Hà Nội hiện có khoảng 100 lò sản xuất bia hơi thủ công, mỗi ngày "rót" ra thị trường trung bình chừng 500 nghìn lít bia với giá 1.500 - 2000 đồng/cốc. Lượng bia này không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, mà còn được một số địa phương lân cận "ưa dùng" vì cái mác "bia hơi Hà Nội" chính cống. Nhưng nếu biết công nghệ làm bia của các lò tư nhân, hẳn không ít người phải... giật mình lo sợ cho sức khỏe của mình.
Uống bia hơi vỉa hè là một cái thú trong những ngày nóng nực. |
Theo TTXVN, các loại bia "xịn" đang được sản xuất ra từ một dây chuyền khép kín và phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu để làm bia là hoa houblon, lúa mạch, men, nguồn nước tinh khiết.... Tất cả các nguyên liệu này đều phải trải qua khâu xét nghiệm, kiểm tra vệ sinh hết sức khắt khe trước khi đưa vào sản xuất. Lúa mạch được nấu, rồi đem ủ men trong khoảng thời gian chừng 15 ngày, sau đó chuyển sang công đoạn trưng cất. Tiếp đó, bia được chuyển sang khu vực làm lạnh trước khi đóng chai vô trùng.
Trong khi đó, quy trình sản xuất bia của các xưởng tư nhân đơn giản đến mức nhìn thôi ai cũng có thể về bắt chước làm. Chỉ cần đầu tư vài bể chứa có đổ ít cát là chủ lò có thể thoái mái hút nước giếng khoan lên lọc qua loa, rồi cho vào sản xuất. Nước giếng khoan bơm lên nhìn qua có vẻ trong xanh, nhưng để một lúc nó "biến" màu đục ngàu với một lớp đất đọng vàng khè, mùi tanh đến rợn người.
Để đủ bia cung cấp cho thị trường trong những ngày nắng nóng, chủ lò càng tiến hành các công đoạn lọc nước một cách chóng vánh. Các lò "bia cỏ" (bia hơi thủ công) ven đô còn bất chấp sức khoẻ của người uống bia đến mức dùng cả nước ao để làm bia. Nhiều chủ lò thản nhiên lý giải rằng, nước có mất vệ sinh một tý, qua công đoạn lên men sẽ chẳng có loại vi khuẩn nào sống nổi.
Ai sẽ đảm bảo độ vệ sinh của những bom bia này? |
Nguồn nước đã vậy, còn khâu lên men thì sao? Tính ra để có một mẻ ủ bia thành phẩm, các nhà máy phải mất ít nhất nửa tháng, trong khi các lò bia tư nhân chỉ cần đến 3 - 4 ngày, thậm chí 1 ngày. Vì ủ chưa "nhừ" nên lượng cồn trong bia hơi còn rất cao. Đây là lý do giải thích tại sao sau khi uống bia hơi, nhiều người thường có cảm giác nhức đầu. Ai "yếu" bụng còn có thể bị đi ngoài, nặng hơn là ngộ độc vì khâu ủ men quá ẩu và vô trùng không tốt, nên sau khi uống đã xảy ra tình trạng bia lên men... trong bụng. Đáng tiếc là khi uống "bia cỏ" chẳng may bị đau bụng, người uống thường nghĩ "thủ phạm" chính là đồ nhắm không đảm bảo vệ sinh.
Khâu đóng "bom" bia thành phẩm cũng mất vệ sinh không kém. Bom bia gom từ các điểm tiêu thụ về, chẳng được chủ lò cọ rửa hay vô trùng nào mà cứ việc bơm bia ào ào vào rồi mang đi bán. Cơ chế bán hàng "thông thoáng" của các chủ lò bia thủ công, làm cho người bán bia vô cùng "thoải mái" khi bán hàng. Chủ quán chỉ việc nhận bom bia, bán được đâu hưởng đến đấy, chẳng phải lo ế vì bia thừa đã có chủ lò cho người đến nhận lại. Số bia thừa đó lại được mang về san sẻ ra và "trộn" với bia mới, rồi tiếp tục bơm vào bom mang đi bán. Những bom bia ôi này thường có vị đắng, chua khác thường. Đắng vì bia bị mất hết ga, nên không át được át vị đắng vốn có của hoa houblon. Chua vì do vi khuẩn latic rất "nghiện" bia xâm nhập. Bia để lâu còn bị vẩn đục vì chất axit kết hợp với protein trong bia.
Không ít người thừa nhận rằng uống "bia cỏ" không được "sạch" cho lắm, nhưng vì rẻ nên cứ uống. Với không ít người, việc chỉ bỏ ra dăm bảy nghìn để có được cảm giác ngà ngà vì bia thì còn gì tuyệt hơn. Chứ bỏ ra mấy chục nghìn thì... xót quá!
Thừa biết quy trình làm bia không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng dường như các cơ quan chức năng chưa có biện pháp chấn chỉnh nào. Và hàng ngày, hàng trăm nghìn lít bia bẩn vẫn chảy vào bụng những người tiêu dùng ít tiền và ít nhiều coi thường sức khoẻ bản thân mình.