Phan Đăng
Khi cánh cửa phòng họp báo ở tầng 2 trụ sở C45 (Hà Nội) mở ra, giới phóng viên ồ ạt bước vào và chứng kiến cảnh các "tội đồ" ngồi cúi đầu lặng lẽ.
Đối diện với cửa phòng, đập ngay vào mắt mọi người là hình ảnh một cầu thủ bóng đá ngồi đối diện với một cán bộ điều tra, trên bàn là một lá đơn, một ly nước trà. Nét chữ trong đơn khá đẹp - đẹp một cách bất ngờ nếu so sánh với nét chữ của phần lớn những người theo nghiệp bóng đá. "Tội đồ" này cúi mặt, dường như để che đi những giọt nước mắt và dường như vô cảm với câu nói của cán bộ điều tra: "Thôi, uống một ngụm nước đi".
4 cầu thủ khác khác ngồi trên một dãy ghế, và vẫn mặc nguyên bộ đồ thể thao - bộ đồ mà họ mặc từ chiều hôm trước, sau trận đấu trên sân Cẩm Phả. Khi những chiếc máy ảnh và camera không ngừng hướng về phía mình, thậm chí quay sát mặt thì cả 4 người đều lấy tay che mặt, rồi cúi gằm mặt xuống như thể muốn chạy trốn khỏi thế giới. Đến khi nhận được lệnh rút thì tất cả nặng nề nhấc người khỏi ghế, bước đi chậm chạp.
Đối với người từng nhìn thấy cái cúi đầu của những cựu cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng hay những cựu trọng tài Trung Việt, Thế Toàn giờ lại đối diện với hình ảnh này, tôi lại thấy lòng mình nghẹn đắng. Đắng vì ngày xưa, Quyến, Vượng bán độ với cái suy nghĩ ngây thơ: "Chúng em bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu", và ai cũng nghĩ những sự ngây thơ chết người, những bài học đau đớn trong vụ việc này sẽ là lời cảnh tỉnh đủ mạnh cho những kẻ mang tư tưởng nhúng chàm.
Mà cũng chẳng phải nói những chuyện xa xôi cách đây tới 9 năm, chỉ cách đây vài tháng thôi, cả chục cầu thủ Ninh Bình đã xộ khám, và VFF từng tuyên bố sẽ "rà soát, tăng cương điều tra hàng loạt trận đấu của hàng loạt CLB", vậy mà lúc này mọi thứ vẫn lặp đi lặp lại một cách trắng trợn. Nói như cục trưởng C45, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến thì: "Đạo đức cầu thủ đã xuống cấp, và bóng đá Việt Nam đã mất hình ảnh tới mức nghiêm trọng rồi. Bây giờ, nếu các đội bóng không nêu cao vấn đề đạo đức thì mọi thứ sẽ phát tán rất nguy hiểm". Hoá ra lại là đạo đức, cái điều đã được nhắc đi nhắc lại tới cũ rích, nhưng cũ mà với mới, vẫn nóng hôi hổi làm sao.
Có lẽ những người theo dõi V.League trong vài ba năm gần đây không bất ngờ với những gì đã diễn ra ở Đồng Nai hay Ninh Bình. Bởi những năm qua, trong bóng đá Việt Nam, việc cho ra đời rồi cho giải thể, rồi tách - nhập, nhập - tách một đội bóng trở thành một công việc dễ dãi đến không tưởng, và có cơ sở để nghi ngờ rằng trong cái qũy đạo xuất hiện, tồn tại chóng vánh của các đội bóng thì không riêng gì cầu thủ, mà ngay cả những người phía trên cầu thủ cũng có những cách tính, cách "ăn" của riêng mình. Đến cả những người mà về lý thuyết phải có nhiệm vụ uốn nắn các cầu thủ cũng bị nghi ngờ thì cái gọi là "đạo đức cầu thủ ngày càng xuống" cũng chẳng phải là điều lạ lẫm.
Ngay sau khi lượt đi V.League năm nay kết thúc, khi mà số lượng các bàn thắng tăng vọt và những người làm công tác chuyên môn ở VFF, VPF nhìn vào đấy để kết luận "mùa giải đang diễn ra đầy cống hiến" thì đã có người hỏi thẳng: bàn thắng nhiều, tỷ số cao là sản phẩm của sự cống hiến hay thực chất là sản phẩm của những âm mưu "nổ" tài (trong giới cá cược "tài" là thuật ngữ ám chỉ việc số bàn thắng thực tế diễn ra nhiều hơn so với số bàn thắng được nhà cái ra kèo). Ở trận Quảng Ninh - Đồng Nai vừa qua, một trận đấu có tới 8 bàn thắng và độ chênh lệch bàn thắng giữa hai đội dừng lại ở mức 2 bàn (Quảng Ninh thắng 5-3) thì không những tài nổ, mà kèo cũng nổ.
Cục trưởng C45, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến nói rằng những nghi vấn đã xuất hiện từ rất lâu, cơ quan điều tra cũng đã âm thầm nhập cuộc từ rất lâu, nhưng phải đến bây giờ, khi thấy điều kiện chín muồi thì mới bắt đầu cho "nổ". Nghe cách nói ấy dễ có cảm giác rằng 6 "tội đồ" mới bị phát hiện ở Đồng Nai chỉ là những người đầu tiên, chứ chưa phải những người sau cuối.
Và bây giờ, cùng với trạng thái cúi đầu đau khổ của 6 cầu thủ bán độ kia, chắc chắn còn rất nhiều người nữa đang nín thở vì lo sợ.
Cúi đầu và nín thở - nền bóng đá của chúng ta đang trong giai đoạn ấy.