Kể từ sau trận chung kết SEA Games 31 môn bóng đá nam hôm 22/5, ngôi nhà tại xóm 5, thôn Thanh Long (xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) của gia đình cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng đón thêm nhiều khách ghé thăm. Hàng xóm, đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí... đến nhà trò chuyện với bố mẹ, bà nội Dũng về bóng đá và những câu chuyện thường ngày liên quan đến chàng tiền đạo sinh năm 2000.
Bố Nhâm Mạnh Dũng, anh Nhâm Văn Ngoan, vừa về nhà sau buổi làm đồng, liền gác lại bữa cơm trưa để kể chuyện ngay về cậu con trai thứ hai của mình. Bởi bóng đá cũng là sở thích của anh và với anh, Nhâm Mạnh Dũng như một "cạ cứng thể thao".
- Dường như không khí SEA Games còn rất 'nóng' trong gia đình anh chị. Nhớ lại khoảnh khắc khi Nhâm Mạnh Dũng, con trai anh chị, ghi bàn thắng duy nhất giúp tuyển Việt Nam bảo vệ ngôi vô địch, anh chị đã trải qua những cảm xúc như thế nào?
- Hôm diễn ra trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31, vợ chồng tôi cùng con trai cả và một anh họ con nhà bác lên sân Mỹ Đình để cổ vũ Dũng và toàn đội. Chúng tôi ngồi ở tầng 1 khán đài A. Thú thật, xem trực tiếp nên khoảnh khắc Dũng lập chiến công trôi nhanh quá nên con ghi bàn rồi, tôi vẫn ngồi im, không thể hiện gì. Khán giả đã vỗ tay ăn mừng, tôi vẫn không biết Dũng ghi bàn.
Chỉ khi loa trên khán đài đọc tên người hùng vừa ghi bàn thắng vào phút 83 chính là Nhâm Mạnh Dũng, tôi mới đứng lên vỗ tay và cổ vũ với tất cả khán giả. Thực sự, chúng tôi rất vui mừng và xúc động. Cả trận đấu, mẹ Dũng cũng khá hồi hộp và lo lắng, làm mẹ mà, rất lo con bị chấn thương. Nhưng giây phút ấy, khi con ghi bàn, mẹ Dũng đã đứng lên reo hò vỗ tay để hoà vào niềm vui trên sân.
- Thế còn Dũng, cậu ấy đã nói gì với anh chị sau kỳ tích đó?
- Lúc đá xong, Dũng theo đồng đội đi vào tầng hầm, bố mẹ cũng ra về. Vì ngoài đường họ "đi bão" đông nên gia đình tôi mãi mới ra được điểm lấy xe. 2h sáng, chúng tôi về Thái Bình. Khi cả nhà đi ngủ, tôi mở TV lên xem lại trận bóng, để xem kỹ hơn giây phút con mình ghi bàn thắng, lập nên kỳ tích cho đội tuyển Việt Nam.
Lúc về tới khách sạn, Dũng gọi điện cho bố mẹ hỏi: "Bố mẹ đã lên xe về chưa?", tôi trả lời: "Bố mẹ đang ở chỗ gửi xe rồi, con cứ yên tâm. Hôm nay, bố chúc mừng con đã ghi được bàn thắng, giúp tuyển Việt Nam giành chức vô địch".
Nghe thấy giọng tôi, Dũng nghẹn ngào nói: "Bàn thắng quý giá này con muốn dành tặng bố mẹ - người đã nuôi dưỡng ước mơ của con. Con cũng dành tặng nó cho khán giả, người hâm mộ, những người đã luôn sát cánh ủng hộ con". Đó cũng là lần gần nhất tôi thấy Dũng khóc.
- Trên sân cỏ, Nhâm Mạnh Dũng chơi bóng lăn xả, không ngại va chạm. Còn ngoài đời, cậu ấy là người thế nào?
- Vợ chồng tôi sinh được hai người con: Nhâm Thành Trung và Nhâm Mạnh Dũng. Dũng là con thứ hai và cũng là con út trong gia đình. Ai cũng bảo Dũng giống bố hơn giống mẹ.
