Anh Đỗ Chí Cường (38 tuổi, ở Hà Nội) đang làm Giám đốc của một doanh nghiệp về công nghệ thông tin, anh thường xuyên học cùng con trai Đỗ Bảo Nam (12 tuổi) ngay từ khi con học tiểu học. Nhờ đó, thành quả của con trai anh đạt được khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Anh Cường thường xuyên học cùng con.
Trong suốt 5 năm được bố dạy bảo, Nam đã dành nhiều huy chương vàng (HCV) Toán quốc tế. Gần đây, Nam đạt HCV cuộc thi Olympic Toán Quốc tế Singapore 2020 (SIMOC). Kỳ thi được tổ chức tại Singapore với sự tham dự của 17 nước. Ở sân chơi "Tìm kiếm tài năng Toán học Quốc tế ITMC 2020" - cuộc thi Toán học uy tín do Tổ chức Giáo dục Thai Talent Training phát động dành cho các em học sinh trong khu vực và trên thế giới, Nam cũng giành HCV.
Xuất thân là dân chuyên Toán nên anh Cường sớm định hướng cho con theo học môn này. Ngoài ra, anh nhận thấy, việc học chuyên khác biệt thậm chí khắc nghiệt hơn lớp thường, lớp chuyên có tính ganh đua nên học sinh cũng chăm chỉ học tập hơn.
Anh Cường bắt tay vào việc dạy Toán khi con bước vào học kỳ 2 năm lớp 1. Ngay trong kỳ học này, anh đã cho Nam tham gia các kỳ thi Olympic toán học qua internet. Cứ như vậy, anh đồng hành cùng con cho tới khi con học hết lớp 5, mỗi lớp anh đều cho Nam tham dự những kỳ thi để con có cảm giác thử sức với các cuộc thi.
"Phương pháp dạy con không hề cao siêu nhưng không phải phụ huynh nào cũng kiên nhẫn và thực hiện được, đó là tôi luôn ngồi học cùng con", anh Cường cho hay.
Anh nói tiếp, nhiều gia đình rất quan tâm việc học của con nên không tiếc tiền đầu tư học ở trường quốc tế. Thế nhưng, họ chỉ biết quát và thúc giục con học giỏi chứ hiếm khi ngồi học cùng con.
"Việc ngồi học cùng con như việc bố làm thơ và con làm theo chứ không phải ngồi giám sát con học", anh Cường nói.
Anh bật mí: "Việc dạy Toán cho bậc tiểu học rất khó, bởi lứa tuổi đó chưa hoàn thành về mặt suy nghĩ nên phải dạy con theo kiểu tư duy để con có thể hiểu được. Nhiều khi đang bận làm việc, nhưng trong đầu tìm ra cách giải thích một bài toán cho con, tôi phải ghi ngay lại ngay".
Anh Cường cho hay, phụ huynh thường mắc sai lầm là luôn nghĩ rằng đứa trẻ 6 tuổi có tư duy ngang với bố mẹ nên khi con không giải được thì ngay lập tức quát mắng "dễ thế sao con không làm được" hoặc thiếu kiên nhẫn khi thấy sau vài phút mà con vẫn chưa tìm ra đáp án thì lập tức làm hộ con cho nhanh.

Anh Cường giải thích cho con trai một bài toán khó.
Để chứng minh, anh Cường lấy một bài toán tiểu học làm ví dụ: Thưc hiện phép tính 5-3 + ... = 7. Với người lớn thì bài toán này rất dễ, nhưng với đứa trẻ lớp 1 làm sao con hiểu được. Anh có cách giải thích cho con trai như sau:
Anh sẽ cùng con chơi trò chơi đếm số bước chân, coi số 0 là mốc 2 bố con đang đứng, nếu cộng thì bước tiến lên, trừ thì bước lùi xuống. Cứ như vậy anh và con làm đi làm lại một bài vào vài ngày tiếp theo cho tới khi con anh hiểu được vấn đề thì mới chuyển sang phép tính khác. Theo anh, khi trẻ đã hiểu được bản chất vấn đề một lần thì lần sau chúng làm bài khác rất dễ dàng.
Ví dụ trên là một phép tính của lớp 1, nhưng khi lên tới lớp 2 bài toán có lời văn thì phụ huynh phải giải thích thế nào?
Để trực quan, anh Cường lấy một ví dụ: "Nam có 10 cái kẹo, Nam ít hơn Mi 7 cái. Hỏi Mi có mấy cái kẹo?". Anh xây lại mô hình bài toán bằng hình ảnh về số lượng nhiều hơn và ít hơn, và lấy thêm nhiều ví dụ về bài toán đảo ngược để giải thích cho con hiểu cặn kẽ vấn đề.
Ông bố 8X kết luận: "Nếu phụ huynh không đầu tư thời gian giúp con tư duy thì thật sự bọn trẻ không thể hiểu được. Phụ huynh nên hỏi con trước chứ đừng đợi con hỏi mình mới trả lời, khi trả lời phải rõ ràng chứ đừng cốt cho xong".

Bảo Nam, 12 tuổi, đã giành được rất nhiều huy chương Toán quốc tế nhưng cũng được bố dạy về lòng thương người và sự sẻ chia trong cuộc sống.
Trong quá trình dạy và truyền cảm hứng học Toán cho con, anh Cường thường xuyên kể cho con nghe về những tấm gương yêu Toán như "hai chàng trai quê lúa" là Vũ Xuân Trung hay Nguyễn Thế Hoàn. Hai cậu sinh ra trong gia đình nghèo không có điều kiện học thêm, nhưng luôn nỗ lực chăm chỉ học tập và đã giành được HCV trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2014-2015. "Việc được đeo huy chương chắc đứa trẻ nào cũng thích", anh Cường nói.
Anh chia sẻ: "Tôi là người định hướng cho con, nhưng tôn trọng quyết định của con. Thời gian tới cháu vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê Toán, tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng con, nếu con muốn dừng thì cũng không sao".
Bên cạnh việc dạy con học Toán, anh Cường còn dạy con về đạo đức và lòng thương người. Trong năm qua, anh Cường tham gia dạy Toán ở trường học, trung tâm do anh sáng lập, toàn bộ số tiền thu được anh đều đem làm từ thiện và xây dựng các điểm trường cho học sinh miền núi. Anh bảo, một người dù tài giỏi, nhưng không có lòng thương người thì người ấy rất dễ phạm sai lầm trong cuộc sống. Do đó, ngoài việc dạy kiến thức, dạy đạo đức cũng quan trọng không kém.
Lê Hân