Gia đình Phạm Thu Hà. |
"Khi tra còng số 8 vào tay họ, thấy cảnh mẹ già 80 tuổi và những đứa con thơ dại nhếch nhác co ro nhìn theo, chúng tôi cảm thấy rất đau xót", một lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17) Công an Quảng Nam thổ lộ.
Trong 5 vụ án ma túy (MT), điển hình mà PC17 Quảng Nam đã khám phá, thì vụ cả nhà cùng phạm tội ở Bình Lâm (Hiệp Đức) là điển hình nhất. Phạm Thị Thu Hà (25 tuổi) và cha ruột, ông Phạm Phước (47 tuổi), đã khởi đầu cho bi kịch gia đình ấy vào ngày 11/3/2003, khi các trinh sát của Phòng PC17 bắt quả tang họ đang bán MT tại nhà riêng.
Hà có chồng nhưng hạnh phúc đổ vỡ nên bỏ về nhà cha mẹ học nghề uốn tóc. Tháng 3/2002, Hà lên Khâm Đức (Phước Sơn) làm nghề uốn tóc và bị các đầu nậu ma túy lôi kéo. Thế là thị về quê, mang theo "hàng", lại cám cảnh cha già cứ rượu chè bê tha bèn rủ rê chính cha mình tham gia buôn bán kiếm tiền uống rượu.
Các thành viên tham gia đều được phân công cụ thể từng việc, ông Phước bán lẻ tại nhà, Hà bán ở nhà bà nội cách đó 4 km để tiện nghe ngóng động tĩnh. Trót lọt 3 tháng nhưng cuối cùng cũng không thể thoát.
Tòa án đã tuyên phạt Hà 10 năm tù, ông Phước 8 năm. Phạm Thị Hân, em ruột Hà, khi ấy chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được miễn truy cứu về hành vi cảnh giới...
Nhưng chuyện của gia đình này chưa kết thúc ở đó. Khi Phạm Tấn Hội (22 tuổi), con thứ 3 trong gia đình, làm thuê tại TP HCM trở về thì sóng gió lại tiếp tục nổi lên. Từ các đầu mối cũ của chị gái, Hội bắt đầu sa chân vào tội lỗi.
Trớ trêu thay, lần này đến lượt Hội lôi kéo cả... mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Thu vào các phi vụ mua bán MT. Ngày 14/12/2004, chưa đầy 2 năm sau khi cha và chị gái bị bắt, đến lượt Hội và mẹ phải tra tay vào còng.
Trong một chuyên án MT khác đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở Quảng Nam, bởi số lượng heroin được phát hiện nhiều nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, thì các bị can cũng đều là... người một nhà.
Trần Thị Nụ (56 tuổi), cầm đầu đường dây này tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), bị bắt ngày 28/1, cùng với 6 đồng phạm đang bị tạm giam và khoảng 18 đối tượng liên quan khác.
Nhưng ngày 27/4, một lá đơn do con của Trần Thị Nụ, 20 tuổi, viết gửi đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh để kêu gọi xem xét giảm nhẹ. Lá đơn viết rất xúc động, dẫn rất chính xác rằng "mẹ tôi vì miếng cơm manh áo nên sai phạm, mua bán trái phép MT, phạm Điều 194 Bộ luật Hình sự"; rằng hoàn cảnh bây giờ khó khăn (mẹ bị cha đối xử tàn tệ, nuôi bà nội hơn 80 tuổi)... và kể lể công trạng trước đây của gia đình.
Đứa con này tỏ ra thông hiểu mẹ mình khi lý giải "chắc chắn ông bà ngoại mất sớm, không có người nuôi dưỡng nên mẹ không được học hành tử tế, không hiểu biết pháp luật. Tôi là con lớn trong gia đình, vô cùng đau xót, hoang mang. Nếu mẹ tôi có mệnh hệ gì, anh em chúng tôi không biết nương tựa vào đâu để trưởng thành".
Theo Thanh Niên, mọi chuyện nếu dừng lại ở đó, nhiều người tin sẽ có một kết thúc tương đối "có hậu" vì nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đùng một cái, khi lá đơn kia chưa kịp "cứu xét" thì đầu tháng 6, chính đứa con đã viết đơn đó bị công an huyện Phước Sơn bắt quả tang đang bán MT, mà cũng là đối tượng có đường dây lớn nhất Quảng Nam từ trước đến nay.
Càng nghịch lý khi bên dưới lá đơn cứu xét kia là xác nhận của chính quyền địa phương, rằng "hiện nay gia đình em quá khó khăn, kính mong quý cấp quan tâm giúp đỡ" (ký ngày 27/4) trong khi lúc bị bắt, cơ quan chức năng còn thu giữ trong người quý tử này số tiền mặt gần 17 triệu đồng.
Giống như "gia đình MT" Phước - Hà - Hội - Thu, cả hai mẹ con nhà Trần Thị Nụ sẽ bị pháp luật trừng trị vì hành vi gieo rắc cái chết trắng. Nhưng câu hỏi lớn về một nền tảng gia đình, một sự thức tỉnh... rất cần được trả lời sớm và xác đáng để bi kịch tương tự không tái diễn.
(Tên các nhân vật đã được thay đổi)