![]() |
Giá vàng tăng, người tiêu dùng chủ yếu mua vàng nữ trang. |
Cách nay vài tháng có lẽ ít ai nghĩ rằng giá vàng sẽ vượt qua mức 500 USD/ounce, trong khi giá thành khai thác chưa đến 300 USD/ounce, nhưng nay giá đã bỏ xa mức cản này và đã đạt 522,2 USD/ounce vào sáng 9/12. "Là đơn vị kinh doanh vàng, chúng tôi luôn thận trọng để ứng phó với mọi tình huống nhưng cũng không thể lường giá vàng lại có thể tăng “khủng khiếp” như vậy”, ông Nguyễn Công Tụ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Á, nhận xét. Quả thật, cơn đột biến của giá vàng lần này quá nhanh khó có ai lường trước được nên đang đẩy không ít người vào cảnh “đứng ngồi không yên”.
Tính kỹ cũng “dính”
Chị Nga mấy hôm nay thường xuyên hỏi han mọi người về giá vàng. Hôm qua, khi biết giá vàng tăng thêm 22.000 đồng/chỉ, lên gần 1 triệu đồng/chỉ, chị tỏ vẻ bực bội ra mặt rồi đùng đùng bỏ đi. Chị đang “ngồi trên đống lửa” với khoản nợ “nóng” hơn 50 lượng vàng!
Cách đây 6 tháng, chị gom góp toàn bộ số vàng tích cóp lâu nay và vay thêm người quen 50 lượng để mua căn nhà cấp 4 ở Phú Nhuận, TP HCM. Nay gần đến hạn trả nợ thì giá vàng đã tăng cao hơn so với lúc chị vay đến gần 400.000 đồng/lượng. Chị tính xin khất nợ chờ giá xuống, nhưng lại lo: “Lỡ giá không xuống mà tăng lên cao nữa chắc tôi chết mất” và bên cho vay cũng không muốn cho khất nợ vì muốn được trả vàng để bán lấy tiền xây nhà.
Tương tự chị Nga, anh Hoàng, nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cũng đang “đứng ngồi không yên”. Cách nay hơn năm, người quen giới thiệu căn nhà ở quận 7 đang rao bán với giá khá “mềm” nên dù chưa đủ tiền anh vẫn đặt cọc mua với giá 200 lượng vàng SJC. Sau đó, anh thế chấp căn nhà đang ở để vay ngân hàng 140 lượng, trả tiền nhà. Anh tính toán, với lãi suất vay 0,55%/tháng thì 1 năm cũng chỉ phải trả lãi hơn 8 lượng vàng. Căn nhà anh mua thuộc khu vực đang đô thị hóa nhanh, cứ tốc độ tăng giá như những năm trước, trong 2 năm giá nhà có thể gấp đôi, lời khẳm. Nhưng rồi thị trường nhà đất đóng băng, anh vội rao bán gấp nhưng gần nửa năm trời, đến tháng trước anh mới bán được nhà với giá lỗ hơn 20 lượng, chưa kể lãi vay ngân hàng. “Đau” hơn nữa là khi bán nhà thấy giá vàng quá cao, hy vọng giá sẽ giảm trở lại, nên lúc làm hợp đồng anh đồng ý chốt giá 885.00 đồng/chỉ. Nay thủ tục nhà chưa xong, ngoài 200 triệu đồng tiền đặt cọc, bên mua vẫn chưa thanh toán tiền nhà thì giá vàng đã vọt lên gần 1 triệu đồng/chỉ. Anh than: “Tính ra tôi đã lỗ thêm khoảng 220 triệu đồng do chênh lệch giá vàng và không biết sẽ còn lỗ thêm bao nhiêu nữa”...
