con dĩa bồ câu, 2 con dĩa lam và 2 con da rắn.
![]() |
Những con cá dĩa đoạt giải nhất, nhì, ba tại hội thi, đều có xuất xứ từ VN. |
"Đây là 6 con cá rất đẹp, Hội Cá cảnh TP HCM đã tuyển chọn, chăm sóc rất kỹ suốt 2 năm qua, nhằm để dự thi Aquarama 2007. Nếu không bị "làm khó" ở sân bay, qua được Singapore an toàn, cầm chắc VN sẽ đoạt giải nhất, nhì hội thi. Bởi cá dĩa, giống bồ câu của VN nổi tiếng trong khu vực lâu nay", ông Lãng khẳng định.
Chứng minh điều này, ông Lãng cho biết, 2 cá dĩa đoạt giải nhất và nhì hội thi tại Aquarama 2007, tuy thuộc về các nghệ nhân nước ngoài, nhưng 2 cá dĩa này, lại được mua từ... VN.
Tại Aquarama 1995, vẫn được Singapore tổ chức, đoàn cá cảnh VN đã đoạt 7/11 giải. Một khoảng thời gian dài, cá cảnh VN trầm lắng. Năm 2007, phong trào nuôi cá cảnh hồi phục, VN bắt đầu hội nhập thì bị... "hành" vì thủ tục ở sân bay, kết quả VN chỉ đạt 3/30 giải.
Ông Lãng tiếc nuối: "Chúng ta có rất nhiều điều kiện, tiềm năng phát triển ngành cá cảnh. Năm 2006, một Việt kiều đã nhập 1 cá dĩa lam từ VN sang Pháp. Con cá ấy đã đoạt giải quán quân tại Pháp. Sau đó, Pháp ồ ạt nhập cá cảnh VN. Nhưng các nhà nhập khẩu, vì lợi nhuận, làm ẩu, cá nhập chết đến 70%, dẫn tới số lượng cá xuất sang Pháp giảm mạnh. Giá như mọi người hiểu biết, quan tâm, xuất khẩu cá cảnh VN có thể lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm, chứ không dừng lại ở con số 4,5 triệu USD/năm như hiện nay".
(Theo Lao Động)