Trên chuyên trang đánh giá điện ảnh Rotten Tomatoes, Bố già đạt 95% đánh giá tích cực từ khán giả nhưng chỉ nhận 29% điểm trung bình từ bảy tờ báo, trang bình luận.
Alan Ng đến từ Film Threat nhận định đây là một bộ phim đầy màu sắc và có nhịp điệu nhanh. Phim tái hiện một đô thị vừa quen thuộc, vừa mới mẻ cùng những cú chuyển cảnh slow-motion đầy thú vị. Tác giả dành nhiều lời khen cho Trấn Thành khi chuyển đổi mượt mà câu chuyện từ hài sang bi. Dù kết thúc giống các phim được sản xuất bởi Hallmark - khuôn mẫu và sến súa, phim mang màu sắc tươi vui, nhẹ nhàng và là một trải nghiệm đáng thưởng thức của điện ảnh thế giới.
Đồng quan điểm, Martin Tsai đến từ Critic’s Notebook khen Bố Già mô tả cụ thể những thông điệp trong văn hóa Á Đông - một điều rất ít phim làm được trong ba thập kỷ qua, từ giá trị của tình cảm gia đình đến lòng tự trọng của người đàn ông trong xã hội. Tuy nhiên, cây viết cho rằng phim còn nhiều chi tiết quá đà.
Trong khi đó, nhà báo Mark Keizer đến từ Variety có cái nhìn gay gắt hơn. Tác giả thấy được ý đồ của Trấn Thành khi muốn thể hiện nên một đô thị đa tầng cũng như khoảng cách giữa các thế hệ. Nhưng việc trải dài thể loại phim từ melodrama sang hài kịch khiến những điều này không được khai thác sâu. Những mẩu đối thoại giữa các nhân vật bị phóng đại quá mức, khiến nhân vật Ba Sang của Trấn Thành mệt mỏi và khán giả cũng cảm thấy tương tự.
Tờ báo chỉ ra điểm yếu của phim là chuyển hướng quá nhiều và có nhiều chi tiết câu nước mắt ở nửa sau. Phim mang nhiều màu sắc bản địa nhưng không thể bù đắp sự bi kịch và hài hước quá mức. Tác giả đánh giá Trấn Thành có thể phát triển thành một nhà làm phim mang tiếng nói quốc tế đáng được chú ý hơn nếu ngưng "gào thét".
Nhà phê bình điện ảnh kỳ cựu Todd McCarthy đánh giá Bố Già là một phim bi - hài kịch ồn ào với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen dày đặc. Ông viết: "Phim được xây dựng trên nền tảng những tình tiết lẻ tẻ của thể loại sitcom hoặc đơn thuần từ những câu đùa lồng ghép trên nền nhạc hài hước, thao túng cảm xúc khán giả theo cách thảm hại nhất. Mọi trò đùa đều được kết thúc bằng một điệu nhạc mạnh mẽ đầy ngớ ngẩn".
Đến từ JumpCut, cây bút Nguyen Le ấn tượng với đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh và thiết kế sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, nhưng không đánh giá cao khả năng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành. Anh cho rằng hướng đi của họ quá nhanh chóng, không gãy gọn và cẩn thận trong một kịch bản quá nhiều nhân vật thừa.
James Marsh của tờ South China Morning Post đánh giá việc phát triển bộ phim theo nhiều hướng cùng lúc khiến Bố Già như một bộ phim truyền hình dài tập thiếu sự tinh tế và nhất quán về âm sắc.
Kết quả trên Rotten Tomatoes đưa Bố Già một lần nữa trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội Việt Nam sau gần một năm phát hành tại rạp. Kịch bản phim dựa theo web drama cùng tên và lấy cảm hứng từ cha ruột của Trấn Thành. Phim kể về tình cảm cha con, mâu thuẫn của một gia đình nhiều thế hệ, đồng thời tái hiện đời sống của một con hẻm lao động bình dân ở TP HCM.
Đến nay, đây là tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam với hơn 400 tỷ đồng. Phim còn bội thu giải thưởng cuối năm ngoái, được chọn đại diện Việt Nam gửi đến Oscar lần thứ 94. Khi ra mắt ở Bắc Mỹ mùa hè năm 2021, Bố già kiếm thêm hơn một triệu USD, là một trong các phim Việt thành công ở nước ngoài. Phim đã gây bất ngờ cho trang IndiWire.
Nói về vấn đề này, Trấn Thành cho biết phim của anh chủ yếu được cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón nhận. Tham vọng của anh là làm phim chinh phục khán giả quốc tế, để người Mỹ sẵn sàng chi tiền mua vé.
Đỗ Hoàng