Avatar là dự án tham vọng nhất trong sự nghiệp đạo diễn James Cameron. Ra mắt cách đây 13 năm, phim tạo nên cột mốc lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh, trở thành phim 3D đầu tiên trên thế giới, đồng thời là phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Bộ phim được đầu tư kinh phí 237 triệu USD.
Đạo diễn James Cameron cho biết hình ảnh người Na’vi lấy cảm hứng từ giấc mơ của mẹ ông về một phụ nữ da xanh lam, cao gần 4 m. 53 mô hình người Na’vi khác nhau cùng hàng trăm biến thể được tạo ra để phục vụ cho quá trình thực hiện kỹ xảo. Bên cạnh đó, nhà ngôn ngữ Paul Frommer mất gần 5 năm phát triển hệ ngôn ngữ riêng của tộc người này, với hơn 1.000 từ.
Avatar có tổng cộng 1.852 cảnh, trong đó 1.818 cảnh được dựng hoàn toàn bằng kỹ xảo. Đặc biệt, nhiều đại cảnh chứa hơn 1.000 chi tiết, chưa bao gồm nhân vật. Gần 900 nhân viên đồ họa và kỹ thuật hàng đầu thế giới đã phải làm việc cùng nhau liên tục hàng tháng trời để mang đến hành tinh Pandora đặc sắc và kỳ vĩ.
Cảm hứng lớn nhất để James Cameron tạo nên Pandora đến từ công viên quốc gia Trương Gia Giới tại Trung Quốc, với những ngọn núi lơ lửng giữa mây. Nhằm mang lại tính chân thực cho phim, đạo diễn cùng đội ngũ sáng tạo đã thiết kế và lắp đặt các mô hình động, thực vật trong một phim trường lớn khoảng 4.600 m2. Ước tính 90 hình thái môi trường khác nhau và 1.500 mô hình lớn nhỏ đã được tạo ra để kiến tạo nên hành tinh Pandora. Ở giai đoạn hậu kỳ, các kỹ thuật viên sẽ kết hợp kỹ xảo CGI với các cảnh quay mô hình thật để mang tới hình ảnh hoàn chỉnh nhất.
Theo lời James Cameron, cảm hứng hình thành nên phim Avatar xuất phát từ những ngày ông còn là một cậu bé thích khám phá thiên nhiên ở vùng ngoại ô Canada. Ông luôn phác thảo hình ảnh của các loài động, thực vật và cả tưởng tượng của ông về người ngoài hành tinh. Từ đó, ông ấp ủ thực hiện một bộ phim về môi trường sống và từng ngày nuôi dưỡng ý tưởng này.
Nhà sản xuất Jon Landau tiết lộ ông đã nhận được kịch bản Avatar từ James vào năm 1995 – giai đoạn tiền kỳ của bộ phim Titanic. Tuy nhiên, sự hạn chế về máy móc và công nghệ lúc bấy giờ không đáp ứng được tham vọng to lớn của James Cameron, dự án đành gác lại.
Chỉ khi James chứng kiến đạo diễn Peter Jackson có thể tạo nên nhân vật Gollum trong loạt phim Lord of the Rings bằng công nghệ motion capture (ghi hình chuyển động) và cánh rừng bạt ngàn bằng CGI trong King Kong, ông khẳng định đã đến lúc Avatar trở nên khả thi.
Avatar là bộ phim thực hiện dài và phức tạp nhất trong sự nghiệp của James Cameron, hơn cả Titanic và đặc biệt là The Terminator – bộ phim đã góp phần đưa CGI lên một tầm cao mới. Công nghệ vị đạo diễn sử dụng trong Avatar được kết hợp từ nhiều kỹ thuật, phương pháp phức tạp và mới mẻ. Êkíp của ông không có bất kỳ chỉ dẫn nào để làm nên một bộ phim như thế này.
