Chahat Kumar, cô bé 8 tháng tuổi, đến từ Punjab, Ấn Độ chào đời với trọng lượng trung bình nhưng khoảng 4 tháng trở lại đây, cân nặng của em tăng liên tục. Hiện tại, Chahat nặng hơn 17 kg, tương đương với trọng lượng của một em bé 4 tuổi.
Anh Suraj Kumar, 23 tuổi, bố của bé cho biết: "Khi Chahat ra đời, con hoàn toàn bình thường. Sau đó, chúng tôi thấy cân nặng của con tăng lên. Trọng lượng của con tăng dần theo ngày".
Bố mẹ của bé cảm thấy rất bối rối khi bé luôn thèm ăn một cách bất thường. Nếu không được cho ăn uống, cô bé sẽ khóc. Họ quan tâm nhiều đến sức khỏe của con gái mình. Cân nặng lớn khiến cho da của Chatan cũng bị cứng và việc lấy máu xét nghiệm khó khăn hơn.
Mẹ của Chahat, chị Reena, 21 tuổi, ước tính lượng con gái ăn gấp 4 lần so với một đứa trẻ bình thường ở độ tuổi này. Chị không giấu được sự lo lắng khi tâm sự: "Trước Chahat, chúng tôi có một cậu con trai nhưng bé đã qua đời.
Con không ăn uống như một đứa trẻ bình thường. Con ăn suốt ngày và sẽ khóc nếu không được đáp ứng nhu cầu. Nhưng con đã thừa cân quá nhiều rồi. Chúng tôi thậm chí không thể bế được con lên. Vì vậy, chúng tôi chỉ đưa con đi đến những nơi gần nhà".
Cha mẹ của Chahat phủ nhận việc bé tăng cân nhiều liên quan đến cách nuôi dạy. Anh Suraj nói: "Đó không phải là lỗi của chúng tôi. Chúa đã đem đến cho con điều này. Vấn đề nằm ngoài bàn tay của chúng tôi. Tôi cảm thấy buồn khi một số người cười nhạo con bé quá béo".
Do trọng lượng quá mức, Chatan hiện còn gặp cả vấn đề về hô hấp và giấc ngủ. Tình trạng này của bé đã vượt quá khả năng của các bác sĩ tại địa phương. Gia đình của em cũng không có đủ tiền để đưa bé đi điều trị ở nơi khác. Mặc dù vậy, mẹ của Chahat vẫn khẳng định, họ sẽ cố gắng hết sức để con được khỏe mạnh.
Bác sĩ Vasudev Sharma, khẳng định, việc lấy máu xét nghiệm không đơn giản nhưng chỉ số phát triển của bé cần được kiểm soát. Bác sĩ cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi thấy trong thời gian làm bác sĩ của mình, khi một đứa trẻ tăng cân đột biến trong 4-5 tháng sau sinh. Xét nghiệm máu không thể thực hiện được vì chất béo trên cơ thể em quá nhiều và kết quả xét nghiệm cũng không chính xác. Chúng tôi đã thử nhiều lần".
Ông khuyên gia đình nên đưa bé đến bác sĩ Nhi khoa tại Bệnh viện nội trú Amritsar nhưng đến nay vẫn là điều chưa được thực hiện bởi gia đình eo hẹp về tài chính. Trong khi gia đình tiếp tục tìm kiếm hướng giải quyết, mẹ của bé mơ ước con sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Cô bảo: "Chúng tôi muốn Chahat có thể vui chơi như những đứa trẻ bình thường. Chúng tôi không muốn con gặp khó khăn trong tương lai".
Những điểm chính cần lưu ý khi điều trị chứng cuồng ăn ở trẻ: - Nếu trẻ ổn định về sức khỏe, trẻ cần được điều trị theo chương trình điều trị rối loạn ăn uống ngoại trú. Trọng lượng cơ thể, nhịp tim và huyết áp của trẻ sẽ được kiểm tra định kỳ và được điều trị để chấm dứt các triệu chứng ăn vô độ. - Tại nhà, mục tiêu đó là cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm với lượng vừa phải, bao gồm các thực phẩm mà chúng đã ăn rất nhiều. - Vì chứng cuồng ăn ảnh hưởng tới cả gia đình, việc điều trị về mặt tâm lý thường dùng phương pháp trị liệu trên nền tảng gia đình. Một số thanh thiếu niên có thể được trị liệu theo liệu pháp nhận thức - hành vi. - Nếu chứng cuồng ăn đi kèm với trầm cảm và/hoặc chứng lo âu, trẻ nhỏ hoặc trẻ ở lứa tuổi vị thành niên có thể được kê thuốc chống trầm cảm đi kèm với điều trị tâm lý. |