Chỉ nói riêng về cuộc trình diễn chân dung nhạc sĩ Ngọc Đại thì Nhật thực 2 có thể xem là thành công khi khán giả đã thực sự bị dụ dẫn vào một không gian âm nhạc đặc quánh những sáng tạo nghệ thuật: âm thanh, hình ảnh đầy mê hoặc và có sức ám ảnh thị giác, thính giác mãnh liệt. Nhật thực 2 là một giấc mơ hoang đường với những lát cắt ngang dọc đầy siêu tưởng. Độc đáo, hay, lạ, chỉ cảm nhận được bằng những suy nghĩ của riêng mình chứ không thể giải thích hay diễn giải cụ thể vì sao hay.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị,
![]() |
Khánh Linh trong Nhật thực 2. |
Nhật thực 2 chính xác là một buổi biểu diễn nghệ thuật trình diễn với những sắp đặt sân khấu đầy màu sắc nghệ thuật và giàu liên tưởng. Không gian sân khấu, đạo cụ, hoá trang, diễn viên múa, ánh sáng và cả âm nhạc rất cá tính của Ngọc Đại cùng những cuộc hoá thân của ca sĩ trong mỗi ca khúc đã khiến Nhật thực 2 không dễ xem chút nào.
Điều này đúng như ý đồ đã sắp đặt của nhạc sĩ: "Tôi muốn khán giả tiếp nhận âm nhạc của tôi từ nhiều chiều, nhiều góc nhìn: nghe ca sĩ hát, nghe giai điệu, nghe hòa âm và xem cả những kỹ xảo sân khấu nữa để họ có được cảm nhận gần nhất với những ý tưởng trong âm nhạc của tôi". Tác giả muốn âm nhạc của mình cũng bất thường như hiện tượng nhật thực lâu lắm mới có một lần, chuyển tải được sự bất thường, những ức chế được dồn nén có thể oà vỡ, phát xạ thông qua những nốt nhạc gân guốc, trúc trắc và những ca từ bùng nổ, phá vỡ quy tắc.
Không một lời dẫn dắt, chương trình cứ thế đưa người xem đi từ giấc mơ lạ lùng này đến giấc mơ ma quái khác. Các nghệ sĩ múa với những tạo hình độc đáo, giàu hình ảnh có sức cộng hưởng rất lớn với âm nhạc vô điệu thức của Ngọc Đại khiến người xem đầy những liên tưởng, cảm nhận của riêng mình. Khát khao về tình yêu vượt qua mọi ràng buộc dễ dàng được nhận diện qua nghệ thuật trình diễn, sắp đặt độc đáo của tập thể nghệ sĩ trong Mơ, Viết cho anh, Tự tình, Cỏ trắng, Độc thoại tháng giêng, Tựa thu, Cuối đêm, Thinh không.
Giọng hát chủ đạo của Nhật thực 2 trong lần du Nam này chính là hoạ mi Khánh Linh; nhưng hoạ mi đã thoát xác, không phải là vẻ hiền lành, ngọt ngào cố hữu mà dữ dội, đầy bứt phá với khả năng diễn xuất xuất thần trong những ca khúc của Ngọc Đại (Đợi chờ, Tắm đêm, Hết duyên, Giọng mưa đàn bà). Tùng Dương, 5 Dòng Kẻ, Thanh Lam cũng đã hát và diễn như nhập đồng đem lại hiệu quả mỹ cảm cao trong cuộc chơi sắp đặt trình diễn âm nhạc của Ngọc Đại.
Giấc mơ đẹp nhưng buồn. Buồn vì khán giả quạnh vắng khắp khán phòng. Lác đác người đứng dậy bỏ về trong khi giấc mơ vẫn cứ tiếp diễn trên sân khấu. Thỉnh thoảng, những tràng cười lạc lõng của một vài khán giả không hiểu giấc mơ kia là gì vẫn rộ lên. Đến cuối chương trình, khán giả ở lại đếm được không hơn trăm người. Một giấc mơ đẹp lạc loài giữa số đông khán giả thích nhạc thị trường sôi động.