Từ bé tới giờ, Dũng luôn là đứa con ngoan, hiền lành, học giỏi, hơi trầm tính chứ không sôi nổi như người khác, nhưng bạn bè ai cũng quý mến Dũng. Dũng đã lên Hà Nội học và tập luyện bóng đá 11 năm nhưng bạn bè của Dũng ở quê vẫn nhiều lắm. Lần nào bạn bè Dũng tình cờ gặp chúng tôi trên đường làng, các cháu vẫn hỏi: "Chú ơi, đợt này Dũng có về quê không? Bọn cháu sang nhà chơi nhé". Dịp hè và Tết, Dũng được nghỉ khoảng một tuần, bạn bè tới nhà rất đông vui.
Dũng thích ăn thịt bò luộc, tôm hấp và các loại trái cây như dưa hấu, xoài, nhãn, vải.
- Bóng đá là môn thể thao vua nên nhiều người yêu thích nhưng để theo nghiệp cầu thủ cần phải có đam mê lớn. Điều này sớm bộc lộ ở Dũng như thế nào?
- Từ khi 3-4 tuổi, Dũng đã mê bóng đá lắm, đến trường mẫu giáo lúc nào cũng phải ôm quả bóng nhựa bên cạnh. Quả bóng màu đỏ đầu những năm 2000 có giá chỉ khoảng một nghìn đồng thôi.
Tôi nhớ, những buổi sáng sau khi cho Dũng ăn xong và chở con tới trường mầm non, nếu con không có quả bóng ôm theo thì con khóc nhè mãi không chịu nín dù tôi có dỗ dành thế nào. Dũng ngày đấy dù chạy chơi ngã dúi dụi nhưng trong tay cứ phải ôm khư khư quả bóng nhựa. Có nhiều khi, con mê chơi bóng đến bầm dập, xây xát mà không hay biết.
Dũng đam mê và lựa chọn bóng đá, chúng tôi cũng rất vui mừng. Ở xa, chúng tôi chỉ biết động viên con thi đấu hết mình. Bố mẹ cũng không để Dũng phải suy nghĩ một điểm gì.
- Vậy cơ duyên nào đã đưa Dũng đến với nghiệp quần đùi áo số?
- Năm 2011, khi Dũng đang học kỳ một lớp 5 tại Trường tiểu học Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ông Đặng Thế Dũng - phó giám đốc Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao (Sở VHTTDL Thái Bình) phát hiện ra tài năng của Dũng khi xem Dũng thi đấu ở giải bóng đá nhi đồng toàn tỉnh. Sau đó, Ông Dũng gọi về thuyết phục gia đình tôi cho Dũng đi tập bóng đá chuyên nghiệp.
Nhưng lúc đó, tôi xin khất chưa trả lời ngay để gia đình tôi hội ý. Bởi thời điểm ấy, Dũng học văn hoá rất giỏi, đặc biệt là môn Toán, viết chữ cũng rất đẹp. Tôi đã phân vân, suy nghĩ rất nhiều, nếu con vào môi trường bóng đá thì việc học hành văn hoá sẽ ra sao?
3-4 ngày sau, gia đình tôi vẫn chưa quyết định được có cho Dũng theo bóng đá chuyên nghiệp không, trong khi trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao Thái Bình vẫn liên tục gọi về gia đình xin ý kiến. Họ đã thuyết phục tôi rất nhiều. Họ bảo: "Cháu Dũng có niềm đam mê với trái bóng, mong gia đình hãy tạo điều kiện cho cháu".
Cuối cùng, tôi và gia đình cũng chấp thuận với lời thuyết phục ấy. Dũng được chuyển lên học ở Trường tiểu học Kỳ Bá (TP Thái Bình) khoảng 1,5 năm. Về sau, Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel về tuyển 4 cháu, trong đó có Dũng.
Năm 2012, Dũng chuyển lên trường THCS Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo học và tập luyện bóng đá. Ở đây, Dũng được Trung tâm đào tạo bóng đá Viettel lo hết mọi chi phí ăn học. Đến hè hoặc Tết, Dũng mới được về thăm nhà khoảng 6-10 ngày.
- Ủng hộ, đồng hành cùng con là thế nhưng anh chị lo nhất điều gì khi con trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thường xuyên thi đấu xa nhà?
- Cũng như bao bậc làm cha làm mẹ khác, khi con trai mình theo nghiệp quần đùi, áo số ở tuổi còn nhỏ, mới chỉ là học sinh cấp một. Con xa nhà và phải tự lập sớm khiến vợ chồng tôi nhiều khi lo lắng. Khi con tập luyện và thi đấu, chúng tôi chỉ mong con không bị chấn thương. Ở nơi xa, chúng tôi chỉ biết động viên con thi đấu hết mình.
