Nhạc sĩ Charlene. |
Dư luận gần như đã lắng xuống sau sự kiện nhạc sĩ Bảo Chấn bị nghi ngờ đặt lời Việt ca khúc Tình thôi xót xa trên nền giai điệu bản hoà tấu Frontier của nữ nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui thì nay lại xôn xao khi nhiều người phát hiện ra cả hai bản nhạc này giống một ca khúc khác: I’ve never been to me của nữ nhạc sĩ Charlene.
Nhạc sĩ Thế Thông (tác giả nhiều ca khúc trong đó có ca khúc Xin đừng cách xa do Minh Quân và Mỹ Linh song ca trong CD Bước phiêu bồng của Minh Quân) nhận xét: trong I’ve never been to me có 1 đoạn “rất giống Frontier”.
Vậy là đống tro chưa kịp tàn lại được xới lên bằng câu hỏi: “Ai đã copy ai? Có sự liên thông nào giữa Tình thôi xót xa- Frontier- I’ve never been to me?”. Đây là ca khúc quan trọng của nữ nhạc sĩ đã lọt vào Top Hit 1982, trước cả Frontier của Keiko Matsui đến 10 năm!
Liệu bản nhạc của Keiko Matsui (đã cùng chồng định cư tại Mỹ), không chịu ảnh hưởng nào từ ca khúc lừng danh này của Charlene?
Và nhạc sĩ Bảo Chấn, khi còn là 1 nhạc trưởng trong những năm đầu thập niên 80 “là thời gian tôi tiếp nhận nhiều nguồn âm nhạc và sáng tác Tình thôi xót xa, nhưng rất tiếc không lưu bản thảo” - như lời ông nói - đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ I’ve never been to me (1982) hơn là từ Frontier (1992) vốn xa lạ với nhạc Việt mãi về sau?
Theo so sánh của Thanh Niên, nếu cả Frontier và Tình thôi xót xa cùng chủ âm D thì I’ve never been to me được viết chủ âm G. Trung âm trong ca khúc của Charlene trở thành chủ âm trong ca khúc của Bảo Chấn và của Keiko Matsui. Về tiết tấu, cả 3 không khác nhau lắm.
Tuy nhiên, nói về độ giống nhau thì giữa Frontier và Tình thôi xót xa đậm nét hơn nhiều khi đem 1 trong 2 so với I’ve never been to me. 3 bài, nghe kỹ để so sánh từng đoạn thì có sự giống nhau giữa 1 đoạn nhạc chính yếu trong I’ve never been to me với giai điệu của Frontier và Tình thôi xót xa. Điều này giải thích vì sao nhạc sĩ Thế Thông khẳng định: “Tôi nghe qua, thấy I’ve never been to me có 1 đoạn rất giống Frontier”.
Một câu hỏi không thể không đặt ra là liệu có sự đồng thanh, đồng khí nào trong tư duy sáng tác của Keiko Matsui và Bảo Chấn cùng bắt nguồn từ ca khúc nổi tiếng I’ve never been to me của nữ nhạc sĩ Charlene? Và liệu Frontier thẩm thấu từ I’ve never been to me rồi sau đó nó ảnh hưởng lên Tình thôi xót xa? Hoặc ngược lại?
Ngoài ra, còn có băn khoăn: trong trường hợp Tình thôi xót xa bị cho là chép lại từ Frontier, tại sao khi ca khúc này của Bảo Chấn cùng ca khúc Cho em một ngày của nhạc sĩ Dương Thụ được chuyển nhượng khai thác cho Đài Truyền hình NHK của Nhật vào 1996-1997 Keiko lại không phát hiện ra?