Đầu tháng 9, Lou chia sẻ lên mạng xã hội trải nghiệm khi đi làm tại một cơ sở giáo dục. Lou cho biết cấp trên yêu cầu cô mua "một cốc Americano nóng và một quả trứng" mỗi sáng. Ngoài ra, "sếp Liu đòi trên bàn luôn phải có sẵn một chai nước khoáng". Khi Lou bức xúc và thắc mắc về nhiệm vụ này trên một nhóm công việc, cô bị quản lý khiển trách. Sau đó, phòng nhân sự bất ngờ sa thải Lou mà không có bất kỳ khoản bồi thường hợp đồng nào.
Vụ việc vướng phải chỉ trích dữ dội từ công chúng. Một người bình luận: "Bà sếp này đối xử với cấp dưới như một trợ lý cá nhân, đây là hành vi bắt nạt". Một người khác nhận xét: "Lou đã dũng cảm khi vạch trần hành vi sai trái của sếp".
Trước phản ứng dữ dội của công chúng, ngày 12/9, công ty cũ của của Lou đã xin lỗi và mời cô quay lại làm việc. Cấp trên của cô - họ Liu - bị sa thải vì lạm dụng quyền hạn và ép buộc cấp dưới phục tùng những vấn đề cá nhân. Wang, giám đốc nhân sự công ty cho biết việc sa thải Lou hoàn toàn là quyết định của Liu và không phù hợp với chính sách chung.
Câu chuyện của Lou làm dấy lên chủ đề "bắt nạt nơi công sở" ở Trung Quốc với các cuộc thảo luận thu hút hơn hai triệu lượt xem trên Weibo.
Một cuộc khảo sát năm 2020 do Zhilian Zhaopin, công ty tuyển dụng tại Trung Quốc thực hiện, cho thấy 64% số người được hỏi ở Trung Quốc từng bị bắt nạt tại nơi làm việc. Các hình thức bắt nạt phổ biến bao gồm bị ép buộc hoàn thành các nhiệm vụ vô lý, chịu đựng sự lăng mạ bằng lời nói và bị quấy rối tình dục. Hơn một nửa số người bị bắt nạt đã chọn từ chức, trong khi 6% đăng bài lên mạng xã hội để "đưa vụ việc ra ánh sáng".
He Bo, luật sư tại Công ty luật Sichuan Hongqi, cho biết: "Để chống lại nạn bắt nạt nơi công sở, nhân viên nên thu thập bằng chứng như ảnh chụp màn hình, bản ghi âm và video để tự bảo vệ mình. Nhân viên có quyền từ chối các yêu cầu cá nhân hoặc yêu cầu công việc vô lý".
Phạm Linh (Theo The Star)