![]() |
Xin chữ ký của ca sĩ là bày tỏ sự yêu thích, nhưng có khán giả xin hình và chữ ký để kinh doanh. |
Trong khi bầu sô các chương trình lớn luôn phải âu lo vì giá cả cát-xê cho các ngôi sao ngày một tăng, kiếm nhà tài trợ ngày một khó, giá vé theo đó không ngừng leo thang thì các tụ điểm ca nhạc ngoài trời, các đại nhạc hội bình dân có vẻ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều với khung giá vé 10.000-20.000 đồng.
Ca sĩ hát ở những tụ điểm như thế này, thường chỉ chọn những bài đã ăn khách của mình, ít ai can đảm hát ca khúc mới. Đơn giản chỉ vì khán giả những nơi này vốn chỉ thích nghe những bài đã quen, đã ăn khách. Và đừng mong họ biểu thị thái độ tế nhị bằng tiếng vỗ tay: Thích thì đòi bis, nữa đi, không thì... hát dở quá, xuống đi.
Có thể xem các tụ điểm ca nhạc như thế này là cái hàn thử biểu đo gu ca nhạc của đại bộ phận công chúng. Bài hát nào đang thịnh hành trên thị trường, ca khúc nhạc ngoại nào được ưa chuộng đều được các ca sĩ đáp ứng rất thời sự. Đây là đất sống của những ngôi sao dòng nhạc thị trường bình dân. Họ là những cái tên chưa bao giờ xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật lớn, nhưng lại không thể thiếu trong các tụ điểm ca nhạc bình dân, các đại nhạc hội, hội chợ như Ngọc Sơn, Lý Hải, Châu Gia Kiệt, Lâm Chí Khanh, Ưng Hoàng Phúc...
Đây còn là nơi các ca sĩ trẻ không tên tuổi miệt mài ngồi ghế hát lót chờ vận may, là nơi của không ít giọng ca qua thời vớt vát chút hương cuối mùa! Không biết có phải vì đã qua thời rồi nên nhiều người chẳng buồn đầu tư gì thêm, hay vì muốn kéo lại chút vàng son thuở xưa nên họ chỉ toàn "trả bài" là những ca khúc cũ từ những thập niên trước.
Mỗi ngày cuối tuần, PV Thời Trang Trẻ đến xem chương trình đại nhạc hội ở một rạp hát ở quận 5, TP HCM. Chễm chệ những hàng ghế đầu là một nhóm khán giả, diện đồ bộ với đầy đủ những cóc, ổi, mía ghim... Buổi xem ca nhạc trở thành buổi... xem mặt ca sĩ và say sưa "bình loạn": nào là nhỏ kia bơm mặt, tay này sửa mũi... Không biết các ca sĩ đang hát trên sân khấu mà nghe được thì họ còn đủ can đảm và tự tin mà biểu diễn nữa không?!
Ở Sân khấu Trống Đồng, khu vực hàng trên cùng, hơi xa sân khấu là nơi dành riêng cho các cặp tình nhân. Đôi lứa có thể vừa yêu nhau vừa xem ca nhạc. Hình ảnh này còn quen thuộc hơn đối với các tụ điểm ca nhạc công viên.
Khán giả ở các tụ điểm thường rất nhiệt tình, thậm chí có lúc đến mức thái quá nên các ca sĩ phải rút gọn đến độ ngắn nhất thời gian xuất hiện trước công chúng, ngoại trừ lúc biểu diễn trên sân khấu. Bởi ở những tụ điểm này, khán giả có thể lên tặng hoa hay bất cứ thứ gì muốn tặng cho ca sĩ, thậm chí còn lôi giấy bút ra bắt ca sĩ ký tại chỗ, đòi ôm hôn hay chụp ảnh chung... Đó là chưa kể tình trạng chung của các đại nhạc hội lưu diễn là khán giả thoải mái bày tỏ sự yêu thích, niềm phấn khích với những trò sàm sỡ, hoặc tranh thủ nhón một món đồ của ca sĩ mà khổ chủ đôi lúc trở tay không kịp.
Cổng vào biểu diễn của ca sĩ ở tụ điểm 126, luôn có một lực lượng khá đông đảo khán giả nhiệt tình chờ đợi xin hình có chữ ký của ca sĩ. Có rất nhiều người trong số họ xin hình chủ yếu để đem... bán lại cho giới học sinh, sinh viên với giá 2.000 đồng/tấm. Hình ngôi sao nào hot, đẹp và là của hiếm vì có chữ ký thì có thể lên đến 5-10.000 đồng/tấm.
Ca sĩ Lý Hải kể, có lần, anh chứng kiến cảnh ẩu đã nhau giữa đám khán giả xin hình vì trong số những người ấy có kẻ dám bán phá giá hình nghệ sĩ, chỉ 1.000 đồng thay vì 2.000 đồng/tấm.
Có hàng chục chuyện bi hài như thế khi đến với các tụ điểm ca nhạc bình dân. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở những nơi mà khán giả đến không hẳn vì thưởng thức nghệ thuật, mà có khi đơn thuần là để giải trí sau một ngày lao động.