Đội tuyển bóng chuyền tạm giải tán để các VĐV trở về thi đấu cho CLB tại giải quốc gia, riêng Hữu Hà cũng tạm thất nghiệp, phải làm khán giả bất đắc dĩ. Anh thanh lý hợp đồng với đội bóng cũ Đức Long Gia Lai nhưng không được phép khoác áo bất cứ đội nào khác, kể cả cho Biên Phòng - đội muốn trải thảm đỏ đón anh về.
Nghịch cảnh của Hữu Hà xuất phát từ những khúc mắc phức tạp, bi hài lên tới đỉnh điểm với Đức Long Gia Lai. Chủ công 34 tuổi quê Thái Bình muốn ra đi song đã bị “trói” chặt bằng bản hợp đồng với một điều khoản kỳ lạ. Theo đó, anh sẽ tự nguyện giải nghệ, không thi đấu cho đội bóng trong và ngoài nước một khi chia tay Đức Long Gia Lai. Các luật sư chỉ ra sự trái pháp luật của bản hợp đồng, song rắc rối ở chỗ Hữu Hà đã ký vào, kèm theo một cam kết cũng được đưa thẳng vào chính điều khoản kỳ lạ kể trên là “không khiếu nại”.
Trước đó, hai bên cũng vài lần thương thảo, song rơi vào bế tắc vì không thống nhất được về cách thức và mức phí đền bù mà Hữu Hà trả cho Đức Long Gia Lai. Căng thẳng lên tới mức chủ công hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam từng tuyên bố giải nghệ. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm “trung gian hòa giải” nhưng do hai bên không chịu ngồi lại và chưa có đơn khiếu nại giải quyết, nên Liên đoàn vẫn đứng ngoài. Theo quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền, phải sau một năm, Liên đoàn mới vào cuộc để giải quyết việc đi - ở theo diện VĐV tự do.
Rốt cuộc, suốt từ đầu năm, ngoài việc tập chay, Hữu Hà chỉ được thi đấu cọ xát bằng vài trận đấu mang tính “phủi” ở các giải hội làng. Còn hiện tại, trụ cột của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 28 vào tháng 6 tới đang đau khổ theo dõi các đồng đội tung hoàng trên sân bóng tại giải quốc gia.
Lần thứ hai trong sự nghiệp, đội trưởng tuyển Việt Nam bị “treo tay”. Hồi 2009, anh cũng từng mất cả năm ngồi ngoài liên quan đến chuyện đi ở ẫm ĩ. Sự bế tắc của Hà chỉ chấm dứt khi Đức Long Gia Lai trả hơn một tỷ đồng đền bù cho Tràng An Ninh Bình.
Việc một tuyển thủ không được tham gia tranh tài tại giải quốc gia là thiệt thòi lớn cho chính Hữu Hà, cũng như cả đội tuyển, nhất là khi SEA Games 28 đã cận kề. Cũng còn may cho Hà, các nhà quản lý môn này vẫn tin tưởng và đặc cách triệu tập chủ công này vào tuyển Việt Nam. Còn nếu như nhiều môn khác lấy giải quốc gia làm căn cứ tuyển chọn chính, hay từ ý kiến của đội bóng chủ quản, có lẽ Hà đã mất luôn SEA Games.
Thanh Thương