Tuy cùng tựa đề nhưng Bố già bản chiếu rạp có nội dung độc lập so với phiên bản web drama ăn khách năm ngoái. Đây là tác phẩm Trấn Thành chào sân với vai trò nhà sản xuất, đồng biên kịch và đồng đạo diễn. Câu chuyện phim diễn ra tại một con hẻm lao động nghèo ở TP HCM, xoay quanh gia đình ông Ba Sang (Trấn Thành đóng) và các chị em ruột, con cháu, hàng xóm của họ.
Vợ bỏ đi, Ba Sang bao năm nay ở vậy "gà trống nuôi con". Ở tuổi trung niên, ông chở hàng thuê cho tiệm đồ khô của chị gái ruột và ngày ngày lo cơm nước chợ búa, chăm sóc cho con trai ngoài 20 tên Quắn (Tuấn Trần đóng) và con gái mới học lớp 1 Bù Tọt (Ngân Chi đóng). Tuy thương nhau, ông Ba Sang và Quắn ngày càng sống xa cách, khó nói chuyện và hay xung đột do những khác biệt trong quan niệm sống. Miệng lưỡi cay nghiệt và ánh nhìn tọc mạch của họ hàng càng như đổ thêm dầu cho ngọn lửa giận giữa cha con ông thêm dữ dội.
Vì thương nên mới giận
Phim đề cập đến mâu thuẫn thế hệ trong gia đình, về mâu thuẫn mẹ con, cha con không hiếm. Thông thường, các phim như vậy khắc họa người làm cha, làm mẹ hy sinh tuyệt đối cho con, trong khi những đứa con sống buông thả, cố chấp. Kết phim thường hàn gắn tình cảm gia đình bằng cách làm đứa con lạc bước trưởng thành, thấu hiểu đấng sinh thành.
Bố già xây dựng mâu thuẫn cha con theo motif hơi khác. Thông qua điểm nhìn từ cả hai phía ông Ba Sang và Quắn, bộ phim cho thấy mâu thuẫn giữa họ xuất phát từ việc cả hai đều muốn hy sinh cho nhau. Quắn có nhiều điểm sai trong giao tiếp, cư xử với ba; nhưng ông Sang cũng không hoàn toàn đúng.
Khác với nhiều đứa con trong phim về mâu thuẫn gia đình, Quắn trong Bố già là người trẻ kiếm ra tiền, làm ăn đàng hoàng, bất chấp những định kiến nghề nghiệp không ổn định mà họ hàng áp đặt lên anh. Quắn đủ sức chăm lo cho ba và em gái, đưa cả nhà chuyển đến nơi ở tốt hơn. Rõ ràng, Quắn nói được, làm được và biết sống vì người thân. Có điều, ông Ba Sang khước từ tất cả bởi suốt đời mình, ông đã quen với việc lo cho người khác, sợ phiền lụy người khác phải lo cho mình. Hơn hết cả, ông xót cho đồng tiền của con trai.
Tính ông Sang bao đồng và dĩ hòa vi quý. Chị em ruột thịt của mình phiền phức, xấu tính ra sao hay Quắn không ưa họ hàng thế nào, ông Ba Sang biết cả. Chỉ là, ông cứ tặc lưỡi cho qua, lắm lúc tình nguyện là người chịu thiệt để nhà cửa được yên ấm. Nhìn ba cứ vì hết người này đến người kia, trả nợ cho em trai, bị chị ruột chèn ép, bị em dâu ăn nói hỗn hào, Quắn giận chứ! Nhưng nói mãi mà ba chẳng nghe, phận làm con như anh đành bất lực.
Cha con Sang - Quắn giống nhau y đúc, thương nhau chỉ để trong dạ chứ không nói thành lời, giao tiếp với nhau thì cộc cằn, nói được đôi ba câu lại nổi cáu. Rốt cuộc, họ chỉ vì muốn được hy sinh cho nhau mà nảy sinh xung đột. Với cả hai, đó là một thứ quyền lợi theo lẽ dĩ nhiên trong đời.