Đã theo nghiệp bóng đá thì khó tránh khỏi chấn thương - chúng tôi xác định từ đầu như thế. Hơn 11 năm xa nhà, Dũng bị chấn thương nặng hai lần. Lần thứ nhất, Dũng bị chấn thương ở bắp chân khi đi tập huấn U19 giải Đông Nam Á. Thời điểm đó, Dũng được các y sĩ trung tâm cho điều trị thuốc, nhưng được một thời gian khi tập luyện trở lại, vết thương này lại tái phát, về sau phải đưa vào Bệnh viện 108 thăm khám và điều trị. Vết thương ấy phải mổ và mất hơn một tháng, Dũng mới có thể hồi phục sức khoẻ. Còn lần hai, khi chuẩn bị vào SEA Games 30 (được tổ chức tại Philippines năm 2019), lúc chốt danh sách, Dũng có tên rồi, thì đến cuối cùng lại bị chấn thương gãy xương đòn, nên đành lỡ hẹn với kỳ SEA Games đó.
Cả hai lần con bị chấn thương, Dũng đều gọi về động viên bố mẹ cứ yên tâm, nói con ở đây có trung tâm và các thầy lo, cho con đi lên Bệnh viện Thể thao chụp chiếu, khám rồi... Nhưng vợ chồng tôi ở nhà cũng sốt ruột nên lên tận bệnh viện, gặp HLV để hỏi và thăm con.
Thú thật, tôi thích xem bóng đá nhưng trận nào có con tham gia, tôi không dám xem trực tiếp. Mẹ Dũng càng như thế. Vì chúng tôi rất lo lắng khi con và đồng đội không may bị chấn thương.
- Có kỷ niệm nào với Dũng mà anh nhớ nhất?
- Ngày vợ tôi mang thai Dũng, do điều kiện ngày đó ở quê còn chật vật nên vợ tôi cũng không được bồi bổ nhiều. Còn lúc sinh Dũng là kỷ niệm khó khăn tôi không bao giờ quên được bởi mẹ Dũng đã quá vất vả để Dũng được ra đời. Dũng đã "bắt" mẹ phải mổ hai lần thì con mới cất tiếng khóc chào đời ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Mẹ sinh anh trai Dũng rất dễ, thậm chí không đến bệnh viện nhanh là đẻ rơi ngoài đường. Đến lượt Dũng, bác sĩ tiên lượng có khả năng mất cả mẹ và con. Lượt thứ nhất mổ đẻ xong, Dũng phải nằm trong lồng kính. Mẹ Dũng đến ngày được cắt chỉ lại bị sốt, bác sĩ khám và phát hiện mẹ Dũng bị băng huyết, phải mổ lại. Vậy là thời gian xa mẹ, chờ mẹ hồi phục, Dũng phải nằm 20 ngày ở lồng kính.
Dũng khi chào đời nặng tới 4,1 kg. Dũng to, bụ bẫm, dài rộng tới nỗi các y bác sĩ và hộ lý ở bệnh viện còn phải thốt lên: "Đại ca của lồng ấp đây rồi!". Lúc đó, tóc Dũng đã đen và tốt đến tận mang tai rồi.
Khi bắt đầu vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp, Dũng ăn uống, tập luyện, sinh hoạt điều độ nên chiều cao phát triển vượt trội hơn so với nhận định ban đầu ở nhà. Lúc đó, Chuyên môn đo xương người ta đã báo trước tầm 5 năm nghĩa là đến độ U18, U19, Dũng sẽ có chiều cao trên 1,8 m, và đúng như thế. Bây giờ Dũng cao chừng 1,82-1,83 m.
- Dũng và tuyển U23 Việt Nam đang thi đấu vòng chung kết giải U23 châu Á tại tại Uzbekistan, anh chị có điều gì gửi gắm tới con trai và các đồng đội của con?
- Con đã đam mê, theo đuổi bóng đá - bộ môn đó là thế mạnh của con, con hãy tập luyện và thi đấu hết mình. Tôi gửi lời chúc Dũng và toàn đội tập luyện tốt, giữ gìn sức khỏe, thi đấu tốt vòng Chung kết U23 châu Á. Riêng Dũng, tôi muốn nói: "Bố mẹ ở nhà lúc nào cũng luôn đồng hành cùng con".
Bài và Ảnh: Nhật Hà