Một cận vệ của Tổng thống Bush (phải) đang làm nhiệm vụ. Ảnh: AP. |
Tới dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam trong chuyến đi công tác nước ngoài dài ngày, Tổng thống Bush là nhân vật quan trọng được đặc biệt chú ý của công tác đảm bảo an ninh. Từ các phương án bảo vệ vĩ mô được chuẩn bị trước đó tới các vệ sĩ luôn đi cùng Tổng thống đều được tính toán và chọn lựa kỹ càng.
Địa điểm nghỉ của ông Bush khi tới Hà Nội là khách sạn Sheraton ven hồ Tây thơ mộng. Công tác tiền trạm của phía Mỹ diễn ra trước đó gần một năm. Các chuyến thẩm tra của nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, của lực lượng an ninh từ Mỹ diễn ra ngày một tấp nập khi gần tới thời điểm APEC khai mạc. Các đoàn khảo sát của Mỹ quan tâm nhiều tới các quy trình đảm bảo an ninh của Sheraton. Công việc chuẩn bị cuối cùng trước khi đoàn Mỹ sang Việt Nam là lắp đặt chiếc radar trên nóc của khách sạn 5 sao này để thực hiện việc phòng thủ trên không.
Dù vậy, các biện pháp vĩ mô có được tính toán cẩn thận, chi tiết đến đâu thì các cận vệ ở ngay sát Tổng thống vẫn là yếu tố quyết định trong các tình huống cụ thể trên thực tế. Anh Nguyễn Tuấn Hưng, quản lý an ninh cao nhất tại khách sạn Sheraton, là người biết rõ nhất chân dung những người cận vệ này.
Các "vòng phòng thủ" được bố trí liên tiếp tại Sheraton. Tại mỗi cửa ra vào các tầng, cửa vào tòa nhà khách sạn, cửa chính, sau khách sạn hay hàng rào xung quanh đều được các lực lượng phân chia trấn giữ. Công an thành phố mà cụ thể là của quận Tây Hồ, phường Quảng An, cảnh sát đặc nhiệm, bộ tư lệnh cảnh vệ, nhân viên an ninh khách sạn và các vệ sĩ của Mỹ đều luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ.
Trong khách sạn Sheraton, ba nhân vật quan trọng nhất là Tổng thống Bush và phu nhân, Ngoại trưởng Rice. Tầng 18, nơi cao nhất của tòa nhà, được dành cho hai vợ chồng Tổng thống. Tầng 15 dành cho bà Rice và tầng 12 là phòng họp trong trường hợp khẩn cấp của đoàn Mỹ. Tại ba tầng này, công tác an ninh được giao phó hoàn toàn cho những vệ sĩ đó, kể cả tổng giám đốc và nhân viên an ninh của khách sạn cũng không được "xâm phạm".
Anh Hưng cho biết có khoảng 10 người là thân cận của ông Bush. Trong đó, một người mặc sắc phục đặc biệt phân biệt với những người còn lại và luôn mang theo chiếc vali bí ẩn. Người thân cận đặc biệt này luôn đi cạnh ông Bush như hình với bóng.
Còn lại gần 10 cận vệ khác không thường xuyên tháp tùng Tổng thống mà chia ca làm việc, để luôn trong trạng thái thể lực và tinh thần sung mãn nhất. Anh Hưng nói: "Trước đây, tôi tìm hiểu qua báo chí về các vệ sĩ này nhưng khi có cơ hội tiếp xúc với họ mới 'trăm nghe không bằng một thấy'. Không như hình dung về những người rất 'ngầu' và hung dữ, tôi cảm thấy họ ít nói và chỉ hay 'thank you' và 'sorry'. Họ có phong cách lạnh lùng của các vệ sĩ chuyên nghiệp nhưng không hung tợn và để lại ác cảm cho người tiếp xúc".
Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Australia John Howard tại khách sạn Sheraton. Ảnh: AP. |
Việc ra vào khách sạn Sheraton của Tổng thống Bush là theo đường tầng hầm. Theo anh Hưng, lực lượng an ninh Mỹ rất kỵ bị bắn tỉa từ xa, vì vậy, tầng hầm luôn được đặt trong tình trạng giám sát gắt gao nhất.
Mỗi khi Tổng thống chuẩn bị xuất phát, các vệ sĩ này sẽ phải đi trước kiểm tra đường ra vào tầng hầm rộng khoảng 2m của Sheraton. Sau khi ông Bush lên chiếc Cadillac One, các vệ sĩ cũng tháp tùng ông trên chiếc GMC đi ngay sau đó. Nhưng trong trường hợp cần thiết, nó có thể đi ngang hàng với xe của ông Bush. Đặc biệt, luôn có một người bước ra mở cửa cho Tổng thống mỗi khi xe tới điểm đến. Đó là nhiệm vụ không thể thay thế bởi bất kỳ ai khác.
Bằng cảm nhận của những người trong nghề, anh nói: "Họ có đôi mắt rất linh hoạt, luôn để ý khắp nơi và từng chi tiết nhỏ nhất. Những bước đi không bao giờ hết sải chân mà luôn nhẹ nhàng nhưng vững chãi và cực kỳ nhanh nhẹn. Ngoài ra, khi làm nhiệm vụ, các cận vệ này không bao giờ cài áo veste và để tay phần trên thắt lưng với bàn tay lấp ló sau vạt áo trước bụng. Có thể, họ luôn sẵn sàng chiến đấu với khẩu súng giấu trong người và sẽ tiêu diệt lập tức đối tượng khả nghi với khả năng bắn trúng đích đã được rèn luyện kỹ lưỡng".
Nhân viên mật vụ của Tổng thống Mỹ sử dụng súng ngắn Sig Sauer P229, được coi là "khẩu súng tốt nhất cần có trong một vụ đọ súng" và súng tiểu liên mini Uzi của Israel cùng tiểu liên MP5KA4. Họ thuộc biên chế của Sở mật vụ Mỹ (USSS) đã được Quốc hội Mỹ thông qua thành lập kể từ sau vụ ám sát tổng thống William McKinley năm 1901.
Để gia nhập USSS, các nhân viên này phải trung thành với nguyên tắc "sẵn sàng đỡ đạn cho Tổng thống". Sau đó, các nghiệp vụ và kỹ năng của một cận vệ Tổng thống Mỹ sẽ được đào tạo chu đáo tại USSS. Họ hưởng lương, được đãi ngộ trong mỗi lần tháp tùng Tổng thống sang nước ngoài. Nếu không may bị hy sinh khi làm nhiệm vụ, người thân của các cận vệ này sẽ được lĩnh tiền trợ cấp cao.
Trong lịch sử của USSS, đã có nhiều trường hợp cận vệ phải hy sinh vì lĩnh đạn cho Tổng thống Mỹ mà gần đây nhất là vào năm 1981. Lần đó, Tổng thống Reagan vừa đọc xong một bài diễn văn tại khách sạn Hilton, sắp lên xe ra về thì một kẻ lạ mặt rẽ đám đông xông tới nhằm bắn 6 phát. Nhân viên mật vụ McCarthy đã chắn đạn cho ông Ronald Reagan và bị thương nặng vì hành động dũng cảm này.
Ngược lại, các Tổng thống Mỹ cũng rất yêu quý người được coi là "tuyệt đối trung thành" với mình. Tháng 11/2004, tại hội nghị APEC ở Chile, khi thấy cận vệ của mình bị chặn lại, ông Bush đã trở ra và trước ống kính truyền hình, đưa tay lôi người cận vệ này vào.
N.Q.