Theo dõi diễn biến giao dịch CK. |
Trong khi khá nhiều NĐT mê mải với chuỗi phiên tăng giá kịch trần liên tục của CP giá thấp, một số khác lại ung dung ngồi đợi với túi tiền không hề nhỏ để chờ "vớt" CP blue-chips khi "vô tình" bị lãng quên và đẩy xuống mức giá hời.
Tỉnh táo với CP giá thấp
Anh H.T., một NĐT chuyên nghiệp trên sàn Bảo Việt cho biết mới "ôm" 3.000 REE giá 171 ngày 7/3. Theo đánh giá của anh, việc REE "phập phù" đi ngang và rớt giá trong 5 phiên vừa qua là thời điểm thuận lợi để mua vào với mục đích đầu tư dài hạn.
Xu hướng đổ tiền vào CP giá thấp cùng lượng cung khá mạnh khiến nhóm blue-chips dường như bị lãng quên và giá liên tục giảm: "Nếu nguyên nhân giảm giá không xuất phát từ bản thân nội tại DN thì chính là cơ hội tốt để thu gom".
Theo anh T., kỳ vọng tăng giá CP và kỳ vọng tăng lợi nhuận của DN là hai khía cạnh khác nhau. Đa phần NĐT mới ít phân tích được bản chất của việc tăng giá qua những thông tin tốt mà chỉ cho rằng thông tin này sẽ làm gia tăng sức cầu.
Câu hỏi đặt ra là "sức bền" của động lực tăng giá đến đâu? Trong xu hướng tăng nóng mấy phiên gần đây của nhóm CP giá rẻ, những NĐT "dạn dày trận mạc" đều nhìn nhận động lực đằng sau chuỗi tăng giá chủ yếu là từ khả năng phát hành thêm hoặc chia CP thưởng.
"Hoàn toàn có thể tính toán được mức giá tương lai phù hợp của từng loại CP trong trường hợp phát hành thêm hoặc chia thưởng. Đó thông thường sẽ là điểm bão hòa mà nếu vượt mức này, CP sẽ không còn hấp dẫn nữa và sức mua sẽ giảm", anh T cho biết.
Đối với NĐT có khả năng phân tích, việc lựa chọn CP thực sự tiềm năng và đang rẻ theo đúng nghĩa cũng như thời điểm "rút" khỏi một loại CP nào đó không phải là quá khó. Tuy nhiên, với NĐT không hiểu bản chất thật sự của việc tăng giá vẫn cứ "đâm đầu" mua thì sẽ đến lúc ôm phải đống CP giá cao mà đã hết đà.
Theo nhận định của một số NĐT đang tích cực mua vào nhóm blue-chips, so với động lực tăng giá của nhóm CP giá thấp, kỳ họp đại hội cổ đông sắp tới sẽ chứng minh "đẳng cấp" của CP.
Việc tăng vốn bằng cách phát hành thêm CP với giá gốc hoặc rẻ hơn giá thị trường có thể tạo sức hấp dẫn lớn nhưng không bền vững. Mặt khác, cuộc họp đại hội cổ đông của các DN lớn cũng có thể quyết nhưng nội dung "hoành tráng" hơn nhiều, tạo nên tiềm năng tăng trưởng thuyết phục.
"Tây" bán ra - "ta" mua sạch
Khi phần lớn thị trường còn say sưa với thời kỳ hoàng kim của nhóm CP giá rẻ, dấu hiệu thu gom blue-chips đã trở nên rõ ràng hơn trong phiên ngày 8/3. Sự đảo chiều của một loạt CP như REE, VNM, VSH, SAM, AGF... được hỗ trợ bởi một lượng cầu rất mạnh trên giá tham chiếu.
Đáng chú ý là phần lớn sức mua này xuất phát từ khối NĐTTN trong khi khối nước ngoài vẫn tiếp tục tung ra một lượng bán tương đối lớn, điển hình là cuộc "đối đầu" với VNM và VSH.
CP "sữa" xuất hiện lượng cầu chắc chắn tại giá tham chiếu ngay trong đợt khớp lệnh mở cửa với trên 220.000 CP giao dịch thành công, chấm dứt chu kỳ đi xuống trong 7 phiên gần đây. Thậm chí đợt khớp lệnh thứ hai, VNM còn được đẩy lên mức 195.000 đồng/CP, tăng 6.000 đồng/CP với khối lượng trên 105.000 CP.
Kết thúc phiên, VNM đứng mức 190.000 đồng/CP, tăng nhẹ 1.000 đồng/CP so với phiên trước. Trong tổng khối lượng 466.100 VNM giao dịch thành công, NĐTNN đã bán ra tới 411.920 CP, tương đương 88%. Trong khi đó lượng mua từ khối này chỉ có 55.310 CP, xấp xỉ 12%.
Ngoài VNM, NĐTNN còn bán mạnh VSH với 140.280 CP, tương đương 65% khối lượng giao dịch, trong khi chỉ mua vào chưa tới 60.000 CP. Các CP khác như BBC, BHS, DHA, GMD, KDC, MHC cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, sức cầu hỗ trợ từ khối NĐTTN đã giúp toàn bộ nhóm này, trừ GMD, tăng giá về cuối phiên.
Nhờ sự tiếp sức của nhóm đầu tàu, VN-Index ngày 8/3 đã phục hồi 9,36 điểm sau hai phiên giảm khá mạnh trước đó. Như vậy, chỉ số giá đã không tụt xuống đến mức 1.120 điểm của đáy cách đây 6 phiên. Khả năng thị trường sẽ có sự phục hồi mạnh hơn trong phiên cuối tuần.
(Theo Lao Động)