![]() |
Cặp sừng tê giác trắng châu Phi đang được chào bán. |
Trong vai một người cần mua hàng cho các thương gia Đài Loan, phóng viên Thanh Niên tiếp cận được với bà Mai, người có thâm niên trong nghề buôn sừng tê giác. Dáng người phốp pháp, người đàn bà quê Thanh Hóa này có giọng sắc như dao: “Chị đã buôn mặt hàng này có đến hàng tạ. Hàng chị toàn hàng đẹp loại một, không có hàng mới cưa sừng xong đang ngâm nước còn bốc mùi thối mà vội đem bán đâu”.
Bà Mai cho biết ba năm trước một ký sừng tê giác được bán tại Việt Nam với giá 50.000 đô la không hơn không kém. Sau này hàng về nhiều mới từ từ tụt giá xuống còn ba lăm, hai lăm và hiện nay đúng giá 20.000 đô la. Hàng giao tận tay mới nhận tiền. Dám lặn lội qua tận Myanmar lấy hàng trực tiếp, bà ta đi về như con thoi, bán hàng từ bắc vô nam. Nghe đâu bà vừa tậu được căn nhà mấy tầng lầu tại Hà Nội...
Một dân buôn có cỡ khác nhỏ to giới thiệu Bình và Thanh, hai đại gia trong một đường dây cung cấp sừng tê giác cho các tỉnh phía Nam. Ở Hà Nội cũng có hai người khác nhận phân phối cho các tỉnh miền Bắc và giao cho cả khách hàng Trung Quốc. Hàng trong đường dây này được vận chuyển xuyên Lào đến Việt Nam, mọi tiếp xúc và giao nhận tại một địa điểm bí mật ở Nghệ An.
|
Tê giác hai sừng từng xuất hiện ở VN, giờ không còn. |
Bình cho biết mỗi tháng có thể tiêu thụ chừng 6-7 cái sừng với khối lượng khoảng 10 kg. Do lấy từ “gốc” giá có hơi mềm, khách quen được “bao tiêu” với giá 17.000 đô la/kg. Khách hàng thường là các đại gia tập trung ở các khu kinh tế lớn như TP HCM, Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ. Một số được mua để làm quà biếu cho các quan chức...
Sừng tê giác được săn lùng ráo riết và đắt hơn vàng bởi toàn thân nó là một kho dược liệu với những công năng thoạt nghe tưởng chừng như huyền thoại. Loài thú từng có mặt trên trái đất hơn 60 triệu năm này rất nhút nhát, chúng chỉ trở nên hung dữ khi bị đe dọa. Thức ăn thường ngày của chúng là măng tre, nứa, quả non, cành non, món “khoái khẩu” nhất là các loại cây lá gai mọc trong những cánh rừng chằng chịt. Cánh thợ rừng kháo với nhau rằng đó là một loại cây “thuốc”, chỉ tê giác mới có bản năng tìm ra và nhấm nháp thứ thực phẩm hảo hạng này.
Bất cứ bộ phận nào của tê giác cũng là thần dược. Ngay cả phân tê giác phơi khô ngâm rượu cũng là vị thuốc quý, trị được các bệnh tê thấp, đau nhức kinh niên. Chúng tôi cũng đã từng có dịp được nếm thử loại quý tửu này tại nhà một gã sơn tràng giải nghệ, ở ven ô thị trấn Bảo Lộc. Đêm đó tiết trời cao nguyên se lạnh, người chủ nhà tên Việt, lúc cao hứng đã khệ nệ bưng ra hũ rượu lớn, mở ra thơm ngát mùi thuốc sao, khử thổ. Anh ta cho biết đã ngâm vị thuốc đặc biệt này trên hai năm, nay mới khui ra đãi khách quý. Hôm ấy chúng tôi vừa vượt mấy chục cây số đường rừng Bảo Lâm về, ai nấy đều ê ẩm cả người. Qua mấy tuần rượu, chợt thấy tỉnh táo và bao nhiêu mỏi mệt cũng tan biến...
Chưa thấy có tài liệu nào đề cập, nhưng một số người vẫn cho rằng máu tê giác pha rượu uống trị bách bệnh. Các loại sạn, sỏi, kết tụ trong túi mật... nếu lấy được gọi là tê ngưu hoàng (tê giác còn có tên tê ngưu giác) có tác dụng cải tử hoàn sinh. Da tê giác hút được nọc độc rắn cắn, giải độc vết thương chó dại cắn... một cách thần kỳ. Điều này gần như đã được kiểm chứng trong dân gian.
