Nhẫn cưới của họ được đặt thiết kế riêng, chiếc váy đàn ông kiểu Scotland giá 2.000 USD và tiệc chiêu đãi có cả bánh mì kẹp trứng cá muối ở khách sạn 5 sao. 60.000 USD chi phí là một nửa năm thu nhập của cặp tân hôn.
Mặc dù các nhà làm luật ở khắp nước Mỹ còn đang bàn cãi về điều luật cấm hôn nhân đồng giới, các cặp đồng tính đang tổ chức những lễ cưới lớn nhỏ khắp nơi, bơm tiền vào nền công nghiệp đám cưới .
Các nhà bán hàng nói rằng sự chú ý đến vấn đề cưới xin đã khuyến khích các cặp đồng tính công khai mối quan hệ của họ, mặc dầu ở hầu hết các bang, nghi lễ mới chỉ mang tính lãng mạn. Kathryn Hamm - một chuyên gia tư vấn đám cưới, người đã lên kế hoạch cho đám cưới của McKee với anh bạn Nopadon Woods nói: “Một thời gian dài do hổ thẹn nên họ không cho phép mình tổ chức hôn lễ như vậy. Nhưng bây giờ thì thị trường đang mở rộng như những thông báo trên báo chí”.
Không giống như thị trường đám cưới truyền thống có giá trị nhiều tỷ đô la, các nhà nghiên cứu nói ngành kinh doanh đám cưới đồng tính tại Mỹ khó xác định giá trị hơn.
Một số người ước tính con số vào khoảng 1 tỷ USD. Năm 2005, những cặp đồng tính tiêu 7,2 triệu USD theo như con số tìm được trên Network Web site Đám cưới Cầu vồng. Bà Cindy Sproud, một trong những chủ nhân của Network Web site trên nói rằng năm 2002, con số đó mới chỉ là 2,1 triệu USD.
Những cặp đồng tính cưới nhau thường tiêu thụ những thứ căn bản từ hoa cho đến xe hơi. Nhưng các nhà bán hàng cũng cho biết các cặp này tiêu thụ những thứ có tính chất đồng tính như nhẫn cưới khảm châu báu màu sắc như cầu vồng, những bộ khăn tắm “Chàng và Chàng”…
Cindy Sproud nói: Chúng tôi song hành gần như hoàn toàn với những gì các cặp đồng tính làm. Chỗ khác là ở đây có thể là hai chú rể hoặc hai cô dâu”. Cindy Sproud ước tính các cặp đồng tính chi khoảng 20.000 đô la tại những bang ít nhiều có thừa nhận kiểu đám cưới này, chẳng hạn như ở Massachusetts và Vermont.
Còn ở những bang cấm đám cưới đồng tính như Georgia thì các cặp chi trung bình chừng 15.000 USD. Tại bang này, hội chợ đồ cưới hàng năm do hãng của bà Cindy Sproud tổ chức đón khoảng 500 khách là người đồng tính, trong đó hầu hết là người da đen.
Hai cô Vinyelle White và Madeline Jones ở bang Richmond tổ chức đám cưới khiêm tốn ở nhà với những thiếp mời tự làm vào tháng 8/2006 tốn có 4.000 USD, tương đương với một tháng thu nhập của cả hai người. White, người đã tham khảo các mạng dành cho người đồng tính trước khi chọn một lễ cưới kiểu Phi châu, nói: “Nói ra thì có vẻ nhảm nhí, nhưng chúng tôi muốn cho thấy chúng tôi yêu nhau như thế nào bất chấp điều đó có hợp pháp hay không”.
Nổi lên trong các cộng đồng đồng giới trong thập kỷ cuối đây, vừa qua, hôn nhân đồng giới và những đám cưới “một bề” đã thu hút sự chú ý với những cố gắng biến chúng thành bất hợp pháp. Massachusetts là bang duy nhất cho phép hôn nhân đồng giới từ khi Tòa án tối cao phán quyết vào năm 2003 rằng hiến pháp của bang đảm bảo quyền đó.
Theo cơ quan chức năng, đã có 8.764 đám cưới đồng tính được tổ chức ở bang này. Hồi tháng 11/2006, bang Virginia là một trong bảy bang thông qua luật cấm hôn nhân đồng tính, gia nhập đội ngũ 20 bang trước đó. Nhưng có những bang lại đi ngược lại: Những người đồng tính ở bang New Jersey vừa được thừa nhận quyền kết hôn với nhau trong tháng 12 vừa qua.
Sharmayne Wesler, một nhà tổ chức hội chợ hàng năm ở New York cho rằng những ầm ĩ và những đám cưới được truyền thông rộng rãi như của nữ ca sĩ nhạc rock đồng tính Melissa Etheridge vào năm 2003 sẽ khuyến khích những người đồng tính thủ tục hóa mối quan hệ của họ, bởi họ cũng muốn theo truyền thống, được cử hành hôn lễ trong tiếng chuông nhà thờ.
Cặp McKee và Woods đã mời 200 khách tới đám cưới của mình. McKee đã xem sách hướng dẫn đám cưới đồng tính, các website và tham khảo cả một chuyên gia tổ chức cưới xin để tìm được các tay thợ ảnh có cảm tình với những người đồng giới.
McKee nói: “Đối với chúng tôi, cốt lõi của hôn nhân là tình yêu”.
(Theo Tiền Phong)