Cảnh tượng đông 'nghẹt thở' ở Trung Quốc lễ Quốc tế lao động. Video: Douyin/Tiktok Nanainchina

Người dân Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động từ hôm 29/4, kéo dài 5 ngày và kết thúc vào 3/5. Theo dữ liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố, dịp này, tổng cộng có 274 triệu chuyến đi đã được thực hiện, tăng 70,83% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 119,09% năm 2019. Thu nhập từ du lịch nội địa cũng tăng 128,9% so với cùng kỳ, lên 148,1 tỷ tệ (21,43 tỷ USD), cao hơn một chút so với năm 2019 (tương đương 100,66%).

Mạng lưới đường sắt quốc gia cũng đã hoạt động hết công suất để vận chuyển 19,35 triệu hành khách vào ngày thứ Tư - ngày nghỉ cuối cùng, tăng 400% so với dịp này năm ngoái, theo Global Times. Theo báo cáo của công ty du lịch trực tuyến Qunar, số lượng người mua vé tàu trực tuyến lập kỷ lục, bán hết với tốc độ chóng mặt trong vài phút, thậm chí còn cháy vé hơn dịp Tết Nguyên đán. Theo VariFlight, số chuyến bay chở khách nội địa đạt 13.926 chuyến ngày thứ Tư, gấp khoảng 4,4 lần so với năm ngoái. Trong ảnh là khung cảnh quen thuộc thường thấy mỗi dịp nghỉ dài ở nhà ga Hongqiao (Thượng Hải).

Đây là kỳ nghỉ 1/5 đầu tiên sau khi Trung Quốc mở cửa hậu Covid, tạo nên sự bùng nổ 'chưa từng có và điên cuồng' tại các địa điểm du lịch và trung tâm mua sắm. Hầu hết danh thắng trên toàn quốc đều hoạt động hết công suất như Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, Trường Thành ở Tây An, Tây Hồ ở Hàng Châu... Trong ảnh là khung cảnh du khách chen chúc chật kín trên Vạn Lý Trường Thành. Quy định đeo khẩu trang không còn gắt gao, mang lại không khí thoải mái hơn.

Dữ liệu của Qunar cho thấy lượng đặt chỗ ở tại các thành phố du lịch nổi tiếng đã tăng 1,9 lần so với mức trước dịch. Ngay cả những thành phố du lịch ít nổi tiếng trước đây như Dehong ở tỉnh Vân Nam, Gannan ở Cam Túc, Ili Kazakh ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương cũng có lưu lượng giao thông tăng đột biến, khiến lượng đặt phòng khách sạn địa phương tăng gấp 10 lần so với năm 2019.

Suốt kỳ nghỉ lễ, các trang mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập hình ảnh về cảnh tượng chen chúc đã thành 'đặc sản' tại những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều cuộc thảo luận như cảnh 'tắc đường do lạc đà' tại khu danh lam thắng cảnh Yueyaquan, một phần con đường tơ lụa tại Đôn Hoàng. Theo báo cáo của Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, lượng khách du lịch tăng mạnh, đạt khoảng 20.000 đến 30.000 mỗi ngày, trong khi chỉ có 2.400 con lạc đà phục vụ đã gây ra tình trạng này. Do đó, những người điều hành đã lắp đèn giao thông để điều phối. Đám đông cũng xuất hiện ở tuyến giao thông đường thủy. Một vụ tắc nghẽn thuyền bè ở Wuzhishan, tỉnh Hải Nam, là tâm điểm chú ý trong những ngày lễ. Một số người so sánh hài hước rằng hàng trăm chiếc xuồng cao su trôi nổi mắc kẹt tại khu vực này giống như 'bánh bao nấu trong nước sôi'.

Trùng Khánh, đô thị lớn bậc nhất tại Tây Nam Trung Quốc, cũng bùng nổ du lịch dịp này. Đến đây, du khách không thể bỏ qua danh thắng Hồng Nhai Động - một điểm tham quan sầm uất, rực rỡ, nằm tại nơi giao nhau của hai con sông Gia Linh và Dương Tử. Thế nhưng khách tới đây dịp lễ vừa qua không chiêm ngưỡng được cảnh quan do kẹt giữa biển người. Người xếp hàng hai bên bờ sông và trên cầu. Thậm chí khu vực bãi bồi dưới chân cầu cũng gặp cảnh 'tắc đường' do địa điểm này hot trên Douyin.

Lên núi cũng không thoát được cảnh tắc đường. Khu danh thắng Hoàng Sơn tại tỉnh An Huy cũng lần đầu tiên đón lượng khách 'khủng' từ năm 2019. Hàng nghìn người xếp hàng rồng rắn trên những cung đường cheo leo trên vách núi cao hơn 1.800 mét.

Tháp Chuông ở Tây An đông chật khách từ vòng trong vòng ngoài.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Thiên Đàn, một điểm du lịch nổi tiếng ở Bắc Kinh vào ngày đầu kỳ nghỉ lễ, 29/4.

Trung Quốc có ba dịp nghỉ lễ dài ngày: Tết Nguyên đán, Quốc khánh và Quốc tế Lao động 1/5. Mỗi dịp này, người dân thường nghỉ từ 5 đến 7 ngày, ngoài ra còn nhiều kỳ nghỉ xen kẽ khoảng 1-3 ngày. Đây là cơ hội để thúc đẩy du lịch nội địa.

Không chỉ đi du lịch, các hoạt động mua sắm, giải trí, ăn uống cũng bùng nổ doanh thu. Dữ liệu từ nền tảng giao đồ ăn Meituan cho thấy trong ba ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, lượng tiêu thụ trực tuyến hàng ngày tăng 133% so với 2019. Với con số thống kê này, du lịch nội địa Trung Quốc được xem là 'thịnh vượng nhất' từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2017, được kỳ vọng thúc đẩy GDP nước này năm nay.
Nguyên Chi (Theo Global Times)