Khác với phương pháp motion capture Peter Jackson từng sử dụng, James Cameron đặt thêm một máy quay trước mặt các diễn viên, nhằm thu được những cử động, biểu cảm nhỏ nhất trên khuôn mặt. Điều này cũng thách thức các diễn viên phải đeo thêm một chiếc băng đầu siết chặt để cố định vị trí của camera. Cách làm này mang lại sự chân thực và sinh động cho hình ảnh người Na’vi trên màn ảnh.
Theo đơn vị thực hiện hậu kỳ của Avatar, dù vẫn phải sử dụng những hiệu ứng hoạt hình đặc biệt để mô phỏng lại dáng bộ của diễn viên, màn trình diễn của họ không bị che lấp hay chỉnh sửa. Với James Cameron, ưu tiên hàng đầu là giữ lại lối diễn xuất và cảm xúc của dàn sao. Ông chọn cách kết hợp giữa hình ảnh hoạt hình và mô phỏng người thật, giúp khán giả cảm nhận được sự chân thực của các nhân vật trong môi trường giả tưởng.
Trước nhiều thắc mắc của công chúng rằng với khối lượng kỹ xảo đồ sộ, liệu Avatar có trở thành một bộ phim hoạt hình không, James Cameron cho rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Với đạo diễn, không gì có thể thay thế các mô hình được làm thật cùng chuyển động cơ thể và cảm xúc của các diễn viên. Đó chính là lý do nhà làm phim chọn cách kết hợp giữa diễn viên thật và kỹ xảo, thay vì thực hiện hoàn toàn bằng máy tính. Từng phân đoạn phim được trang bị hệ thống máy quay và ống kính phù hợp.
Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra mắt Avatar, James Cameron lần đầu chia sẻ lý do vì sao ông quyết tâm thực hiện phim dưới định dạng 3D: "Đó là cách xem phim tự nhiên nhất. Chúng ta nhìn thế giới này bằng hệ thống lập thể. Khi chiêm ngưỡng một điều gì đó bằng hình ảnh nổi, các vùng trong não bộ sẽ khiến chúng ta cảm giác đang thực sự ở đó. Chúng tôi muốn khán giả có một hành trình thực sự vào Pandora, có thể cảm nhận và ngửi được chúng. Và công nghệ 3D giúp chúng tôi làm được điều này. Mọi người khi đến rạp chiếu phim đều mong muốn sẽ có một trải nghiệm toàn diện, không phải 90%, phải là 100%".
Sau 13 năm nhìn lại, James Cameron nhận định Avatar là một trải nghiệm tuyệt vời. Điều khiến James tự hào nhất là ông đã sở hữu một êkíp tuyệt vời với những người đã cùng tạo nên những điều phi thường và ông rất biết ơn cơ hội được làm việc cùng họ. Đó cũng chính là lý do vì sao James Cameron luôn muốn tiếp tục thực hiện Avatar.
Avatar mở đầu bằng kế hoạch khám phá tộc người Na'vi và hành tinh Pandora của người Trái đất. Phục vụ mục đích này, các nhà khoa học tạo ra phiên bản người Na'vi cho các tình nguyện viên. Khi bản thể gốc người Trái đất chìm vào giấc ngủ, bản thể phụ Na'vi của họ sẽ thức dậy, hòa nhập vào cộng đồng người ở đây để tìm hiểu về văn hóa của họ.
Là một trong những tình nguyện viên như vậy, Jake (Sam Worthington) mới đầu phục tùng mệnh mệnh nhưng về sau, anh dần nhận ra sự gắn bó với tộc người Na'vi và phải lòng Neytiri, con gái của tộc trưởng. Cùng lúc, anh phát hiện những ý đồ xấu đối với hành tinh Pandora của tổ chức mình phục vụ. Jake quyết định rời bỏ tổ chức, cùng người Na'vi bảo vệ quê hương của họ.
Sau 13 năm oanh tạc phòng vé quốc tế, Avatar tái ngộ khán giả với phần 1, "dọn đường" cho phần 2 ra rạp toàn cầu tháng 12. Phần phim này sẽ có sự góp mặt của minh tinh Kate Winslet. Phim hiện sản xuất phần 3 và 4.
Đỗ Hoàng (Theo Collider, EW, CinemaBlend, WebNeel)