Tối 14/11, khi đang đang trong nhà tắm, chị Hà Lan nghe tiếng tách tách phát ra từ chiếc đèn sưởi. Khi thấy đèn lóe lửa, chị chạy vội ra ngoài ngắt cầu giao nhưng lúc trở lại thì thiết bị này đã bốc cháy, bắn ra các tia lửa đỏ rực như pháo hoa. Khói từ chiếc đèn sưởi bốc nghi ngút, mùi nhựa cháy khét và các miếng nhựa nóng bắn ra dính vào mặt, lưng chồng và bố chồng chị Hà Lan, gây bỏng. Sau đó đám cháy được dập tắt bằng nước từ vòi xịt nhà vệ sinh và vòi hoa sen.
Chị Hà Lan chia sẻ, vì nhà có trẻ nhỏ nên chị quyết định lắp chiếc đèn sưởi phòng tắm để giữ ấm cho con khi trời lạnh. Chị lựa chọn dòng đèn cao cấp, có giá bán cao nhất nhì siêu thị điện máy tại thời điểm hai năm trước. Trong quá trình lắp đặt, chị yêu cầu thợ treo đèn trên cao, ở khu vực nước không thể bắn đến. Khi sử dụng, chỉ bật 1-2 bóng đèn (đèn có 3 bóng) để thiết bị không quá tải.
Gia đình chị Hà Lan sử dụng đèn sưởi với tuần suất đều đặn, không chỉ vào mùa đông mà những hôm các con đi bơi về hoặc trời se lạnh, chị cũng bật để giữ ấm. Từng nghe thông tin về các vụ cháy, nổ đèn sưởi, chị Hà Lan cẩn thận khi lựa chọn và sử dụng đúng hướng dẫn nhưng không hiểu sao sự cố vẫn xảy ra. Chị thấy may mắn vì thời điểm đó hai con trai không có mặt trong nhà tắm; bố chồng chị và ông xã bị bỏng nhưng không quá nặng.
Hiện tại gia đình chị Lan đã kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, thiết bị điện trong nhà nhưng chị vẫn tuyên bố từ nay dù trời lạnh cũng không sử dụng các thiết bị giữ ấm tương tự đèn sưởi để đảm bảo an toàn.
Năm 2016, trang Sina đưa tin một người đàn ông ở Hà Nam, Trung Quốc bị bỏng toàn thân do đèn sưởi phát nổ. Khi chiếc bóng đèn sưởi vỡ tung, các mảnh thủy tinh bắn ra, gây thương tích trên người ông, sau đó cả chiếc đèn rơi xuống. Không lâu sau đó, mạng xã hội Việt đồng loạt chia sẻ lời cảnh báo từ tài khoản Facebook Nhung Vũ về việc con trai chị suýt bị thương vì chiếc đèn sưởi loại hai bóng bỗng nhiên phát nổ.
Những lưu ý để sử dụng đèn sưởi nhà tắm an toàn 1. Lắp đặt đúng cách: Chọn đèn sưởi phù hợp với diện tích phòng tắm; loại thuộc thương hiệu uy tín, nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng. Chọn vị trí thích hợp để lắp, không nên đặt đèn gần nguồn nước hoặc có thể bắn nước tới; cách mặt đất hơn 180 cm. Cắm phích cắm vào ổ điện chắc chắn, cách nước. 2. Thường xuyên kiểm tra đèn sưởi: Kiểm tra định kỳ dây điện của đèn sưởi xem có bị hở, đứt hay không, nếu có phải sửa ngay hoặc thay dây mới. 3. Vệ sinh đèn sưởi nhà tắm định kỳ Trong quá trình sử dụng nên vệ sinh đèn sưởi tối thiểu 2 lần/năm vào thời điểm trước mùa lạnh lúc bắt đầu dùng đèn và sau mùa lạnh khi không dùng nữa. Làm sạch bụi bẩn bám trên bóng đèn, giúp kéo dài tuổi thọ bóng. 4. Không được để đèn sưởi nhà tắm dính nước Dù được thiết kế để chống nước nhưng để đèn sưởi nhà tắm hoạt động tốt, tuổi thọ lâu, thì không nên để nước tiếp xúc với đèn trong quá trình tắm sẽ mây mất an toàn hoặc làm giảm khả năng tỏa nhiệt của bóng đèn. Tốt nhất, khi lắp đặt đèn sưởi không lắp quá gần vòi hoa sen, gần nơi đứng tắm và lắp tấm bảo vệ đèn. 5. Thời gian sử dụng Không nên tiếp xúc quá lâu với đèn sưởi trong mỗi lần sử dụng bởi đèn sưởi có công suất và bức xạ nhiệt cao nên nếu dùng quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Chỉ dùng đèn sưởi nhà tắm trong vòng 20-30 phút. Thời gian tối đa có thể sử dụng là 40 phút. |
Lam Trà