Anh Lê Long, một cán bộ từng tham gia kháng chiến có kể về sự hiệu nghiệm của “miếng da to bằng đồng xu”. Lúc ấy đơn vị của anh đóng quân tại chiến khu Đ, nơi có nhiều thú dữ và rắn độc. Giữa rừng sâu muôn vàn thiếu thốn, lỡ bị con “chàm quạp” mổ cho một nhát thì kể như tiêu, lấy đâu ra huyết thanh và các loại thuốc trị liệu kịp thời. May thay, lúc ấy ta có sáng kiến phát cho từ cấp tiểu đoàn một miếng da tê giác nhỏ. Nếu bị rắn cắn, chỉ cần lấy miếng da tê giác áp vào vết thương, nó sẽ dính chặt vào như sức hút nam châm. Khi nào hết độc, miếng da sẽ tự nhả ra. Đem ngâm vào rượu hay cồn cho nhả độc, xong đem phơi khô, cất giữ để tiếp tục sử dụng.
Trong giới buôn bán rắn, ai cũng biết Bà Hai được mệnh danh là “nữ hoàng rắn” từng bị một con hổ mang chúa mổ trúng ngón tay khi đang kiểm hàng. Bị loài này cắn là kể như “giũ sổ”, hết phương cứu chữa. May mà bà ta đã ngờ trước câu “sinh nghề tử nghiệp” nên đã thủ sẵn miếng da tê giác phòng thân, nhờ vậy mới cứu được mạng. Hiện nay trên thị trường da tê giác thứ thiệt đang được chào bán với giá 2.000 đô la một ký. Tất nhiên không phải ai có tiền cũng mua được, nếu không lần ra đầu mối.
Tuy nhiên sức mạnh và truyền thuyết về tê giác lại nằm ở... cái sừng. Tìm trong tài liệu đông y cổ chỉ nói sừng tê giác là vị thuốc có tác dụng “thanh huyết, giải độc và định kinh”, thường dùng trong các trường hợp sốt quá hóa điên cuồng, thổ huyết, đau đầu, ung độc... Thật ra, sức hấp dẫn của sừng tê giác nằm chính ở đặc tính kỳ lạ của nó. Người ta cho rằng trong các loài động vật, chỉ tê giác là có thời gian giao cấu kéo dài kỷ lục, từ 2 đến 4 giờ mỗi lần nhập cuộc. Theo họ sức mạnh vô địch ấy tập trung trên chiếc sừng với những hoạt chất có tác dụng như thần dược, mà bằng phương pháp nghiên cứu thông thường không thể biết rõ đó là chất gì. Một ít bột mài từ sừng tê giác có thể giúp người nhược dương trở thành người đàn ông phi thường trong việc phòng sự, ngay cả Viagra cũng phải chào thua!
Sừng tê giác vì vậy được xếp vào hàng đặc dị, vừa quý vừa hiếm nên có giá rất cao. Nếu một ký vàng bốn số chín (9999) hiện nay khoảng 13.000 đô la, thì một ký sừng tê giác tại thị trường Việt Nam dao động từ 17.000 đến 20.000 đô la. Giới nhà nghề còn khẳng định tại các thị trường có truyền thống chuộng sừng tê giác và có nhu cầu rất cao như Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, thường được “hét” giá 50.000 đô la.
Dân làm ăn vẫn thường kháo với nhau rằng “lúc trẻ bỏ sức kiếm tiền, về già bỏ tiền kiếm sức”, đó cũng là bi kịch của con người. Để vớt vát lại sức trẻ thanh xuân, không ít đại gia có dư tiền của cất công sưu tầm bao thứ “thần dược” tráng dương bổ thận. Đã qua rồi cái thời rượu Tây, rượu pha mật gấu, rượu ngâm tay gấu, nhân sâm, nhung nai, “mốt” của dân máu mặt bây giờ phải là “tửu giác” (rượu mài bột sừng tê giác, một tên gọi được sinh ra từ bàn nhậu). Bỏ ra một lúc vài chục nghìn đô la hay vài ba trăm triệu mua chiếc sừng tê giác “chính hiệu” để thi thoảng chiêu đãi khách hàng, bằng hữu... mới gọi là sành điệu. Đặc biệt, các thương gia châu Á rất biết thưởng thức thứ rượu này.
Làm ăn tại Việt Nam đã lâu, Lee quen biết hầu hết các ông chủ trong ngành mua bán xe tải second-hand Hàn Quốc. Anh luôn là khách quý tại các buổi tiệc ồn ào, được uống nhiều lần “tửu giác” với cảm giác nhớ đời. Một ngày nọ anh điện thoại hẹn tôi đi Đồng Nai. Nơi đến là căn biệt thự sang trọng nằm khuất trong con phố vắng của thành phố Biên Hòa. Chủ nhà là một doanh nhân mới phất, rất biết cách chiều lòng khách. Không quan tâm tới các món nhậu, tôi tập trung chú ý “tiết mục” chính đang được bày biện ra. Một cái sừng tê giác đặt trong cái đĩa sứ lớn được mang tới. Chủ nhà nói đã mua cái sừng nặng 0,7 kg này với giá 245 triệu đồng. Anh ta còn giảng giải: muốn biết sừng thật hay giả, chỉ cần để nó trong bóng tối, dùng cây đèn pin nhỏ rọi sát đáy sừng. Khi thấy nó đỏ rực lên như bóng đèn, thì chắc chắn là hàng thật.