Mặc dù tựa phim là Bố già và bản thân vào vai ông Sang, Trấn Thành làm kịch bản phim này từ góc nhìn của người con nhiều hơn. Điều này cũng phù hợp với việc anh đưa chuyện thật của gia đình lên màn ảnh và dành tặng tác phẩm cho bố ruột ngoài đời. Người ta hay bảo "Nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược", ngụ ý chỉ có cha mẹ lo cho con chứ con chẳng mấy khi lo cho cha mẹ. Nhân vật Quắn của phim Bố già đưa ra quan điểm ngược lại, cho thấy rằng nước mắt đôi khi cũng chảy ngược - những đứa con khi đủ lớn cũng có quyền và khả năng để chăm sóc cho bậc sinh thành.
Gần cuối phim, vị sư thầy trong chùa (NSND Việt Anh đóng) nói với ông Sang: "Hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật. Có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp được xảy ra. Đến lúc con nó muốn lo cho mình thì hãy nhận đi". Đây là một trong những đoạn thoại hàm súc nhất của phim, như một lời nhắn gửi các bậc phụ huynh hãy tin tưởng và trao quyền được chăm lo, phụng dưỡng mình cho những đứa con, để con cái được an tâm và tự tin trưởng thành.
Đời sống bước lên phim
Cái hay của phim Bố già là dàn dựng được nhiều tình huống có thật ngoài đời, khiến người xem cảm nhận gần gũi, thích thú tìm thấy bóng dáng của gia đình mình trong từng thước phim.
Chuyện ông bố chắt chiu từng đồng, phát hoảng khi thấy con tiêu xài phóng tay là điều dễ bắt gặp trong các gia đình Việt Nam. Chi tiết ông Ba Sang cho thêm nước lã vào chai dầu gội gần như cạn cho Quắn dùng tiếp gây cười hóm hỉnh, bởi hầu như nhà nào cũng từng có thói quen như thế. Cuộc đối thoại của hai cha con bên mâm cơm quanh việc mua chung cư hay ở nhà mặt đất là một trong những cảnh thú vị nhất, làm người ta vừa đồng cảm vừa không nén được tiếng cười.
Những câu hỏi, lời khuyên hợm hĩnh kiểu "Mày phải học con trai bác. Mày làm cái nghề đó làm sao mà ra tiền" của người bác cả (NSND Ngọc Giàu đóng) luôn nằm trong tuyển tập những lời khó nghe nhất của họ hàng, làng xóm. Khung cảnh xóm lao động với chợ cóc, nhà lụp xụp, đường ngập nước như tái hiện một phần "đặc sản" của Sài Gòn, cho thấy dấu ấn phong cách điện ảnh hiện thực của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Loạt cảnh này cho thấy óc quan sát nhạy bén và cách xây dựng tỉ mỉ của Trấn Thành trong vai trò cha đẻ của ý tưởng và đồng biên kịch.
Bố già gây lấn cấn ở những tình huống cố ép nước mắt, lời thoại đôi khi quá dài và ồn ào, diễn xuất trong một số cảnh khoa trương lối sân khấu và sitcom. Nhưng những nhược điểm này có thể được tha thứ nhờ câu chuyện phim thấm đẫm chất đời thường cùng những câu thoại giàu cảm xúc. Xem phim, khán giả khó cầm nước mắt vì bị "chạm" vào tâm tư. Ngoài chuyện cha con nặng tình, thế giới tình cảm của người trung niên đơn thân cũng được khắc họa đầy dung dị và nhân văn.
Dàn diễn viên trong phim được lựa vai phù hợp. Nghệ sĩ Lê Giang diễn tiết chế hơn hẳn mọi khi, duyên dáng và chân tình. Tuấn Trần tiến bộ lớn, thoát mác trai đẹp diễn đơn điệu, tạo nên dấu ấn lớn khi lay động khán giả. Bé Ngân Chi cũng đem lại nhiều xúc động.
Bộ già hiện vẫn chiếu rạp toàn quốc. Sau một tuần ra mắt, phim phá kỷ lục của Cua lại vợ bầu, trở thành phim có doanh thu cao nhất Việt Nam với hơn 200 tỷ đồng.
Phong Kiều