Thị trường nhà đất bị ảnh hưởng mạnh
Theo các công ty môi giới địa ốc, cơn sốt giá vàng từ gần tháng nay đã tác động rất xấu đến thị trường nhà đất vốn đã èo uột khiến thị trường này gần như tê liệt, nhất là nhà khu vực nội thành. Ông Võ Đình Quốc, phụ trách Trung tâm Địa ốc ACB, cho biết hiện chỉ loại nhà nhỏ có giá dưới 200 lượng là còn mua bán nhì nhằng. Đối tượng mua chủ yếu là những người có nhu cầu thật sự về nhà ở, tiền mua là vàng tích cóp lâu nay. Đối với các căn nhà có giá trị lớn, hiện nay rất ít người mua bán do giao dịch khó thành. Giá vàng tăng cao, bên mua cảm thấy bị thiệt trong khi bên bán không muốn giảm giá theo tỷ lệ tăng của giá vàng do “bán nhà bằng vàng rồi đi mua nhà khác cũng bằng vàng thì vàng cao hay thấp cũng vậy”, nên xu hướng chung là chờ. Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho biết lần này chưa có hiện tượng chuyển đổi rao bán nhà từ vàng sang VNĐ có lẽ là do giá vàng đang trong giai đoạn biến động mạnh nên người bán nhà lúng túng không biết định giá theo mức nào.
Tạm quên vàng?
Theo nhiều ngân hàng tại TP HCM, do giá vàng tăng nhanh nên các giao dịch tín dụng liên quan đến vàng đã giảm đáng kể. Nhiều khách hàng chuyển sang vay tiền đồng dù lãi suất cao hơn vay vàng (lãi suất vay VNĐ hiện khoảng trên dưới 1%/tháng so với vay vàng 0,5- 0,55%/tháng, tùy kỳ hạn). Đối với khách hàng vay vàng đã đến hạn thanh toán, một số ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ cho gia hạn nợ nếu hội đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo ông Mai Tòng Bá, Giám đốc ngân hàng Á Châu Chi nhánh Sài Gòn, thực tế rất ít trường hợp xin gia hạn nợ. Ngược lại, từ vài tháng nay không ít khách hàng vay vàng đã chấp nhận “đau thương” tìm cách trả dứt trước hạn để tránh rủi ro biến động giá vàng.
Đặt vấn đề có nên “ôm” (mua, vay, cất giữ...) vàng lúc này, lãnh đạo nhiều ngân hàng đều cho rằng ngoại trừ trường hợp đã có sẵn vàng, còn nếu không tốt nhất nên “tạm quên” vàng. Bởi qua thực tế, các đợt sốt giá vàng gần đây đã không còn làm biến động nhiều đến giá cả hàng hóa trên thị trường, kể cả giá USD và nhiều loại ngoại tệ khác, chứng tỏ VNĐ đã khá ổn định. Một vấn đề rất đáng lưu ý nữa là diễn biến giá vàng thế giới gần đây rất phức tạp, hiện tượng các nhà đầu tư, kể cả các quỹ đầu tư, mua vào rồi bán ra ồ ạt ngày càng nhiều đã tạo nên cung - cầu không bình thường ở những thời điểm khác nhau khiến giá liên tục biến động. Ông Nguyễn Công Tụ cho biết, các nhà phân tích đã bắt đầu nói nhiều đến hiện tượng giới tài phiệt làm giá nhằm thao túng thị trường này. Chính vì vậy hiện nay nếu chỉ căn cứ vào các chỉ số kinh tế, các vấn đề về an ninh chính trị... để dự báo giá vàng sẽ khó có thể chính xác.
Các nhà đầu tư đang là những người hưởng lợi cao. Trong nước, dù bị chi phối, thậm chí bị động, trước giá thế giới nhưng các đơn vị kinh doanh vàng vẫn có thể thu lợi không nhỏ, bởi ít nhiều họ có “công cụ bảo hiểm” bằng cách sử dụng dịch vụ quyền lựa chọn hoặc đẩy giá mua vào cách biệt xa giá bán ra để tạo hành lang an toàn. Còn với người mua nhỏ lẻ thì thường gặp rủi ro. Chỉ cần mua vào - bán ra trong điều kiện giá không đổi cũng đã lỗ cả trăm nghìn đồng/lượng.
(Theo Người Lao Động)