Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TTYTDP), ngoài 2 loại bia uy tín là Hà Nội và Việt Hà, chỉ có 86 trong số hàng trăm cơ sở sản xuất bia tư nhân là có đăng ký chất lượng với Trung tâm. Những cơ sở này, hầu hết nhà xưởng, thiết bị... đều không đảm bảo chất lượng vệ sinh. Công nghệ chủ yếu dựa theo kinh nghiệm "truyền miệng", công nhân chỉ được hướng dẫn sơ sài.
Kết quả kiểm tra mới đây cho thấy: Chỉ có 75/141 cơ sở đạt yêu cầu về vệ sinh nhà xưởng. Tại nhiều xưởng, sự ô nhiễm đã vượt mức cho phép từ 30-50 lần. Nhiều cơ sở chật chội, không được đầu tư nâng cấp. Có 37 xưởng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ngoại cảnh và môi trường, 46 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh dụng cụ, 43 cơ sở kém về vệ sinh cá nhân, còn 11 xưởng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Đến một địa chỉ sản xuất bia cụ thể, Công ty Bia Phượng Hoàng trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Tại đây, mặt bằng rất chật chội, máy móc đơn giản, nhưng vẫn treo biển quảng cáo "Chuyên sản xuất bia hơi và bia chai chất lượng cao".
Không thấy dụng cụ đóng chai đâu, thậm chí vỏ chai cũng không có nốt, chỉ toàn "bom" rỗng nằm ngổn ngang trên nền nhà ướt át bẩn thỉu, ruồi nhặng đậu… vô tư. Một công nhân đang chiết bia vào "bom" nói: “Bom" bia gom về, chẳng cần tráng rửa mà cứ tiếp tục bơm bia vào rồi bán".
Theo HNM, hầu hết các xưởng tư nhân chỉ ủ bia 4-5 ngày, trong khi quy trình "xịn" phải mất 15-20 ngày. Thậm chí, nắng nóng, tiêu thụ mạnh, có nơi chỉ ủ 1-2 ngày. Để tiết kiệm, hầu như xưởng bia tư nhân nào cũng dùng nước giếng khoan, còn men bia thì bị bớt xén đến mức tối đa. Chả thế mà bia "cỏ" có vị chua lại không ngon. Hơn nữa, do ủ chưa "chín" nên hàm lượng cồn cao, dễ gây đau đầu.
Để tiêu thụ được nhiều, các xưởng tư nhân có cơ chế bán hàng khá thông thoáng: Đại lý nhận bia về, bán không hết lại mang trả mà không phải chịu chi phí. Bia cũ được lọc lại, bơm thêm gas C02 rồi trộn với bia mới và tiếp tục cho vào bom bán ra thị trường.
Đối tượng xài bia "cỏ" đa phần là người lao động, vì bia Hà Nội "xịn" những 3-4.000 đồng/cốc, bia Việt Hà có rẻ hơn nhưng không đáng kể. Bia "cỏ" tuy không ngon, uống dễ say, đau đầu... nhưng giá chỉ 1.500 đ/cốc, hợp túi tiền hơn.
Chuyện vệ sinh ở quán bia hơi cũng đáng ngại. Tại quán bia ở phố Tăng Bạt Hổ vào giờ cao điểm, khách đông nên không đủ cốc, nhà hàng phải quay vòng cốc. Cốc khách vừa uống xong đem thả đánh tõm vào chậu nước, chao đi chao lại mấy cái, chưa kịp ráo nước đã được nhân viên nhấc ra rót bia cho khách.
TTYTDP đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có bàn cao, tủ bảo quản thực phẩm, nơi đựng rác đúng qui định..., nhưng hầu như bị bỏ ngoài tai. Các quán bia vỉa hè, kể cả một số nhà hàng lớn, nhân viên phục vụ không có đồng phục, găng tay, khẩu trang và không được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tay vừa cầm giẻ lau bàn xong đã cầm vào cốc hay bát đũa là chuyện thường. Nhiều quán, người bán hàng còn dùng miệng hút bia ra cốc.
Việc kiểm tra VSATTP cũng rất khó khăn vì Hà Nội hiện có khoảng 10 nghìn quán bia, cơ sở dịch vụ ăn uống nhưng TTYTDP chỉ duy trì định kỳ 6 tháng một lần kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm ở các cơ sơ sản xuất hoặc một số cơ sở kinh doanh lớn. Để kiểm tra xét nghiệm toàn bộ các hàng quán thì không đủ kinh phí nên chỉ có thể tăng cường hướng dẫn ở khâu sản xuất.