>> Quán ăn vắng khách vì thiếu mắm tôm
>> 2 trẻ em bị tiêu chảy cấp tử vong
![]() |
Khu cách ly. |
Chiều 30/10, Bộ Y tế đã công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan rộng. Đây là loại dịch bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, từ 40 đến 50%. Bộ Y tế đã xác định nguyên nhân chính dẫn tới dịch bệnh là do nguồn thực phẩm ô nhiễm.
Đến nay đã có năm tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên và Vĩnh Phúc) ghi nhận các trường hợp mắc tiêu chảy cấp, trong đó có 33 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả (V. cholerae) 01 type Ogawa. Đa số các trường hợp mắc tiêu chảy cấp đều có liên quan đến ăn mắm tôm, hải sản.
“90% bệnh nhân mắc bệnh cuối tuần trước liên quan đến mắm tôm, rau sống. Nhưng hai ngày trở lại đây, mầm bệnh liên quan nhiều đến thức ăn đường phố: chả mỡ, thức ăn chín. Mỗi ngày hiện có 40 -50 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện”, một bác sĩ ở Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia cho biết.
Theo bác sĩ này, tính đến trưa 1/11, viện đã tiếp nhận gần 120 bệnh nhân tiêu chảy cấp. Do số bệnh nhân quá đông, viện đành chuyển những bệnh nhân mắc các bệnh khác vào một khu riêng hoặc cho ra viện, dành một “khu cách ly” cho bệnh nhân tiêu chảy cấp.
![]() |
Bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện tăng từng giờ tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. |
Tại một số bệnh viện Hà Nội như Xanh Pôn, Đống Đa cũng có rất đông bệnh nhân tiêu chảy cấp. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, các bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng rất nặng: choáng váng, trụy mạch, tụt huyết áp... 1/4 số bệnh nhân ăn thịt chó mắm tôm cách đây ba ngày sau đó đã hạ huyết áp, suýt ngất tại nơi làm việc. Tại Bệnh viện Đống Đa, mỗi ngày có thêm khoảng 15 bệnh nhân vào viện. Tính đến cuối ngày 1/11, đã có khoảng 200 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập các bệnh viện.
Trong cuộc làm việc tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia sáng 1/11, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết Hà Nội đã dành 200 giường bệnh thuộc các bệnh viện Đống Đa, Xanh Pôn, Đức Giang và Thanh Nhàn điều trị cho bệnh nhân tiêu chảy cấp. Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị chức năng, thông báo Hà Nội đã dự trữ 11 tấn thuốc khử trùng chloramine B, huy động 1.700 sinh viên tham gia tuyên truyền chống dịch...
Ông Thảo cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tạm dừng các công việc chưa cấp bách để tập trung chống dịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; việc tuyên truyền phải đến được từng tổ dân phố, hộ gia đình, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc đình chỉ lưu hành mắm tôm, mắm tép sống. Thành phố đã quyết định thành lập ngay ban đặc nhiệm phòng chống dịch tiêu chảy.
![]() |
Bệnh nhân tiêu chảy cấp được đưa vào khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân đặc biệt của Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. |
Ngày 1/11, có mặt ở phường Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), nơi có hai bệnh nhân phải nhập viện vì bị tiêu chảy cấp, PV chứng kiến cảnh vắng hoe tại khu vực chợ Khương Thượng, đặc biệt ở một số hàng bún mắm tôm, bún riêu, lòng lợn tiết canh. Theo người dân tại đây, từ hai hôm nay nhiều người không dám ăn thực phẩm có liên quan đến mắm tôm sau khi biết trên địa bàn phường có hai trường hợp bị tiêu chảy cấp.
Người nhà bệnh nhân Đ.T.L. (tổ 23, Khương Thượng), nhập viện sáng 30/10, cho hay trước khi bị đau bụng và tiêu chảy chị L. có ăn bún mắm tôm tại khu vực chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Riêng trường hợp của bệnh nhân N.T.L. (tổ 9, Khương Thượng), nhập viện ngày 29/10 hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Ban hành phác đồ điều trị bệnh tả
Trưa 1/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký quyết định ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tả. Theo đó, nguyên tắc điều trị là cách ly bệnh nhân, bổ sung nước và điện giải, dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn. Trường hợp các bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khu cách ly cần có hai cửa khít để tránh lây lan vi khuẩn ra ngoài, có túi đựng rác thải y tế. Rác thải y tế và sinh hoạt trong khu cách ly phải được xử lý như các rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cũng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp và cho biết Bộ Y tế đã cử 30 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp và vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương.
Bộ Y tế đảm bảo đủ thuốc và hóa chất cho công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế các tỉnh phía Bắc về cách điều trị bệnh tiêu chảy cấp theo phác đồ điều trị mới, có thể khuyến khích người dân ở những vùng có dịch uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh tiêu chảy cấp. Các bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu chảy cấp đang điều trị tại các bệnh viện sẽ được điều trị miễn phí hoàn toàn.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin truyền thông, UBND TP Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng dịch tiêu chảy cấp. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không để dịch lan rộng, chăm sóc, điều trị kịp thời cho người mắc bệnh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: dịch bệnh tiêu chảy cấp là căn bệnh hết sức nguy hiểm, nguyên nhân chính là do vi khuẩn truyền qua con đường ăn uống. Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm phổ biến các phác đồ điều trị bệnh đến các bệnh viện và cơ sở y tế.
Sở Y tế TP HCM đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện chỉ đạo bác sĩ điều trị cảnh giác với các bệnh đường ruột có khả năng lây thành dịch, tổ chức cho nhân viên y tế xử lý và điều trị đúng phác đồ nhằm giảm thiểu tử vong và lây lan bệnh trong bệnh viện. Phòng y tế phối hợp trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện và các ngành liên quan tăng cường hoạt động thanh - kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh, ăn chín, uống sôi, hạn chế tối đa việc ăn sống hải sản, không ăn các loại mắm sống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Sáng 1/11, tại "trung tâm" cháo lòng tiết canh nằm trên đường Đốc Thiết, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An, thực khách vẫn "vô tư” dùng tiết canh lợn. Chủ một quán lòng lợn tiết canh ở đây cho biết chưa nghe nói đến bệnh tiêu chảy cấp và có nghe nói đi chăng nữa thì quán vẫn duy trì "mặt hàng" tiết canh lợn. Các đại lý bán mắm tôm, mắm tép vẫn hoạt động bình thường. Nghệ An vốn được coi là một trong những trung tâm sản xuất mắm tôm, mắm tép của cả nước. Thị trường trong nước đã biết đến "thương hiệu" mắm tôm, mắm tép của Diễn Bích (huyện Diễn Châu), Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) và Cửa Hội (thị xã Cửa Lò). |
(Theo Tuổi Trẻ)