![]() |
Siêu thị thu hút nhiều khách đến mua hàng. |
Theo nhìn nhận của ông Terry Ghani, Giám đốc TGA Malaysia, nhà quảng cáo và tiếp thị hàng đầu tại Malaysia, VN đang được xem như là một “thiên đường”, một thị trường tiềm ẩn của hoạt động bán lẻ.
Ông Ghani chứng minh: VN có nền chính trị ổn định, tỷ lệ người biết chữ cao nên rất dễ thông tin bằng hình thức viết. Có đến 70% dân số dưới 30 tuổi, điều này rất có lợi trong việc duy trì và phát triển bền vững thị trường bán lẻ tại VN. Bên cạnh đó, VN còn là cửa ngõ dẫn tới một số thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Lào…
Cùng quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại-đầu tư TP HCM (ITPC), một trong các đơn vị tổ chức hội thảo “Thương hiệu và nhượng quyền thương mại trong ngành công nghiệp bán lẻ” tại TP HCM ngày 14/12, đã đưa ra những con số khá ấn tượng: Ngành công nghiệp bán lẻ vẫn giữ được tỷ trọng của nó trong GDP, doanh thu bán lẻ tăng mạnh trong năm 2004 đạt khoảng 343,350 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2003.
Ngoài những hấp lực kể trên, theo đánh giá của đại diện tập đoàn chuyên tư vấn bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) thì sức hấp dẫn còn do mức giá cho thuê các trung tâm thương mại tại VN khá rẻ và linh động. Hiện mức giá cho thuê tại VN ở mức bình quân 30 USD/m2/tháng, thấp hơn nhiều so với các trung tâm kinh tế trong khu vực như Bắc Kinh, Hong Kong, Thượng Hải, Singapore, Đài Loan, Thái Lan…
Điểm mấu chốt thúc đẩy các tập đoàn bán lẻ đổ bộ vào VN chính là những con số, những thành quả thực tế mà các nhà đầu tư, các tập đoàn và DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đạt được khi mạnh dạn mở đường tại VN.
Nếu năm 1996 trên địa bàn cả nước mới có 1 siêu thị ra đời là CitiMart, thì đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng TP HCM đã có tới hơn 60 siêu thị và trung tâm thương mại. Các hình thức phân phối hiện đại như siêu thị hiện giờ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội mà đang lan rộng đến các tỉnh có tiềm năng. Maximart là một trong những “người tiên phong” khi mở rộng chuỗi siêu thị đến Nha Trang.
Tiếp đến, năm 2003, hệ thống siêu thị Co.op Mart khai trương siêu thị ở Quy Nhơn và Cần Thơ. Hiện nay, Co.op Mart đang muốn củng cố vị trí của nhà phân phối số 1 tại VN bằng một chiến lược phát triển cả về chiều sâu và rộng bằng việc hình thành hệ thống các siêu thị.
Năm 2010, dự kiến Co.op Mart sẽ có 40 siêu thị trên cả nước, đồng thời liên kết siêu thị với các cơ sở sản xuất, kho dự trữ thành một hệ thống liên hoàn từ khai thác, vận chuyển, chế biến đến bán lẻ để gia tăng giá trị sản phẩm.
Song song đó, tại TP HCM, sự vào cuộc và kinh doanh thành công của các trung tâm thương mại (TTTM) lớn như Diamond Plaza, An Đông Plaza, Zen Plaza… cũng đánh dấu sự bùng nổ của thị trường bán lẻ.
Năm 2000 cũng là năm đầu tiên các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia thâm nhập vào thị trường VN. Chỉ sau 5 năm, đã có gần 10 tập đoàn như Bourbon Group, Metro Cash&Carry, Lotteria, Medicare… và gần đây là Parkson hoạt động trong các lĩnh vực siêu thị, thức ăn nhanh, trung tâm mua sắm, chăm sóc sức khỏe.
Số lượng các cửa hàng của các tập đoàn này cũng không ngừng được mở rộng trên địa bàn cả nước. Sau Parkson, cái tên được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là Dairy Farm (Hong Kong), đang chờ cấp phép để thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động tại VN.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)