Đoạn video ghi lại cảnh một ông bố trẻ vẫn mặc nguyên quần tây, áo sơ mi trắng thực hiện các thao tác tắm cho trẻ sơ sinh thuần thục như y tá chuyên nghiệp đã nhận được 11.000 lượt xem sau vài ngày đăng tải. Nhân vật chính trong đó là Bùi Thanh Liêm (sinh năm 1991) đang công tác tại một kênh truyền hình về tài chính và cậu con trai đầu lòng của anh, bé Vừng, 2,5 tháng tuổi. Trước những ý kiến bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên xung quanh đoạn video, Thanh Liêm chỉ chia sẻ một cách giản dị rằng: "Đó là việc mình vẫn làm hàng ngày. Công việc ở cơ quan theo ca kíp nên mình vẫn tranh thủ tạt về nhà lúc 14h-15h để tắm cho bé".
Hai vợ chồng Liêm ở riêng nên mọi việc đều cùng nhau thực hiện. Bé Vừng mặc dù được mẹ chăm sóc trực tiếp là chủ yếu nhưng riêng việc tắm táp lại chỉ chịu hợp tác và không quấy khóc khi trong vòng tay bố. Thanh Liêm giải thích: "Có lẽ do tay vợ mình không khỏe nên thao tác chậm, khi tắm cho bé, bé cảm nhận được và hay khóc. Khi được bố tắm, bé nằm trong tư thế chắc chắn nên con cũng yên tâm hơn".
Khi được hỏi rằng: "Những bước tắm cho con khoa học anh học ở đâu?", ông bố trẻ thật thà cho biết rằng anh đã thấy khá hối hận vì không kịp tham gia lớp tiền sản tại bệnh viện trước khi vợ sinh. Bù lại, trong một tháng đầu tiên của bé Vừng, vợ chồng anh có nhờ một cô hộ sinh đến tắm cho bé và 30 ngày/tháng đó, anh không bỏ lỡ một buổi nào để quan sát và tự trau dồi kỹ năng massage, kỹ thuật bế bé sao cho đúng. Sau đó, anh còn lên mạng để xem video hướng dẫn của các chuyên gia Nhi khoa nước ngoài và tự đưa ra quy trình riêng phù hợp với bé Vừng. Bởi vậy, ngay từ lần đầu tiên tự tay tắm cho bé lúc bé mới ngoài một tháng tuổi, Thanh Liêm đã không có chút "run tay" nào.
Theo anh, tư thế bế trẻ khi tắm là yếu tố quan trọng nhất. Lúc con còn nhỏ, anh giữ hai cánh tay con áp vào ngực và luôn cho con nằm úp bụng để tắm rửa phần lưng trước. Tư thế này giúp bé thoải mái và yên tâm vì giống như cách con đã nằm trong bụng mẹ suốt 9 tháng 10 ngày. "Lúc bé còn quá nhỏ thì quan trọng nhất là nước không được lọt vào tai, vào mũi của bé, nước tắm phải đủ 39-40 độ", Thanh Liêm cho biết.
Về quy trình tắm bé, bố 9X thực hiện theo các bước lần lượt như sau:
- Trước khi tắm, Thanh Liêm dành ít nhất 5-10 phút để bé quen giọng điệu, vì thính lực của trẻ nhạy hơn thị lực lúc sơ sinh. Bé sẽ yên tâm hơn khi có một tiếng nói trầm ấm của người ông hơn là kiểu mềm mại của mẹ.
- Massage thư giãn cho bé bằng tinh dầu dừa (hoặc một loại dầu khác dành cho trẻ sơ sinh) trong vòng 3-5 phút.
- Đo nhiệt độ nước bằng nhiệt kế (for baby = 39-40 độ), gội đầu nhẹ nhàng, động tác nhanh, chắn 2 tai kỹ và lau bằng khăn khô.
- Bắt đầu tắm bé tư thế úp trước (đặt 2 tay bé trước ngực, tay bố ôm trọn 2 tay và ngực bé chắc chắn), bé sẽ cảm nhận được. Đưa chân bé từ từ xuống nước, nếu bé giật mình hoặc khóc phải kiểm tra nhiệt độ nước ngay. Khi bé bắt đầu làm quen với nước lấy khăn xô lau những chỗ kín nhất (vùng nách, bẹn, cổ), sau đó đến các phần trần.
- Chuyển tư thể ngửa, tay đón gáy bé, mở rộng tay sau cho ngón tay giữa được vai bé cho cân, nhẹ nhàng đặt bé xuống nước và thực hiện tương tự. Trong quá trình tắm, bố cố gắng tiếp tục trò chuyện, động viên bé trộm vía hợp tác cùng tắm.
- Chỉ nên cho bé tiếp xúc với nước nhiều nhất là 5 phút/tư thế (tổng thời gian tắm không quá 15 phút). Lau khô ngay khi tắm bé xong, dùng cồn 70 độ sát khuẩn phần rốn, lấy kem dưỡng ẩm bôi toàn thân, kem hăm bôi phần mông, vệ sinh cá nhân như ngoáy tai, xông mũi.
Nói về cách chăm con nói chung, Thanh Liêm và vợ thiên về các phương pháp của Nhật, không quá bao bọc mà luôn tạo cơ hội để con vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài miễn sao đảm bảo an toàn theo độ tuổi của con. Bản thân là một người bố dành nhiều tâm huyết cho con trai đầu lòng, Thanh Liêm cho rằng: "Vì cùng giới với nhau, nếu mình bên con nhiều hơn, đồng nghĩa mình sẽ có phiên bản thứ 2 của mình. Nếu mình uốn nắn, chăm sóc con từ thuở bé, thì mình không lo sẽ lạc mất tính cách của con ở bất cứ thời điểm nào.
Giống như câu chuyện một cậu bé suốt ngày tìm bố để chơi cùng, nhưng lần nào bố cũng bận rộn và nói: 'Để sau nhé con'... Dần dần đứa bé lớn lên, ông bố thấy con không theo ý mình nữa mới muốn gần gũi con thì con trai mình lại bảo: 'Để sau nhé bố'. Bản thân mình không muốn tình cảnh đó xảy ra với mình. Được tiếp xúc, yêu thương con chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người bố. Và nếu mình là một người bố tốt, người chồng tốt, thì sau này không có lý do gì con trai mình thành người tồi cả".