Cách đây hơn 10 năm, trong chuyến đi từ thiện cùng người đồng hương, anh Nhâm Quang Văn (38 tuổi, quê Thái Bình) được tận mắt thấy nhiều mảnh đời cơ cực. Kết thúc chuyến thiện nguyện, nhưng hình ảnh về những người khốn khổ ấy cứ hiện lên trong tâm trí anh, như thôi thúc anh cần hành động.
Kể từ đó, năm nào anh cũng đóng góp công sức của mình vào những việc làm ý nghĩa để giúp đỡ người nghèo, từ việc tặng tấm chăn, manh áo ấm cho bà con miền núi đến vận động mọi người quyên góp để xây nhà cho họ.
Bên cạnh làm từ thiện, anh Văn còn kêu gọi những người có chung chí hướng thành lập đội cứu hộ giao thông đường bộ, đội tìm kiếm cứu nạn đường thuỷ miễn phí ở Thái Bình và các tỉnh lân cận. Lý do, bởi những lần trên đường đi làm từ thiện, anh chứng kiến nhiều vụ tai nạn rất thương tâm.

Anh Văn trong chương trình từ thiện 'Áo ấm vùng cao' tại tỉnh Lai Châu.
"Nếu lúc đấy nạn nhân được cứu giúp kịp thời thì cơ hội sống của họ sẽ cao hơn, gia đình họ sẽ không phải chịu cảnh mất mát, ly biệt", anh Văn tâm sự.
Thêm nữa, vào năm 2015, trong lúc ra biển lắp đặt đường ống dẫn khí cho nhà máy nhiệt điện, anh cùng 7 anh em trong đội cứu hộ bị đắm phà và chìm hết toàn bộ xe cẩu, máy xúc cùng toàn bộ trang thiết bị cách bờ biển 5 km.
May mắn là mọi người bị chìm đúng chỗ cát bồi nên nóc cần cẩu nhô lên được mặt nước chừng 20 cm đủ để anh em trong đội của anh bám vào và chờ người đến cứu. "Từ những lý do đó nên tôi cảm nhận được sự hoảng sợ và tuyệt vọng của người bị nạn và luôn có ý thức sẽ giúp người bị nạn một cách nhanh nhất có thể", anh Văn kể.
Năm ngoái, anh Văn và anh em trong đội cứu hộ đã dành 26 ngày ở miền Trung giúp đỡ bà con vùng lũ. Cụ thể, anh cho 60 chuyến xe miễn phí chở 100 chiếc xuồng, gạo, thức ăn... của các mạnh thường quân ủng hộ tới miền Trung hỗ trợ bà con.
Sau đó, anh và mọi người ở lại giúp tìm kiếm những nạn nhân trong vùng bị ngập. Kết thúc chuyến từ thiện, anh tặng lại xuồng cho đội cứu hộ ở 2 tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Những chiếc cano được tập kết trước khi đi vào vùng lũ miền Trung thực hiện sứ mệnh cứu người.
"Từ miền Trung về, tôi tự bỏ tiền mua thêm một chiếc cano và 2 chiếc xuồng đã có trước đó để làm công tác tìm kiếm cứu nạn đường thuỷ. Số tiền này vốn định dùng để xây thêm tầng nhà nữa nên đến giờ nhà vẫn chưa xây được", anh Văn bộc bạch.
Gần đây nhất, đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn của anh Văn đã giúp đỡ miễn phí gia đình tìm kiếm nam sinh đuối nước trên sông Trà Lý, Thái Bình. Sau đó, khi biết được hoàn cảnh khó khăn nhà nam sinh, anh còn kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp được 130 triệu đồng để giúp đỡ.
Để công việc làm từ thiện, cứu người thuận lợi, anh Văn không quên nhắc đến người vợ - hậu phương vững chắc. Anh nói: "Thật tình, tôi phải cảm ơn vợ rất nhiều, dù chúng tôi có 3 con nhỏ chăm sóc rất vất vả nhưng vợ tôi chưa bao giờ phàn nàn. Tôi cũng phải cảm ơn vợ của những anh em trong đội cứu hộ, họ giúp chúng tôi yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu người".

Đội tìm kiếm cứu nạn đường thuỷ do anh Văn và các bạn lập ra trong lần tìm kiếm nam sinh đuối nước.
Mọi người khi thấy việc làm của anh Văn đều dành cho anh những lời khen như "Người đàn ông tốt bụng nhất vịnh Bắc bộ" hay "Người đàn ông tuyệt vời", "Cảm ơn anh, trên đời này có những người tử tế như anh, cuộc sống thật đẹp biết bao"... Bên cạnh những lời khen, cũng có nhiều người chê anh là hâm dở nhưng anh vẫn giữ vững mục tiêu, mục đích của mình.
Đáp lại lời khen, anh Văn nói: "Tôi cảm ơn và ghi nhớ tất cả những lời động viên của mọi người. Điều đó khiến tôi có thêm động lực, tôi muốn dành tặng tất cả những lời khen này cho những anh em trong đội cứu hộ đã không quản ngại vất vả nguy hiểm cùng tôi thực hiện nhiệm vụ". Còn đối với những lời chê bai, anh Văn im lặng không đáp trả.
Ngoài làm việc thiện, ở công ty anh Văn con là một người sếp chu đáo và luôn quan tâm tới đời sống của nhân viên. Ở nhà, anh là một ông bố mẫu mực. Trong nhiều lần đi thiện nguyện, anh thường đưa con theo. Mục đích để dạy các con biết đồng cảm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. "Hi vọng sau này các con lớn lên sẽ tiếp tục theo con đường mà tôi đã chọn. Con đường ấy tuy mệt mỏi, hiểm nguy nhưng trong tâm tôi luôn cảm thấy an nhiên bởi với tôi, cho đi là để nhận lại", anh Văn nói.
Lê Hân
Ảnh: NVCC