Trong lá đơn gửi các cơ quan báo chí, chị và cháu của anh Hiếu vô cùng bức xúc viết:
... Vào ngày 13/10, cậu tôi tên Vũ Lâm Khắc Hiếu, sinh năm 1957 mắc bệnh tâm thần, hiện tạm trú tại quận 10 TP HCM, đang đi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ ngã 6 Dân Chủ đến trước trụ sở Công An quận 3 thì có người đến mời cậu tôi một điếu thuốc và rủ cậu tôi đi chơi. Sau đó, người này đã dẫn cậu tôi đến bệnh viện để triệt sản. Vào lúc 18h cùng ngày, người nọ chở cậu tôi về, trong người có mang theo một bịch thuốc gồm Doxycylin, VitaminC, B1 và một tờ giấy ghi toa thuốc của bệnh viện.
Gia đình chúng tôi rất đau buồn, phẫn uất cho việc lừa gạt trên của một số kẻ xấu, đã lợi dụng chính sách của Nhà nước, đặc biệt đối với người mắc bệnh tâm thần như cậu tôi...
Hình như ở những người mắc bệnh tâm thần luôn có dáng vẻ gì đó rất dễ nhận biết. Mới thoạt nhìn anh Hiếu đã thấy nụ cười ngơ ngơ ngẩn ngẩn, các cơ miệng chuyển động liên tục và nước miếng cứ trào ra hai bên khoé mép.
Để có thể tìm lại nơi mà anh Hiếu đã bị triệt sản, người cháu của anh chở anh, nói là đi chơi. Anh vui vẻ diện nguyên xi cái quần đùi ngồi lên xe người cháu. Cháu của anh Hiếu hỏi: "Bộ cậu không nhớ người đó thế nào à?". Anh Hiếu lắc đầu, quẹt quẹt mũi rồi đưa tay chỉ: "Đi theo con đường này này".
Đi được một quãng đường khá xa, anh chợt kêu lên: "Quẹo trái, quẹo trái". Đến cửa một Trung tâm Y tế, anh Hiếu nói "hình như ở đây nè". Sau đó, anh Hiếu nhìn xung quanh rồi nói vẩn vơ: "Hôm ấy tôi được dẫn lên lầu một, gặp mấy người phụ nữ..."
Tại nơi mà anh Hiếu cho rằng mình đã bị triệt sản, bên ngoài phòng khám lác đác vài người đàn bà trạc tuổi 40, da ngăm đen, đang xì xầm trò chuyện. Hình như họ đang chờ đợi gì đó, thỉnh thoảng họ lại đưa mắt về phía khu phẫu thuật.
Một người đàn ông, quần áo thủng lỗ chỗ, đầu trọc, chân thấp chân cao bước ra từ phòng tiểu phẫu. Lập tức, một người phụ nữ trong bọn đứng lên, chạy lại phía người đàn ông, rồi dìu ông ngồi xuống.
Người đàn bà bảo: "Đợi một chút, ký xong giấy là lãnh tiền về". Ông ta gật đầu yên lặng. Một xấp giấy được một bác sĩ tên Lý đưa ra từ phòng khám. Người đàn bà nọ nhanh nhảu đón lấy, ký nhoay nhoáy vào rồi đưa cho người đàn ông, chỉ chỗ phải ký vào. Ông ta vẫn yên lặng cầm bút.
Xong việc, người đàn bà đi trước, người đàn ông nọ theo sau. Ra đến cầu thang, nhanh chóng, bà ta dúi vào tay ông mấy tờ bạc (khoảng 130.000 đồng).
Thêm một người đàn ông nữa đứng đợi dưới chân cầu thang, dáng cao to, bặm trợn. "Xong chưa. Xong hết rồi hả? Lấy tiền chưa? Rồi, để tôi chở đi uống bia, ăn bò lá lốt", người đàn ông ấy nói và họ chở nhau đi...
Người đàn bà quay lại. Lập tức, giữa họ nổ ra một trận cãi vã về số tiền vừa đưa cho người đàn ông nghèo nọ quá nhiều. Họ chỉ chịu tạm ngưng khi một người đàn ông khác, vẫn dáng vẻ nghèo khổ bước ra từ khu tiểu phẫu, khuôn mặt nhăn nhó. Lại người đàn bà nọ nhận hồ sơ, ký nhoay nhoáy và lại đưa tiền. Lần này chỉ có 80.000 đồng.
Những cảnh ấy cứ diễn ra liên tục, trong khoảng hai giờ đồng hồ, có khoảng 5 người "khách".
Thực ra, những người đàn bà kia đang đóng vai cho các bà vợ vắng mặt của những người đàn ông đi triệt sản ấy để ký thay. Nhưng tại sao họ còn phải đưa tiền cho những người đàn ông ấy?
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, một bộ hồ sơ của người tự nguyện đình sản sẽ có ba liên: Hoá đơn xanh được bệnh viện giữ lại, hoá đơn trắng và vàng giao cho người đình sản. Người đi triệt sản cầm hai hoá đơn này mang về phòng, hoặc ban Kế hoạch hoá gia đình ở địa phương để lãnh một số tiền. Số tiền ấy bù đắp trong thời gian tạm nghỉ việc để dưỡng thương.
Chẳng biết bằng cách nào, những người đàn bà kia giữ lại giấy tờ và nhận được số tiền (đúng ra là người tự nguyện đình sản được hưởng), chia một phần nhỏ cho người sau và tiếp tục dụ dỗ người khác triệt sản để hưởng lợi. Số tiền thực mà chúng được hưởng chênh lệch rất nhiều. Với những trường hợp như anh Hiếu, dĩ nhiên, bọn chúng "ẵm" trọn.
(Theo Tiếp Thị và Gia Đình)