Thư ký tòa quận 1 (TP HCM) tên T. kiểm tra lại cuộc hẹn đi triệu tập đương sự rồi: "OK, lên đường!". Trong buổi sáng này, "tòa" T. phải triệu tập đến 3 đương sự.
Qua phường Tân Định nhưng công an phường thông báo vẫn chưa xác minh xong địa chỉ đương sự. Cầm xấp hồ sơ trên tay, "tòa" T. cân nhắc trước sau rồi quyết định sang phường Phạm Ngũ Lão. Dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, những "nỗi buồn nghề nghiệp" của "tòa" T. có dịp tuôn trào. "Luôn trốn tránh là "bệnh" thường thấy ở các bị đơn", T. đúc kết. Có lần T. xuống nhà và tống đạt quyết định cho bị đơn tên Xuân. Nhưng bị đơn này liền chối đây đẩy: "Tôi đâu phải là Xuân, chắc anh lầm người rồi đó!". Khi nhờ công an xác minh lại, T. mới biết người "giả nai" đích thực là Xuân.
"Đi triệu tập tui không sợ đương sự chơi "luật rừng", mà chỉ sợ trốn", T. "đúc kết". Đương sự hay "trốn" nhất lại là các cơ quan, đơn vị. Biết vụ kiện bất lợi cho mình nên lãnh đạo các cơ quan này thường lánh mặt và cho nhân viên ra tiếp. Thế nhưng, những nhân viên này không đủ tư cách pháp lý nên thư ký tòa cũng không thể tác nghiệp. Có doanh nghiệp sắp hầu tòa mà còn "chảnh". Thư ký tòa đến gặp người đại diện để làm việc: Không tiếp. Yêu cầu ký giấy xác nhận là đã nhận giấy triệu tập: Không ký. Vậy mà, trước khi quan tòa về, đại diện cơ quan này còn gửi một thông điệp "đầy tính pháp lý": "Về nói tòa làm công văn gửi qua đây nha, tòa với bên tui đều là pháp nhân mà, làm việc phải bằng văn bản chứ...". Cũng vì chuyện triệu tập không suôn sẻ, có lần một anh thư ký tòa đã cự lộn rồi xô xát với nhân viên tiếp tân của một khách sạn là bị đơn trong một vụ kiện.
Theo Thanh Niên, hầu hết những trường hợp mà đương sự cố tình trốn tránh, tòa đều phải nhờ tổ dân phố can thiệp. Nhưng nếu như đã không ngán tòa thì chắc gì họ ngán tổ dân phố. Mới đây thôi, một ông tổ trưởng dân phố nọ "thân chinh" xuống nhà đương sự, ông vừa mở lời thì bị đơn đã "giũa" te tua. Không biết do giận bị đơn hay giận tòa mà tổ trưởng tổ dân phố này đã "thề độc": "Nếu mấy ông tòa còn nhờ đi tống đạt nữa, tui nghỉ làm tổ trưởng dân phố luôn...".
Theo ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP HCM, vấn đề triệu tập đương sự bị "vướng" do quy định phải triệu tập đương sự đến 6 lần trong 1 vụ án (2 lần lấy lời khai, 2 lần hòa giải và 2 lần tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử). Đây là một khó khăn lớn cho ngành tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của ngành tòa án.
Xung quanh chuyện triệu tập đương sự, lắm khi thư ký tòa phải cười ra nước mắt. Một nữ đương sự khá xinh đẹp đến tòa khóc lóc, kể lể, cương quyết đòi ly hôn. Tòa đã thụ lý đơn nhưng triệu tập hoài không thấy nguyên đơn đến nên "tòa" T. phải đích thân xuống tận nhà tống đạt. Vừa thấy "tòa" T., nữ đương sự liền giả lả: "Tụi em đoàn tụ rồi, hổng ly hôn nữa. Hi hi...". Bó tay!
Đương sự "chơi luật", quan tòa cũng phải biết tìm cách để "tiếp chiêu" chứ. Anh H., một thư ký TAND thành phố kể: "Tòa gửi giấy triệu tập một bị đơn tên M. năm lần bảy lượt nhưng không thấy đến nên "tòa" H. phải tìm xuống nhà đương sự. Rút kinh nghiệm từ những lần bị đương sự "không nhận mình là mình", từ ngoài cửa "tòa" H. tự xưng là bạn thân M. và hỏi thăm có M. ở nhà không. Người nhà của M. cho biết là M. đang súc miệng trong nhà tắm. Khi bước vào nhà, "tòa" H. kiểm tra danh tánh lại cho chắc ăn bèn cất giọng vẻ thân mật: "M. hả?". Trong phòng tắm, M. tưởng là "chiến hữu" nên vồn vã: "Ơi ơi, M. đây, M. đây. Chờ tí xíu". Khi M. vừa từ trong toilet hăm hở bước ra, "tòa" H. liền đổi giọng: "Tôi ở bên tòa án qua gặp anh". M. chết đứng...
Đúng thủ tục thì thư ký tòa phải kết hợp với tư pháp phường để xuống nhà đương sự. Một thư ký kể: "Tui biết mấy ông tư pháp phường thường hay bận rộn nên trước khi đi triệu tập, tui rủ mấy đứa em tập sự trong tòa cùng đi. Tui sẽ cho "đệ tử" đóng vai tư pháp phường cho đủ bộ rồi sau đó cứ nhờ phường đóng dấu xác minh, thế là xong. Khỏi làm mất thời giờ của ai mà tiện việc luôn". Thấy mấy "chiêu" này hấp dẫn, tôi hỏi tới nhưng các quan tòa trên từ chối nửa đùa nửa thật: "Ông để tui còn tác nghiệp nữa chứ, tui kể ra ông viết hết lên mặt báo, đương sự biết rồi trốn hết làm sao tui triệu tập được?"...