Muốn biết kiến thức của sinh viên hôm nay như thế nào, xem “Rung chuông vàng”, một chương trình giải trí nhưng thực chất là một sân đấu về tri thức dành cho sinh viên.
Ở đây quy tụ sinh viên của hầu hết các trường đại học trong cả nước. Và để tham dự phải là 100 sinh viên xuất sắc nhất của trường. Thế mà câu trả lời của sinh viên nhiều khi lại mâu thuẫn với tố chất “xuất sắc” mà họ được chọn, dù câu hỏi chỉ là kiến thức phổ thông.
Vua Hùng, Trần Quốc Toản là ai?
Một lần, “Rung chuông vàng” đưa ra câu hỏi: “Quốc hiệu đầu tiên của nước ta thời các Vua Hùng là gì?”. Cả 100 sinh viên tham dự không trả lời được, mặc dù đáp án là kiến thức lịch sử cơ bản và phổ thông (Văn Lang). Trớ trêu hơn trả lời sai câu hỏi đó lại đúng là sinh viên ĐH Văn Lang tham dự.
Lần khác, có câu hỏi đại ý đâu là nơi đã đọc bài thơ "Nam Quốc sơn hà"? Có sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng thay vì trả lời sông Như Nguyệt đã đưa ra đáp án sông Nhật Lệ (Quảng Bình).
Tuy nhiên, đáng giật mình hơn cả, trước câu hỏi Hùng Vương là ai? 30% số sinh viên được khảo sát trong một cuộc điều tra của Hội nghị Khoa học tổ chức tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã không trả lời được. Còn với câu Trần Quốc Toản là ai? 49% sinh viên đã ngơ ngác khi nghe câu hỏi.
Cùng với lịch sử thì văn học cũng là lĩnh vực sinh viên hổng kiến thức đến khủng khiếp. Trong đêm ghi hình vào tháng 3, “Rung chuông vàng” “đố” sinh viên điền vào vế sau của câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen...”. Tưởng rằng, sau thách đố ấy, 100% sinh viên tham dự sẽ không ai phải rút khỏi cuộc chơi do bị loại.
Vậy mà 14 sinh viên đã “knock-out” vì điền sai. Người thì điền: “Việt Nam đẹp nhất mang tên Bác Hồ” vào chỗ trống, người thì sáng tác “Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ” vào vế sau của câu thơ trong khi đáp án đúng là: “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
“Lọt sàng xuống nia” là câu tục ngữ dường như hiếm người không biết ngay cả học sinh phổ thông, những người so với sinh viên thua xa về kiến thức. Nhưng 22 sinh viên đã thất bại khi đưa ra đáp án: “Thóc rơi”, “mắc nong”... cho vế trống.
Kiến thức phổ thông không nhớ đã là điều khó chấp nhận. Với kiến thức đang học hằng ngày, hằng giờ trên lớp không nhớ càng khó chấp nhận hơn. Ba sinh viên trụ được lâu nhất trong “Rung chuông vàng” được tổ chức ở ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội dù “trúng tủ” câu hỏi đúng chuyên ngành: “Tên viết tắt của quy chế về Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn mà Mỹ trao cho Việt Nam cuối năm 2006”, vậy mà không thể viết tắt cụm từ đó bằng chữ PNTR.
Hay sinh viên được coi là giỏi nhất trong số 100 sinh viên của ĐH Ngân hàng TP HCM đã không trả lời được câu hỏi: “Chỉ số chứng khoán Việt Nam được gọi là gì?”.
Chưa nực cười bằng chuyện 70% trong số 100 sinh viên xuất sắc của ĐH Mỹ thuật không thể biết “họa sĩ Trần Văn Cẩn nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa nào”. Hoặc một sinh viên khoa Văn đã xin ngừng cuộc chơi trong một chương trình giải trí cũng trên VTV3 chỉ vì không chắc chắn ai là tác giả của tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình".
Không chỉ lịch sử, văn học... cả những kiến thức xã hội, những sự kiện đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống cũng không được nhiều sinh viên quan tâm đến, bất chấp đó là sự kiện “nước sôi lửa bỏng” khiến “rung chuyển” cả dư luận.
