Đồng hồ đeo tay trị giá gần 4.000 USD của Quân. |
Cái treo tường, cái để bàn, cái đặt xuống đất và tất cả đều là đồng hồ cơ kiểu cổ. Vợ anh phàn nàn, con anh cũng phàn nàn: trời đất này có tiền phải mua nhà, mua xe, ai đi mua đồng hồ về ngắm, rõ dở hơi! Nhưng trong "hội đồng hồ", mua 50 chiếc như anh Hà là bình thường. Ở Hà Nội, người chơi "khiếp" nhất đã bỏ ra đến gần 10 tỷ đồng chỉ để mua... đồng hồ.
Quân là viên chức ngành ngân hàng. Anh có một chức “quan” nhỏ ở một trong những ngân hàng lớn nhất VN. Làm việc "thời kinh tế thị trường" như lời anh nói là hết sức vất vả. 6h30 mỗi sáng, vợ chồng anh và hai cô con gái đã phải ra khỏi nhà. Đưa các con đến trường học và đưa vợ đến cơ quan, rồi sau đó là cả một ngày căng thẳng, bở hơi tai.
Thú giải trí lớn nhất của Quân là 2-3 ngày một lần, anh đi khắp nhà trên, nhà dưới để lên dây cót cho một loạt đồng hồ; và mỗi khi ở nhà, cứ 30 phút một lần ngồi nghe lần lượt chuông đồng hồ điểm, có cái là một bản nhạc du dương, nghe đến "sướng", có cái chỉ đánh "boong, boong"...
Quân thú nhận anh thích đồng hồ từ đầu những năm 1990, từ một lần nghe tiếng chuông đồng hồ Odo trong đêm ở nhà người bạn. "Nghe mê không thể tả. Năm 1998, xây nhà xong là tôi bắt đầu hành trình sưu tầm đồng hồ", Quân nói. Những ngày miệt mài vào mạng eBay, vào trang web của các hãng đồng hồ và qua các mối quan hệ, Quân tìm được "hội" chơi đồng hồ ở Hà Nội. Địa điểm tụ tập của họ là hai quán cà phê, một ở phố Bát Sứ, một ở phố Cửa Đông. "Trước Tết, chúng tôi vừa tụ tập dự tiệc khao đồng hồ của anh bạn trong hội. Anh ấy vừa mua được chiếc Patek Philippe đeo tay 130 triệu đồng", Quân vui vẻ kể.
Nhìn bộ sưu tập đồng hồ của Quân và nghe anh nói giá, người bình thường ai cũng phải buồn cười, bảo tay này chắc lẩm cẩm, đồng hồ giờ rẻ bèo, ai lại bỏ ra hàng chục triệu mua đồ cũ. Nào là chiếc đồng hồ đeo tay (như Quân nói là mặt số, kim, vỏ đều bằng vàng 18k) mặt số đã hơi mốc, sản xuất năm 1952, giá 1.350 USD. Chiếc khác bằng vàng 14k, mặt cũng lấm tấm vết mờ, giá 1.300 USD...
Riêng ở phòng khách, anh bày bốn chiếc đồng hồ treo tường, một đồng hồ để bàn bằng đá, một đồng hồ "ông nội" cao đến gần 2m, sải quả lắc dài dễ hơn 1m, có chạm nổi hình chú bé và chùm nho, tổng cộng giá đến mấy trăm triệu đồng. Ngồi ở nhà anh một lúc mà tôi nghe đến mấy đợt chuông, đợt nào cũng dài vài phút. "Tôi để giờ lệch nhau để đồng hồ lần lượt đổ chuông. Bây giờ mà không có nó thấy thiếu thiếu cái gì. Vì thế mà tôi bỏ ra cả đống tiền mua đồng hồ, bà vợ vẫn... vui", Quân kể.
Hội đồng hồ
Đồng hồ “ông nội, bà nội” cao gần 2m. |
Trong hội chơi đồng hồ Hà Nội, anh V. được coi là một trong những tay rành. Cỡ 50 tuổi, V. đã say mê đồng hồ từ hồi mới lớn. Mê nhất là kỹ thuật cơ khí, tính mỹ thuật của đồng hồ Đức và Thụy Sĩ. Làm ra tiền, anh dùng hầu hết để mua đồng hồ. Đến nay, bộ sưu tập của anh cũng đến 400 chiếc, trong đó có khoảng 100 đồng hồ đeo tay, còn lại đủ loại đồng hồ treo tường, để bàn, đặt đất.
