![]() |
Trẻ nằm ghép giường ở BV Nhi Trung ương. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc BV cho biết, tuy thông tư hướng dẫn việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi chưa ra đời nhưng từ tháng 3, BV Nhi Trung ương đã bắt đầu miễn phí khám chữa bệnh cho tất cả trẻ dưới 6 tuổi, dù là đúng tuyến hay vượt tuyến. Các bậc phụ huynh, rất nhạy với tin tức, cũng biết về quy định mới và đưa con về đây rất đông. Số trẻ đến khám trong những ngày này tăng gấp đôi thời gian trước, số điều trị nội trú tăng 30%. Mỗi ngày, phòng khám phải tiếp 1.000 lượt bệnh nhi.
Số trẻ phải nằm viện luôn ở mức 800-940 trẻ, trong khi BV chỉ có 530 gường. Hầu hết bệnh nhi phải nằm ghép giường. Riêng tại khoa hô hấp, mỗi giường bệnh phải chứa đến 4 trẻ. Khoa này chỉ có 25 giường nhưng luôn phải phục vụ 90-100 bệnh nhi. Mỗi cháu bé nằm viện luôn có ít nhất một người đi theo chăm sóc nên không khí phòng bệnh trở nên ngột ngạt. Nhiều giường có "sáng kiến" thay phiên nhau nằm. Khi chưa đến lượt, người mẹ bế con ra ngoài, kiếm chỗ nào có thể đứng hoặc ngồi được.
Theo VnExpress, không chỉ bệnh nhân và người nhà mỏi mệt mà các nhân viên y tế cũng kiệt sức vì quá tải công việc. BV hầu như không đủ người để phục vụ tốt lượng bệnh nhân lớn như vậy. Việc điều phối nhân lực rất khó khăn. Chẳng hạn, Khoa Sơ sinh luôn có khoảng chục trẻ phải hỗ trợ thở, mà mỗi máy thở phải có một người phụ trách suốt 24/24h, không thể điều đi được.
Một khó khăn lớn nữa là kinh phí. Bác sĩ Lộc cho biết, sau 1 tháng miễn phí cho tất cả bệnh nhi dưới 6 tuổi, ngân sách BV bị thâm hụt khoảng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh phí cho việc miễn phí vẫn chưa được rót xuống và cũng chưa rõ sẽ được thanh toán như thế nào.
Ban giám đốc nhận định, quy định miễn phí cho cả trẻ vượt tuyến sẽ đẩy BV Nhi Trung ương, vốn đã mắc bệnh "quá tải mãn tính", vào tình trạng "ngập lụt". Mặt khác, theo bác sĩ Lộc, số tiền 75.000 đồng mà Nhà nước chi cho trẻ mỗi năm không đủ để chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi. Ở tuổi này, trẻ rất hay ốm. Bố mẹ vì lo cho con nên chỉ cần ốm nhẹ cũng đưa đi bệnh viện. Số tiền trên chưa chắc đã đủ cho chi phí khám bệnh chứ chưa nói đến điều trị, nhất là việc áp dụng kỹ thuật cao. Gánh nặng này sẽ lại làm oằn lưng gia đình trẻ hoặc BV (nếu người bệnh quá nghèo). Khi BV phải chật vật vì thiếu kinh phí thì sẽ rất khó phát triển các phương pháp và thiết bị kỹ thuật cao, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ sở y tế tuyến trung ương. Bác sĩ Lộc cho rằng, nếu như không thể tăng số tiền chi cho các cháu, Nhà nước nên cho phép thu phí đối với các trường hợp vượt tuyến và những gia đình có điều kiện kinh tế, tự nguyện đóng góp. Hiện nhiều gia đình bệnh nhân muốn đóng phí nhưng BV không dám thu.
"Ngoài ra, thông tư về khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi nên nói rõ về quy chế cấp thẻ, quản lý thẻ và thanh toán phí" - bác sĩ Lộc nói - "Chẳng hạn, một trẻ ở Hải Dương được cấp thẻ tại địa phương, kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ đó được rót về Hải Dương. Thế nhưng khi cháu bé mắc bệnh, gia đình đưa thẳng đến tuyến trung ương, vậy ai sẽ thanh toán khoản phí đó và dưới hình thức nào?".
Ban giám đốc BV cũng lo ngại rằng, quy định trình giấy khai sinh khi chưa được cấp thẻ sẽ gây thêm phiền hà cho nhân viên y tế, vốn đã rất bận bịu, và kéo dài thời gian chờ khám của bệnh nhân. Mặt khác, do giấy khai sinh không có ảnh nên những trẻ trên 6 tuổi có thể mượn giấy của em mình hoặc trẻ khác để đi khám.
"Miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ là một việc tốt đẹp và cần làm" - bác sĩ Lộc nói - "Tuy nhiên, khi xây dựng văn bản hướng dẫn việc này, mong các cơ quan chức năng tính đến mọi khó khăn khúc mắc có thể xảy ra để tạo điều kiện cho các BV phục vụ các cháu tốt hơn".