SV học với chai nước bên cạnh, hình ảnh thường thấy ở các trường ĐH. |
Cũng theo quy định này thì nếu vi phạm lần 1 sẽ bị kỷ luật khiển trách, thông báo trước toàn trường và phụ huynh, nếu vi phạm lần 2 sẽ bị kỷ luật cảnh cáo, thông báo trước toàn trường và phụ huynh, còn nếu tiếp tục vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị buộc thôi học.
Trước làn sóng phản ứng quyết liệt của các cô cậu sinh viên khi sự tự do ăn uống bị kiểm soát, sau một tháng thực thi nhà trường đã phải chuyển đổi 2 từ trong văn bản để thu hẹp phạm vi áp dụng của quy định từ "trường học" thành "lớp học".
Theo quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục Đào tạo thì sinh viên bị buộc thôi học nếu rơi vào 1 trong 4 trường hợp sau: "Có điểm trung bình chung học tập của năm học dưới 3,5 điểm; có điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học dưới 4,0 điểm sau 2 năm học, dưới 4,5 điểm sau 3 năm học và dưới 4,8 điểm sau từ 4 năm học trở lên; đã hết thời gian tối đa được phép học tại trường theo quy định; và bị kỷ luật lần thứ 2 vì lý do thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định. sinh viên bị tạm ngưng học một năm để trả nợ những học phần chưa đạt nếu có điểm trung bình chung các môn học trong một năm học trong khoảng trên 4,0 điểm nhưng dưới 5,0 điểm".
Cũng theo điều 18 trong quy chế học sinh của Bộ, sinh viên vi phạm 1 trong 26 điều quy định như: đánh nhau gây thương tích, sử dụng ma túy, hoạt động mại dâm... hoặc vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường sinh viên cũng có thể bị buộc thôi học. Chiếu theo quy chế chung của Bộ và quy định riêng của trường thì việc sinh viên ĐH Ngoại thương 3 lần vi phạm quy định về việc đem đồ ăn thức uống vào lớp học sẽ bị đuổi học là rất đương nhiên. Tuy nhiên, đó là quy định mà khi đưa ra, ngay lãnh đạo trường còn phải công nhận là không khả thi và chỉ mong muốn quy định này có thể "tuyên truyền cho sinh viên về ý thức giữ gìn môi trường sống, quy định có tính nghiêm ngặt đó là vì tinh thần tự giác của sinh viên chưa tốt và làm như vậy cũng chỉ vì quyền lợi của sinh viên".
Tất nhiên sinh viên thì không phải là học sinh tiểu học nên theo thăm dò ý kiến từ các sinh viên trong trường, việc đưa ra quy định cấm mang thức ăn vào trường để hạn chế việc xả rác như vậy là "nhà trường chỉ hù sinh viên thôi. Nhưng nếu vậy thì cách hù này xem chừng hơi quá, bởi đuổi học sinh viên phải theo quy chế rõ ràng chứ đâu phải là chuyện có thể nói và làm một cách tùy tiện được", L., sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Ngoại thương) nói.
Hầu hết các sinh viên khi nghe đọc thông báo cứ không tin là chuyện có thật, bởi "tụi em là sinh viên chứ đâu còn con nít, có rất nhiều cách để tác động vào ý thức tự giác của sinh viên, mà cùng lắm thì nhà trường có thể phạt trực tiếp những người xả rác ra ngoài chứ đâu nhất thiết phải đưa ra một quy định thiếu thực tế như thế”, một sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại bộc bạch.
Cũng là sinh viên của trường, P., sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng cũng tỏ ra bức xúc không kém: "Việc cấm sinh viên mang đồ ăn vào lớp thì còn có lý chứ không được mang nước uống thì thật là vô duyên hết sức bởi nếu để ý thì ai cũng có thể thấy ngay chính các bộ trưởng trong các kỳ họp còn có chai nước trên bàn nữa là".
Đúng là nhà trường có thể đưa ra quy định để quản lý sinh viên theo cách riêng của mình, và với mục đích chính vì quyền lợi của sinh viên, nhưng nên chăng cần dừng lại ở những giới hạn nhất định để tránh gây ra những bức xúc không đáng có cho sinh viên, nhất là những quy định hệ trọng liên quan đến "sinh mệnh học hành" của sinh viên.
(Theo Thanh Niên)