Đồng hồ nhiều quá, anh phải cất bớt trong tủ, thỉnh thoảng giở ra... ngắm và bảo dưỡng. Về giá trị, hai năm vừa rồi mới bán bớt một lượng nhỏ đồng hồ sưu tập được, anh V. đã thu về mấy tỷ đồng. "Số tiền ấy trước mà đầu cơ mua nhà, đất thì tôi giàu to. Nhưng thôi, đồng hồ là đam mê của mình rồi", anh nói.
V. kể hồi "bao cấp", anh từng bán đi một căn gác mặt phố Hàng Trống (Hà Nội) chỉ để mua một máy quay đĩa. Vì thế, anh không phải là tay chơi đồng hồ kỳ lạ, bởi trong hội đồng hồ, hai tay chơi kỳ lạ nhất không mua gì ngoài đồng hồ. Cả hai đều ở Đức về, một già (làm chủ tờ báo chuyên rao vặt và quảng cáo đầu tiên ở VN), một trẻ, hiện đang làm chủ một doanh nghiệp vận tải. Tổng cộng giá trị đồng hồ họ có hiện khoảng 15 tỷ đồng.
Theo V., sơ sơ mỗi tay chơi kỳ lạ kể trên có 200 đồng hồ đeo tay, 100 đồng hồ treo tường, loại đồng hồ đặt dưới đất to tướng họ cũng có vài chục cái. Còn lại là đồng hồ để bàn, đồng hồ quả quít, giá trung bình mỗi cái trên 1.000 USD. Người chủ trẻ của doanh nghiệp vận tải cũng đã có dự định xây riêng một ngôi nhà để trưng bày đồng hồ, thỉnh thoảng mời bạn bè đến xem chơi. Nếu vậy, đây có lẽ là bảo tàng chuyên về đồng hồ đầu tiên ở VN.
Cùng chí hướng... đồng hồ, dân trong hội thỉnh thoảng cũng đổi nhau đồng hồ "độc" để trưng. Trước tết, anh Quân vừa trả lại anh V. một đồng hồ để bàn bằng đá đen, toàn khối hình tam giác mà anh đã mượn để chơi cả năm. Nếu có hàng mới, anh V. cũng thường được các tay chơi mời làm chuyên gia. Mua được hàng xịn, họ thường tổ chức tiệc tùng ăn mừng. "Ngay ở VN cũng đã có công nghệ làm đồng hồ giả, làm mặt số, khắc chữ, làm mờ mặt... giống y như đồng hồ cổ thật. Hong Kong, Trung Quốc cũng có những nhóm như vậy. Ngay Tây đến VN còn mua vì tưởng người VN không biết, còn tôi thì nhìn cái biết ngay giả thật vì hàng thật nó có hồn", V. nói.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Hiện anh V. đeo chiếc Vacheron Constantin, sản xuất năm 1970, mặt ngả sang màu xanh, vỏ vàng trắng nạm hàng trăm viên kim cương nhỏ xíu, giá trên thị trường hiện là 4.000 USD. Trong chiếc túi xách nhỏ anh hay mang theo, lúc nào cũng có thêm một chiếc đồng hồ độc đáo và hôm nay là chiếc Patek Philippe toàn bộ bằng 2 lượng vàng 18k, kể cả dây, kim, mặt số, thời giá hiện là 5.000 USD. "Tôi đã mua bán những chiếc đồng hồ giá khoảng 30.000 USD. Mới đây, tôi đã bán cho một phụ nữ người Philippines chiếc đồng hồ 27.000 USD. Ở Hà Nội, tôi nghe có một người mua chiếc đồng hồ 120.000 USD", V. tiết lộ.
Chơi "kỹ" như thế nên V. cực ghét những người nhờ anh mua đồng hồ nhưng kèm điều kiện phải là loại nạm kim cương thật to, thật nhiều, hoặc muốn chơi nổi "ta đây chơi đồng hồ". Với V., nghề chơi đồng hồ là một nghề có tâm hồn.
V. sưu tầm đồng hồ đeo tay. Trong bộ sưu tập của mình, V. mê nhất là đồng hồ quả quít, mặt số có tráng men, hoa văn độc đáo. Anh nói anh luôn bị ám ảnh bởi bộ sưu tập đồng hồ quả quít của vương triều nhà Thanh (Trung Quốc), loại mở ra có bông hoa, con chim xòe cánh, chỉ tiếc một điều là không đủ tiền để chơi nó.
Trong chiếc điện thoại di động cực xịn của Quân, ảnh anh chụp từ trước đến nay toàn là đồng hồ. Quân nói: "Tôi cũng phải có thú vui gì đó chứ, người ta làm trang trại, mua đồ cổ, còn tôi là đồng hồ".
(Theo Tuổi Trẻ)