Rời Kon Tum mạn Tây Trường Sơn để chinh phục đèo Lò Xo sang Đông Trường Sơn, quả tình tôi chưa được thấy ngọn đèo nào hùng vĩ và “khủng khiếp” như thế. Cơn mưa rừng như trút nước làm tôi ớn lạnh khi nghĩ về chuyện xảy ra cách đây không lâu (lúc đường Hồ Chí Minh chưa làm): ba cha con đi rừng ở đoạn qua con đèo này, bị cọp vồ mất một. Hơn hai giờ đồng hồ vật lộn trên tay lái, có đoạn mưa rừng mù mịt, lạnh cóng và mệt lả, vượt ít nhất... 100 khúc cua “cùi chỏ”, qua “thị trấn vàng” Khâm Đức của huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), thêm 60 km đường toàn rừng núi nữa, từ phía xa đã thấy xuất hiện mái nhà rông. Vậy là đến huyện Nam Giang (còn gọi là huyện Giằng, tỉnh Quảng Nam), đến làng Rô của đồng bào Cơ Tu rồi. Nơi đây, vào một đêm mùa khô thập niên 60 thế kỷ trước, người dân bỗng nghe tiếng máy bay rất lạ. Nó không vùn vụt gầm rú như mọi khi mà chỉ chầm chậm ầm ì trên đầu. Chập sau là mùi hăng hắc nồng nặc, ai nấy chảy nước mắt, máu mũi. Sáng hôm sau, một lớp bụi màu cam phủ dày tán lá, dân làng Rô vừa khóc vừa báo: “Bộ đội ơi, gà chết cả rồi... trâu không đứng được nữa, mồm nó sưng to... Con nít mới đẻ cũng chết, người lớn đau cái đầu quá”. Làng Rô khi xưa đớn đau là thế. Làng Rô thuộc xã Cà Dy, huyện Nam Giang, cách biên giới Việt - Lào 75 km, hay có tên gọi quen thuộc khác trong kháng chiến: huyện Giằng (gọi theo tên con sông chảy dài mấy chục cây số dọc theo Đông Trường Sơn). Con số nạn nhân nhiễm chất độc da cam (CĐDC) thống kê được của huyện Giằng là 270, trong đó có 1 người Kinh, còn lại là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng,Ve. Alăng Thị Diệp đang ngồi trước cửa căn nhà vách nứa ven đường 14D (sang Lào). Tay phải của chị đang cào cào mớ lúa phơi trước cửa, thỉnh thoảng lại lấy bả vai co lên lau mồ hôi trên gương mặt xinh đẹp. Thấy tôi đưa máy ảnh lên chụp, chị nhất định chạy vào trong thay bộ quần áo mới.
Người con gái Trường Sơn này sẽ là xinh đẹp hoàn hảo nếu như tay trái của chị không bị liệt do CĐDC. Ama (cha) của chị là đồng chí Alăng Dùm, amế (mẹ) là bà Pơloong Púl, cả hai người đều tham gia cách mạng trong thời kỳ “chiến tranh đặc biệt” chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Bom, đạn, phi pháo, rốckét, đại liên 20 ly... mà Mỹ - ngụy dội vào nơi được cho là “cánh cửa thép” của Đà Nẵng ở Trường Sơn vẫn không thể hạ được du kích, bộ đội Giằng. Nhưng chất khai quang thì tàn phá cơ thể con cái họ. Diệp đạp chân lên bó lúa cho tôi xem, những hạt lúa rẫy (chỉ 2 tạ/sào/năm) rơi ra được cô tỉ mẩn gom lại bằng cánh tay phải, dùng chính tay ấy hốt từng hạt cho vô gùi, đem phơi. 30 năm nay, Diệp sống thui thủi với bà Pơloong Púl, cô không lấy chồng vì mặc cảm, vì thương amế già yếu. Ở đây, biết bao nhiêu đồng bào đã chết lần chết mòn trước khi ta phát hiện ra họ bị nhiễm CĐDC. Không chỉ riêng Giằng, mà cả Hiên, cả Đại Lộc...cả tỉnh Quảng Nam đớn đau bởi chất độc. Theo Sài Gòn Giải Phóng, nồng độ dioxin ở các địa phương thuộc Nam và Trung bộ cho đến nay vẫn cao hơn nồng độ ở miền Bắc đến 6 lần và suốt từ năm 1982-1992, hàm lượng dioxin trong máu cư dân miền Trung vẫn không giảm. Như trường hợp của Đinh Ngọc Chung (dân tộc Giẻ Triêng, thôn Dung, Thạnh Mỹ) có cha là Đinh Văn Ớt và mẹ là Hiền Kim Như bị nhiễm CĐDC từ những ngày tham gia Huyện ủy Giằng. Chung bị bại não do di chứng da cam/dioxin và không đi được, chỉ bò, vịn, lết 23 năm nay. Trong máu của anh Ớt, lượng dioxin rất cao, bởi anh đã hứng chịu “mưa da cam” liên tục trong gần 10 năm. Trong một lá thư gửi cho Thượng nghị sĩ Tom Daschle ngày 9/9/1998, tiến sĩ James R. Clary thuộc cơ quan nghiên cứu vũ khí hóa học (Chemical Weapons Branch) Trung tâm Phát triển vũ trang không quân Mỹ, viết: “Lúc khởi xướng chương trình khai quang vào thập niên 1960, chúng tôi biết tiềm năng độc hại của dioxin chứa trong thuốc diệt cỏ... Chúng tôi còn biết công thức mà giới quân sự dùng có nồng độ cao hơn giới dân sự vì chi phí rẻ và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì hóa chất được dùng trên “kẻ thù” nên chúng tôi không quan tâm thái quá”. Vậy là đã rõ, “kẻ thù” của Chính phủ Kennedy trước đây lại là những em bé vô tội, các cô thiếu nữ tràn đầy sức sống như ở Trường Sơn này. Họ phải chịu một cuộc đời tàn phế u tịch, nơi rừng thẳm... |