Thế nên mới có chuyện một nữ sinh viên đại học năm thứ 4 hồn nhiên nói: “Khi nghe nói PMU 18, em lại nghĩ đó là gỗ pơmu. Khi đi qua bến xe khách Mỹ Đình, có tòa nhà cao đề PMU 18 em vẫn tưởng đó là cơ sở sản xuất gỗ pơmu số 18”.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” cùng với việc xây dựng trạm xá mang chính tên tác giả ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nơi chị chiến đấu và hy sinh đã trở thành “sự kiện trong xã hội và gây xôn xao dư luận".
Thế mà, 15 sinh viên Học viện Ngân hàng cũng đã không thể nhớ ra tên liệt sĩ được lấy làm tên cho trạm xá này. Lý giải vấn đề này, có sinh viên nói: “Chúng em xem tivi thường lướt, gọi là có xem thôi. Chuyện thời sự chúng em không quan tâm lắm. Còn nhiều việc cần hơn”.
Cuộc điều tra mới đây của Vụ Văn hóa - Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết gần 60% sinh viên hiện nay không chịu học hành, chỉ xin điểm, quay cóp trong các kỳ thi, kiểm tra. Giáo sư Văn Như Cương, Giáo sư Lưu Đức Trung, những người đã và đang trực tiếp giảng dạy nhiều sinh viên cũng cho rằng: “Bên cạnh một số sinh viên xuất sắc, nhìn chung bây giờ sinh viên lười đọc, lười học, lười suy nghĩ... Tóm lại là lười đủ thứ”.
Một nữ sinh viên cho biết: “Một người bạn của em không biết “mặt mũi” thư viện trường thế nào. Nhưng lại thường xuyên “thăm nom” mấy tiệm truyện tranh gần nhà. Cũng bởi những Phong vân, Thủy hử, Harry Porter.... vừa ngắn gọn lại vui mắt chứ có thiếu sắc màu như sách học đâu. Vì vậy đến thư viện làm gì”.
Theo điều tra của Vụ Văn hóa - Ban Tuyên giáo Trung ương, có tới 82% sinh viên sử dụng Internet để tra cứu học tập (sau đó để “chat” chiếm 55%, để gửi thư là 44% và để chơi game là 35,5%...).
Tuy nhiên, thực tế quán Internet nào có chương trình phục vụ sinh viên tra cứu thông tin học tập? Ra bất kể quán “net” nào điều này sẽ được chứng minh ngay. Người ta chỉ có thể thấy cảnh sinh viên chơi game, “chat”, xem phim... trên mạng chứ làm gì có ai sưu tầm thông tin, kiến thức.
Thực mục sở thị các quán Internet nằm chằng chịt trong ngõ Tự Do sát ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội hay Tạ Quang Bửu, một con phố nổi tiếng với những quán “net” lúc nào cũng ăm ắp chương trình mới chẳng hạn. Vào giờ học hẳn hoi mà các quán “net” tấp nập người. Chủ các quán giới thiệu “rặt sinh viên đấy". “Nhẵn hết mặt ở đây rồi”. Mấy chục cái máy tính mờ hết bàn phím do quá nhiều người sử dụng và sử dụng với tần suất quá cao trong các cửa hàng đã không còn trống cái nào.
Chỗ nào cũng thấy toàn cô cử, cậu cử tương lai gác cặp sang một bên rồi dán mắt vào màn hình máy tính. Người thì thoăn thoắt 10 đầu ngón tay để điều khiển nhân vật trong trò chơi Audition, Võ Lâm truyền kỳ... Hiếm thấy sinh viên nào đang mở một trang báo điện tử để đọc chứ đừng nói đến chuyện mở website cung cấp thông tin phục vụ học tập...
Với lối sống ấy, hệ lụy tất yếu phải xảy ra trong giới sinh viên. Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ VH-TT đã thống kê cơ cấu, tỉ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm 70%. Riêng năm 2002, qua phân tích thành phần của 48.000 người bị khởi tố, điều tra đã có 450 sinh viên trong số này.
(Theo Công An Nhân Dân)