Bao giờ đội tuyển Việt Nam đủ mạnh để tham dự World Cup?
Ảnh: Lan Anh
Tuổi Trẻ Online đưa ra nguyên nhân đầu tiên. Đó là vấn nạn gian lận tuổi, xuất phát từ căn “bệnh thành tích” ở các địa phương. Ví dụ như có đội bóng trẻ nọ vô địch một giải đấu, đưa cầu thủ có khả năng chuyên môn tốt nhưng lớn hơn vài ba tuổi vào thi đấu.
Tất nhiên, đội cũng không ăn mừng chức vô địch của mình rình rang bởi đó đâu phải là thực chất. Một số nhà báo thể thao phát hiện ra sự gian lận này và người phải chịu hậu quả xấu đầu tiên, trực tiếp là cầu thủ nhí dù rằng em chỉ là người ở thế bị động.
Với cú sốc đầu đời quá lớn này, cầu thủ nhí khó mà không bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như trình độ chuyên môn dẫn đến thui chột.Đó chính là câu trả lời lý giải cho việc một số cầu thủ nhí “mất tích” khó hiểu sau khi đã thi đấu tưng bừng trong một giải nào đó.
Một cựu danh thủ bóng đá đồng thời là chuyên gia lâu năm của nền bóng đá Việt Nam, đang tham gia lãnh đạo công tác phát triển bóng đá phong trào của LĐBĐVN cho biết rằng những địa phương lớn, mạnh về kinh tế như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mới làm được các tuyến trẻ tốt bởi việc đào tạo bóng đá trẻ còn phải phụ thuộc vào các yếu tố là vấn đề quản lý, vấn đề kinh tế, việc giảng dạy văn hóa cho các cầu thủ nhí…
Ví dụ như cả nước hiện tại có khoảng 40 đội bóng U 14 của các địa phương nhưng lên đến U 15 thì chỉ còn khoảng 12 đội.
Bên cạnh đó, một số cầu thủ trẻ càng lớn càng sa sút đạo đức , lơ là luyện tập, chuyên chú hơn trong việc tập tành những thói hư tật xấu. Có hiện trạng trên bởi cầu thủ trẻ phần lớn kiến thức nền tảng văn hoá chưa vững chắc, kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều lại đang ở vào tuổi bồng bột, xốc nổi nên dễ bị những cám đỗ của đời sống xã hội hiện đại lôi kéo, gây ảnh hưởng không tốt đến mình.
HLV bóng đá trẻ của chúng ta hình như đang còn thiếu và yếu. Hiện tại, đội ngũ HLV, tuyển trạch viên làm công tác tuyển chọn, sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng cho bóng đá trẻ chưa được đãi ngộ thoả đáng cho đời sống của họ.
Ở đội ngũ HLV, tuyển trạch viên này xuất hiện tâm lý chán nản , buông xuôi, huấn luyện qua loa, làm cho có công việc của mình. Và như vậy, cầu thủ trẻ sẽ bị ảnh hưỡng không tốt một cách trực tiếp. Có HLV đội trẻ nọ nhận con ông bán phở hàng xóm với mình vào đội sau khi cầm chút tiền lót tay.
Đội ngũ HLV bóng đá trẻ được cung cấp từ 2 nguồn. Một nguồn là những HLV xuất thân từ cầu thủ. Số này giàu kinh nghiệm thực tiễn nhưng thiếu lý thuyết bài bản. Nguồn thứ hai là những HLV tốt nghiệp ĐHTDTT. Họ giảng dạy cầu thủ trẻ theo kiểu chay lý thuyết. Những HLV này có bằng ĐHTDTT là đúng song họ nên học bằng HLV từ cấp độ C, B cho tới A.
Nếu có điều kiện thì nên theo những khoá học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn tại nước ngoài.HLV bóng đá trẻ cũng cần nắm được tiếng Anh và một vài ngôn ngữ quốc tế thông dụng khác để cập nhật kịp thời những kiến thức mới nhất của bóng đá thế giới và truyền thụ cho cầu thủ trẻ. HLV bóng đá trẻ không chỉ cần chuyên môn giỏi mà có lúc phải là một chuyên gia về tâm lý, chuyên gia y tế để đảm bảo công tác tốt.
Nên chăng chúng ta đưa vào quy chế bóng đá những biện pháp mang tính chế tài, ví dụ như bắt buộc các CLB tham gia giải V – League, giải hạng nhất quốc gia phải có đầy đủ các tuyến trẻ từ U 11 đến U 21? Nếu CLB không có những tuyến trẻ trên thì cụ thể bị phạt ra sao? Những cầu thủ vi phạm đạo đức sẽ bị phạt như thế nào? Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm bóng đá trẻ nên được tập trung đãi ngộ tốt hơn nữa để họ thật sự chuyên tâm vào công việc đào tạo lớp măng non cho bóng đá Việt Nam.
Nếu chúng ta giải quyết một cách rốt ráo, kỹ lưỡng được những vấn đề đặt ra ở trên thì nền bóng đá trẻ nước nhà mới có sự phát triển đồng đều và sức bật mạnh mẽ.