Tiệm đồ ngọt Tường Phong trên đường An Điềm, quận 5 là một trong những quán chè nổi tiếng trong khu người Hoa ở Sài Gòn. Quán bán từ cách đây hơn nửa thế kỷ, phía trước vẫn treo tấm biển cũ kỹ, tróc sơn như nhân chứng của thời gian. Mỗi ngày, quán mở cửa từ 17h đến khoảng 22h, càng về đêm càng đông. Không gian bên trong quán nhỏ nên khách thường ngồi trên lề đường vừa hóng gió, vừa ăn chè.
Món đinh trong thực đơn của quán là chè đậu hũ hạnh nhân, chè trứng chưng, chè mè đen và hột gà trà, được nhiều thực khách ưa chuộng nhờ nấu đúng hương vị chè người Hoa. Phần chè ở đây tương đối ít, người hảo ngọt có thể gọi hai món khác nhau. Vị chè thanh, không quá ngọt và vị béo dịu. Đậu hũ hạnh nhân ăn rất mát, đặc biệt phù hợp vào những ngày oi bức. Chè mè đen sền sệt, đặc quánh, có độ ngậy, thơm và phải ăn nóng mới ngon. Ngoài chè, quán bán thêm vài món ăn vặt như: tàu hủ chiên, cá viên, bò viên... để khách nhân nhi.
Cách Tường Phong không xa là chè Hà Ký - cái tên quen thuộc của nhiều người khi muốn tìm chè người Hoa ở Sài thành. Quán đã hoạt động hàng chục năm nay, trên đường Châu Văn Liêm (quận 5), và thường xuất hiện trong các danh sách gợi ý đồ tráng miệng ngon của thành phố. Thực đơn chè ở đây phong phú với khoảng hơn 44 loại chè được viết bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Việt. Trong đó, các món chè nấu với tuyết nhĩ như: tuyết nhĩ nhãn nhục, tuyết nhĩ củ năng, tuyết nhĩ táo đỏ đu đủ tiềm, được nhiều thực khách yêu thích.
Tuyết nhĩ là một loại nấm tuyết khô, có công dụng dưỡng nhan. Các món chè tuyết nhĩ thường nấu nhiều nước, ngọt thanh nên ăn rất mát, thích hợp giải khát ngày hè. Đặc biệt, chè tuyết nhĩ táo đỏ đu đủ tiềm được nấu trong một thố đất, chưng cách thủy. Món ăn trông đơn giản nhưng chế biến khá công phu để loại bớt phần mủ trong đu đủ. Khi ăn, thực khách cho đá bào vào để đỡ ngọt. Miếng đu đủ tiềm chín, màu vàng nghệ, chiếm trọn cảm tình thực khách.
Bé Chè đã bán trong chợ Bến Thành từ năm 1968 đến nay, là một trong những quầy ăn đông khách nhất khu ẩm thực của chợ. Thời trước dịch, mỗi ngày quán bán được vài trăm ly, nhất là vào giờ ăn trưa. Hàng dài du khách quốc tế lẫn trong nước, cộng lượng lớn khách quen bao năm chờ mua. Thực đơn của quán là các món chè miền Nam như chè đậu, sâm bổ lượng, chè hạt sen, mủ trôm...
Thực khách ghé quán thích gọi ly chè thập cẩm và chè Thái, có đậu xanh đánh béo béo. Hạt lựu nhiều màu làm từ bột năng, bọc nhân dừa giòn giòn nhai vui miệng. Sợi rau câu con cá sần sật, kèm nước đường và nhiều đá bào ăn rất mát. Người ưa món đơn giản có thể gọi chè mủ trôm trắng muốt, chan thêm vá (muôi) nước đường thanh, không ngọt ngậy, thêm đá nữa là đủ trung hòa hương vị, thích hợp giải khát ngày hè nóng nực.
Chè Cột Điện trên đường Trần Hưng Đạo B, cạnh chợ Đại Quang Minh (quận 5), lại lọt thỏm giữa vỉa hè trống trước trạm biến áp cũ thời Pháp. Điểm nhận dạng của quán là chiếc trụ điện dây nhợ chằng chịt ngay phía trước, cũng chính là nguồn gốc tên gọi. Tới nay, quán đã bán hơn 80 năm, thường đông khách đến tận khuya, dành cho người đi chơi đêm nên nhiều người còn gọi quán là "chè ma".
Quán hiện bán hơn 20 món chè như chè hạt sen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng, mè đen, nhãn nhục, bạch quả... phục vụ nóng, lạnh tùy nhu cầu. Chủ quán cho biết công thức nấu chè được truyền từ đời bà ngoại tới nay. Tất cả nguyên liệu đều được cân, đếm kỹ lưỡng. Trong đó, chè hột gà trà được lòng nhiều thực khách. Xắn một miếng trứng gà, lòng trắng sần sật, bên trong mềm, ăn cùng nước trà đen đường, vị bùi ngọt, không tanh, thơm mùi trà, ngậy vị trứng.
Vi Yến