Chỉ vào một miếng kim loại hình vuông, anh ta bảo đấy là một loại hợp kim đặc biệt do Trung Quốc sản xuất, chuyên dùng để mài sừng tê giác. Nếu không có loại này, thì phải dùng da cá đuối phơi khô thay thế. Da cá đuối vốn kỵ sừng, sừng mài đến đâu tan ra bột đến đó. Ngoài hai chất liệu trên, không vật gì có thể mài nổi sừng tê. Loại bột có hạt thật mịn màu trắng này đem hòa vào rượu lắc đều ra thứ đùng đục như nước cốt dừa là có thể uống được.
Tê giác ở Việt Nam chỉ còn một quần thể nhỏ cuối cùng. Đó là loài thú một sừng đặc hữu quý hiếm nhất thế giới, có tên khoa học Rhinoceros Sondaicus Annamiticus, cùng nhánh với tê giác Java. Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa công bố đàn tê giác Việt Nam chỉ còn khoảng 5-6 con, sống dọc theo ven sông Đồng Nai, nơi tiếp giáp ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước. Tại vườn quốc gia Ujing Kulon của Indonesia còn một đàn tê giác Java khoảng 60 con. Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, đã được đưa vào sách đỏ và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trên thế giới còn khoảng 1.900 con tê giác đen, 11.000 con tê giác trắng châu Phi, 700 tê giác Sumatra, 1.200 tê giác Ấn Độ sống tại Công viên quốc gia Kaziranga. Tê giác còn được tìm thấy ở vùng rừng núi biên giới Thái Lan và Myanmar, nhưng chưa có số liệu công bố chính thức. Tất cả đều đang bị đe dọa xóa sổ bởi những tay săn liều lĩnh và từng có những trận đụng độ đổ máu xảy ra với các lực lượng bảo vệ.
![]() |
Tê giác đen. |
Như vậy, có thể khẳng định tại thị trường đen trong nước không có sừng tê giác Việt Nam. Một số đang được rao bán chỉ là hàng giả hoặc là mánh bịp bợm của những kẻ lừa đảo. Hàng thật đang được mua bán một cách bí mật chính là hàng nhập lậu, từ các nguồn còn lại trên thế giới.
Từ khi Việt Nam mở cửa, không ít người đã nhanh chóng làm giàu, và những món ăn chơi cũng đang có đất nảy nở. Các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia đã vươn vòi đến Việt Nam kết hợp với các gương mặt đen trong nước âm thầm lặng lẽ mở rộng thị trường. Mua bán sừng tê giác được coi là phạm pháp ở nhiều nước. Dưới tác động của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF), Trung Quốc cũng đã nghiêm cấm và đặt ngoài vòng pháp luật mọi hành vi mua bán trái phép sừng tê giác. Không loại trừ sừng tê giác đang quá cảnh vào Việt Nam rồi tìm cách xâm nhập vào Trung Quốc bằng đường biên giới.
Tê giác từ lâu mất bóng tại những vùng rừng núi Việt Nam. Ngay cả khi một bầy đàn ít ỏi vừa được phát hiện ở khu rừng nguyên sinh Cát Tiên, thông tin vẫn còn quá mơ hồ. Trong tâm thức nhiều người, tê giác là một con vật bí ẩn, kỳ lạ. Những câu chuyện đường rừng kể về tê giác chứa đầy huyền thoại. Người Stiêng ở Bù Đăng (Bình Phước) coi tê giác là con vật thiêng, ai giết được nó là lấy sức mạnh về mình, ngay cả ma quỷ cũng kiêng sợ. Chuyện về một gia đình có mối thù truyền kiếp, ba đời bị tê giác húc chết nghe nửa hư nửa thực. Và người đàn ông tên K'Bá đã kết thúc lời nguyền dòng tộc bằng việc bắn chết một con tê giác ở rừng Lộc Bắc (Lâm Đồng) năm 1978 để trả mối thâm thù.
Xa hơn về thời Bắc thuộc, dân ta phải lên rừng tìm sừng tê, ngà voi, xuống biển mò ngọc trai... để làm vật phẩm tiến cống cho các vương triều phương Bắc. Các tay súng thiện xạ người Pháp khi đặt chân đến cai trị nước ta, cũng không bỏ lỡ cơ hội săn lùng loài thú quý hiếm này. Năm 1904, một người Pháp đã bắn hạ một con tê giác tại bán đảo Cam Ranh, theo tài liệu để lại thì đó là con tê giác hai sừng (Dicerorhinus) cuối cùng ở Việt Nam. Các ghi nhận cho biết tê giác từng xuất hiện ở vùng cao nguyên Sơn La kéo dài theo trục Trường Sơn đến tận vùng rừng núi giáp ranh Đông Nam Bộ như Phước Long, Đồng Nai... Ngày nay, chúng gần như biến mất sau nhiều thế kỷ bị săn lùng ráo riết.