Là đội trưởng tuyển bóng đá nữ Iran, Niloufar Arladan nhận lệnh bổ sung cho tuyển futsal quốc gia. Cô vừa cùng đội có chuyến tập huấn dài 6 tuần để chuẩn bị cho giải futsal nữ châu Á diễn ra từ 17-26/9 tại Malaysia.
Tuy nhiên, Arladan không thể lên đường cùng các đồng đội vì lý do lãng xẹt. Một số trang tin địa phương cho biết nữ cầu thủ đã bị chồng là nhà báo thể thao Mahdi Toutounchi tịch thu hộ chiếu sau một cuộc cãi vã. Ardalan nói hộ chiếu của mình hết hạn nhưng chồng cô từ chối ký vào giấy tờ xin gia hạn. Giải thích về việc không cho vợ đi thi đấu, Toutounchi nói anh muốn cô có mặt ở nhà vào ngày đầu tiên cậu con trai 7 tuổi của họ tới trường.
Theo luật lệ, nữ tuyển thủ 30 tuổi cần tham khảo ý kiến và có sự đồng ý của vị hôn phu mới được phép ra nước ngoài.
Trong bài viết chia sẻ trên Instagram mới đây, Ardalan nói truyền thông nước ngoài đã phản ứng thái quá. Nhiều tờ báo cho rằng mâu thuẫn giữa nữ cầu thủ và chồng phản ánh tình trạng bất bình đẳng nam nữ của Iran. Nữ VĐV tỏ ra tiếc nuối: "Tôi đã tham gia mọi buổi tập cùng đội tuyển quốc gia xong đành lỡ hẹn với giải đấu vì chồng không cho phép tôi ra nước ngoài. Mong rằng nhà chức trách sẽ có những thay đổi. Cần có đặc cách cho các VĐV nữ trong những trường hợp tương tự. Giải futsal nữ châu Á rất quan trọng với tôi. Tôi muốn được góp sức cho đội tuyển, việc dự giải không phải để đi du lịch".
Vấn đề của đội trưởng tuyển nữ Iran làm dấy lên làn sóng tranh luận tại quốc gia Hồi giáo. Nhiều ý kiến cho rằng Ardalan nên giải quyết mâu thuẫn nội bộ trong gia đình một cách riêng tư. Số khác lên tiếng ủng hộ cô và thể hiện mong muốn luật pháp sẽ có sự điều chỉnh.
Năm 1979, Iran loại bỏ hầu hết môn thể thao cho nữ giới. Hơn hai thập kỷ, bắn súng là bộ môn duy nhất phụ nữ Iran tham gia thi đấu quốc tế. Lý do là họ được phép mặc quần áo truyền thống che phủ kín người khi tranh tài. Việc phải mặc quần đùi và áo ngắn tay trong bóng đá là nguyên nhân khiến môn thể thao này lúc đầu không được chấp nhận và chỉ phát triển những năm gần đây. Tuy nhiên, futsal nữ vẫn giữ được sự phổ biến tại Iran kể từ đầu những năm 2000.
Đức Anh