Lần đầu tiếp cận tác phẩm văn học Rừng Na Uy, điều khiến đạo diễn Trần Anh Hùng ngay lập tức bị cuốn hút không chỉ bởi câu chuyện về đời sống người trẻ tuổi đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc sống, mà còn bởi yếu tố tính dục - những trải nghiệm tình dục của nhân vật chính trong quá trình tìm đến bản ngã đích thực của mình. Đạo diễn chia sẻ: “Tôi muốn miêu tả điều này bằng những hình ảnh cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là những khoái lạc dục tính mang tính dung tục”.
Đạo diễn Trần Anh Hùng chỉ đạo diễn xuất cho nam diễn viên Kenichi Matsuyama (vai Watanabe Toru). |
Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc Rừng Na Uy của ban nhạc The Beatles khi đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim Rừng Na Uy được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại bằng điểm nhìn thì hiện tại, ở đó, các nhân vật được gắn kết với nhau theo tuyến tính thời gian. Điểm khác biệt này sẽ giúp người xem cảm nhận câu chuyện tình theo một hướng mới, đặc biệt là sự chân thực trong những cung bậc cảm xúc của những người trẻ tuổi: lúc mê say nhiệt thành mãnh liệt, lúc hoang vắng xót xa và cả những khoảng trống vô bờ trong lòng mà không sao lấp đầy.
Câu chuyện tình trong tác phẩm văn học mà theo Trần Anh Hùng là “vô cùng nhạy cảm, mang trong mình cả yếu tố đột phá quyến rũ lẫn vẻ đẹp mong manh bí ẩn” được đạo diễn xử lý tinh tế trên nền cảnh xanh ngút tầm mắt của những đồng cỏ trải dài, những cánh rừng ngút ngàn và những vùng đất phủ mờ tuyết trắng. Giữa “hoang mạc” tuyết trắng ấy, Watanabe lạc lõng, cô đơn đi tìm cái tôi đã mất. Rừng Na Uy không dành cho những người vội vã, tìm kiếm những gì sẵn có mà dành cho những ai muốn khám phá tâm hồn mình, tìm lại những xúc cảm nguyên sơ, bồng bột thời tuổi trẻ.
Poster ấn tượng của phim với hai diễn viên Rinko Kikuchi (vai Naoko) và Kenichi Matsuyama (vai Watanabe). |
Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Haruki Muarakami với hơn 10 triệu bản sách được xuất bản và 2,6 triệu ấn bản khác đến tay nhiều độc giả trên thế giới. Không ít lời đề nghị chuyển thể Rừng Na Uy thành tác phẩm điện ảnh từ đạo diễn tên tuổi, nhưng cuối cùng Murakami chọn Trần Anh Hùng là đạo diễn chính cho bộ phim. Sự lựa chọn của nhà văn kỹ tính người Nhật Bản này, xuất phát từ niềm tin Trần Anh Hùng có thể làm tốt việc truyền tải vẻ đẹp của tác phẩm từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ của hình ảnh. Trần Anh Hùng là đạo diễn gốc Việt nổi tiếng với những bộ phim Mùi đu đủ xanh (1992) từng giành giải thưởng Camera d'Or tại Liên hoan phim Cannes 46 và Giải thưởng phim đầu tay xuất sắc nhất tại Cesar 19. Bộ phim cũng được đề cử cho Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Bộ phim thứ hai của anh, Xích lô (1995) giành giải Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 52.
Những khán giả xem phim của Trần Anh Hùng, từng yêu thích cách phối cảnh, góc quay trong các bộ phim nhựa của anh, sẽ dễ dàng nhận thấy một trong những đặc trưng ngôn ngữ điện ảnh "rất Trần Anh Hùng", chính là khả năng dùng hình ảnh để lột tả khía cạnh tình cảm, cảm xúc của nhân vật. Với phim Rừng Na Uy, người đạo diễn tài danh này cũng dành nhiều sự chăm chút, trau chuốt để có được những thước phim đẹp.
Cảnh quay trên đồng cỏ xanh mướt của hai nhân vật Watanabe và Naoko. |
Trần Anh Hùng cho biết: “Tôi không tìm cách tái tạo những cảnh trong cuốn tiểu thuyết. Tôi muốn tìm những nơi để có thể ghi lại những hình ảnh rực rỡ nhất có thể”. Trong cuốn tiểu thuyết, lần đầu Watanabe đến thăm Naoko ở trung tâm điều dưỡng là vào mùa thu, nhưng thời điểm này, các đồng cỏ ở Nhật Bản mọc quá cao. Vì thế, để có được bức nền cảnh đồng cỏ đẹp nhất và lột tả chân xác nội tâm nhân vật, đạo diễn đã phải thay đổi mùa quay. Những bước chân hụt hẫng theo sau Naoko của Watanabe giữa đồng cỏ xanh mướt mờ sương như chính cảm xúc bối rối muốn được che chở cho Naoko mà dường như điều này là quá sức với anh.
Một số hình ảnh ấn tượng trong "Rừng Na Uy". |
Trailer nóng bỏng của phim. |
Âm nhạc là một trong nhiều điểm nhấn làm nên điều đặc biệt của tác phẩm điện ảnh Rừng Na Uy. Người viết nhạc cho bộ phim là Jonny Greenwood (thành viên nhóm Radioheads- từng được giải Grammy nhờ viết nhạc cho bộ phim There will be blood). Điểm mạnh trong âm nhạc của Jonny Greenwood là sự phong phú, hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại. Điều này sẽ tạo điều kiện mở rộng cảm quan và thế giới tinh thần của bộ phim. Các nhân vật trong Rừng Na Uy thường rơi vào trạng thái tâm lý phức tạp, mâu thuẫn, âm nhạc vừa dịu dàng vừa da diết sẽ gợi mở cho khán giả khám phá chiều sâu của tâm lý nhân vật. Sự cầu kỳ của đạo diễn trong việc ghi những thanh âm của tiếng suối chạy tự nhiên, tiếng róc rách của nước, tiếng bước chân nhẹ trong gió sẽ là những điểm nhấn cho sự thăng hoa cảm xúc của bộ phim được mong chờ suốt 2 năm qua.
Rừng Na Uy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của Watanabe với nhiều biến động tình cảm. Watanabe từng có tình bạn bộ 3 thân thiết với Kizuki- Naoko. Kizuki đột ngột tự tử ở tuổi 17 để lại cú sốc tinh thần cho cả Watanabe và Naoko. Sau khi rời bỏ Kobe với nhiều nỗi u buồn để lên Tokyo, Watanabe đến với Naoko như một lẽ tự nhiên xoa dịu vết thương lòng. Trong quãng thời gian học đại học, Watanabe - chàng trai đa cảm đã rơi vào mê cung tình cảm giữa hai người con gái đối lập về tính cách: một Naoko trong sáng, nhạy cảm, yếu đuối và một Midori hoạt bát, sống động, luôn đem đến cho anh nhiều bất ngờ khám phá. Ở giữa hai người con gái, Watanabe rơi vào hai trường cảm xúc: vừa bi thương, tuyệt vọng vừa khát khao sống, không thôi hy vọng vào tương lai. Câu chuyện tình được đặt trong bối cảnh những năm 1960 đầy biến động đã miêu tả chân thực chân dung những người trẻ tuổi với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch xót xa. |
Lương Trần