Là nữ tuyển thủ điền kinh duy nhất đang tập huấn dài hạn tại Mỹ, nhà Á quân Asiad 2014 đến từ xứ Mường Thanh Hóa Quách Thị Lan đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, thuốc men và nhất là những phương pháp chuyên môn hoàn toàn khác biệt so với điều kiện tại Việt Nam.
Cụ thể tại Mỹ, Lan được dẫn dắt bởi cả một êkíp gồm 5 chuyên gia đẳng cấp quốc tế, mỗi người phụ trách một mảng, tạo nên một quy trình đào tạo toàn diện, chuyên biệt và khép kín. Trong đó lần đầu tiên, tài năng 20 tuổi được trải nghiệm và thử thách bởi những bài tập khiến cô thực sự sốc.
Ví như bài tập chạy dưới nước trên một đường chạy đặc thù trong phòng tập, khi Lan phải ra sức chạy về phía trước, trong dòng nước với khối lượng, cường độ tăng dần đều được tạo ra từ máy. Hay bài tập rèn sức rướn, trực tiếp ở chân, phần cơ vai, cơ bụng hay cơ hông khi cô phải cố gắng chạy đua với các sợi dây chuyên biệt liên tiếp được máy đẩy về phía mình. Rồi những bài tập chạy xuất phát, đánh đích, chạy 20m, 50m, 100m, 200m và 300m.
Trước, giữa và sau mỗi buổi tập, Lan đều được kiểm tra khả năng và khối lượng vận động thực tế bằng các que thử acid lactic. Qua đó, các chuyên gia sẽ có thể đo chính xác về sự thay đổi chất nhằm đánh giá được hiệu quả từng buổi tập và kịp thời đưa ra điều chỉnh cần thiết. Những chiếc que này chỉ có giá khoảng vài trăm nghìn đồng song vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam vì nhiều lý do.
Các chuyên gia đang đặt ra cho Lan một lộ trình dài hạn, với điểm rơi chỉ có thể có sau ít nhất một năm. Kế hoạch dài hơi là nguyên nhân chân chạy Thanh Hóa không thành công tại SEA Games 28 khi vừa mới sang Mỹ rèn giũa được 4 tháng. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác hẳn với SEA Games 2017 hay Asiad 2018. Các chuyên gia cam kết khi đó Lan hoàn toàn vô đối tại SEA Games và đủ sức tranh chấp HC vàng Asiad. Mục tiêu lớn được minh chứng ở Á vận hội 2014 khi Lan đoạt HC bạc với thông số vượt nhà vô địch của kỳ Đại hội trước đúng như dự kiến của các chuyên gia. Cô chỉ mất HC vàng vào tay một đối thủ châu Phi nhập tịch của Bahrain.
Mới đây, cùng với người anh trai Quách Công Lịch cũng đang luyện trên đất Mỹ, Quách Thị Lan không về nước tham dự giải quốc gia nhằm đảm bảo tuyệt đối cho quy trình đào tạo chuyên biệt. Chuyện tập luyện tại Mỹ của Lan còn được đánh giá “ngon lành” hơn cả Ánh Viên bởi chân chạy xứ Mường gần như không bị cuốn vào những giải đấu đủ loại liên tiếp như kình ngư quê Cần Thơ.
Thư Minh