Quan tài nặng đến mức trong lần nâng đầu tiên, dây bị đứt. |
Một quan tài trong mộ cổ |
Từ tờ mờ sáng ngày 25/11, lực lượng bảo vệ địa phương đã phong tỏa khắp các con hẻm xung quanh ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương, phường 8, quận 10. Vì lý do thời tiết và tránh sự tò mò của người dân, mới hơn 6 giờ sáng, tổ công tác đã có mặt tại hiện trường để khai quật hầm mộ.
Việc khai quật bắt đầu từ phần hầm mộ phía Tây (mộ nằm gần vách tường Trường Nhật ngữ). Hầm mộ này thuộc dạng trong quan ngoài quách. Phía bên trên quách được bao phủ bởi một lớp cát vàng rất mịn. Các công nhân thi công đã hớt sạch lớp cát vàng xung quanh để làm lộ ra phần quách. Đó là một khối gỗ tốt, nguyên khối, màu chu (màu vôi ăn trầu), dài 2,2 m, ngang 78 cm, cao 90 cm, phần nắp quách được ghép từ 7 miếng gỗ dài, phía 2 đầu có hình bán nguyệt, mỗi bên thân quách ghép từ 2 miếng gỗ bản to.
Do kích thước khá lớn và nặng nên mãi gần 3 tiếng sau, với sự trợ giúp của hơn 10 thanh niên khỏe mạnh, phần quách mới được nhấc ra khỏi hầm mộ, để lộ trong hầm một chiếc quan tài dài 2,05 m, ngang 63 cm. Nắp áo quan được phủ 7 lớp sơn, giống vóc sơn mài. Toàn bộ quan tài đặt trên một lớp gỗ dày 8 cm, được thiết kế như một bệ kiên cố, lắp vừa khít với quách.
Hài cốt người phụ nữ trong quan tài |
Tiến sĩ Phạm Hữu Mý cho biết: “Căn cứ vào 2 lỗ huyệt mộ và lớp cát phủ bên ngoài 2 quan tài có thể khẳng định hai mộ được chôn ở 2 thời điểm khác nhau, ngăn cách giữa hai huyệt mộ là một lớp hợp chất cực kỳ rắn chắc. Mộ đang khai quật là mộ sinh phần (được xây trước khi người trong mộ qua đời). Mộ còn lại (phía lòng đường Nguyễn Tri Phương) chỉ có quan tài, không có quách, kích thước ngắn hơn huyệt mộ phía Tây. Hai ngôi mộ được an táng theo kiểu nam tả, nữ hữu”.
Đúng 9h45, quan tài được nâng lên nhưng lần nâng đầu tiên do quá nặng nên dây nâng đã bị đứt. Mất đúng 1 tiếng sau, quan tài mới được đưa lên trên mặt đất và chở thẳng về Bảo tàng TP HCM cùng với quách. Toàn bộ hiện trường khai quật được khử vôi và dung dịch sát trùng để bảo đảm vệ sinh.
Tại Bảo tàng TP HCM, nắp quan tài được mở ra, bên trong là một bộ xương người với búi tóc. Phần xương sọ còn khá tốt, các xương còn lại mục nát nhưng vẫn sắp xếp thành hình hài tương đối nguyên vẹn, riêng phần xương sống hơi xô lệch có thể do bị chìm lâu trong nước, đặc biệt cổ tay trái có đeo một chuỗi hạt màu vàng.
Tiếp tục xem xét xung quanh bộ xương, các nhà chuyên môn phát hiện 13 di vật, trong đó có một vài vật đáng lưu ý như 9 đồng tiền kim loại dính chặt vào nhau, chuỗi hạt gồm 40 hạt màu vàng, lược, 1 nút áo bằng đồng ở cổ, 1 dây quấn kim loại có 4 khoen tròn và trên ngực có một miếng khánh kim loại chạm hình 2 con phụng.
Dựa vào đường nét tinh xảo trên chiếc khánh, những cây đinh thuyền (đinh hình chữ U) được rèn đóng bên ngoài quan tài cùng những chiếc móc sắt, tiến sĩ Phạm Hữu Mý nhận định niên đại của ngôi mộ có lẽ khá muộn vì chiếc khánh có kỹ thuật chạm trổ khá cao, không thể làm bằng thủ công, đồng thời ông khẳng định đây là xác một phụ nữ.
Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền cho biết: “Cách an táng cùng những vật dụng được tìm thấy cho ta hình dung phần nào đời sống, phong tục tập quán của người thời đó. Hai ngôi mộ này có thể tồn tại vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, tức khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và người trong mộ chắc chắn rất giàu có”.
Theo Người Lao Động, hôm nay, tổ khai quật tiếp tục bốc dỡ hầm mộ còn lại. Việc phát hiện xác người nằm bên trong huyệt mộ phía Đông này có ý nghĩa quan trọng vì xác là nam và xác minh được người này có quyền cao chức trọng thì một góc bức tường khuôn viên ngôi mộ (nằm sát vách tường Trường Nhật ngữ) sẽ được giữ lại và dựng bia lưu niệm. Ngược lại, toàn bộ khuôn viên ngôi mộ sẽ được bốc dỡ sạch sẽ để tiện cho việc thực hiện chỉnh trang đô thị.
Bác sĩ Phan Bảo Khánh (ĐH Y dược TP HCM): "Vì sao đồ tùy táng quá ít?". Việc giám định sơ bộ xương sọ cho thấy xác này của một người nữ có tầm vóc hơi nhỏ bé, tuổi đời trên dưới 50, đặc biệt phần xương chày (nằm ở cẳng chân) có dấu vết bị gãy cũ. Không thể xác định chiều cao và cân nặng của người chết, cũng khó xác định được đây là người Việt hay người Hoa vì những xác ở phía Nam do đã giao thoa nhiều nên không có tính đặc trưng. Mặc dù người chôn có ý thức bảo vệ quan tài bằng cách an táng dạng trong quan ngoài quách, nhưng lại không có ý thức về việc ướp xác, bằng chứng là xác không được ngâm trong dung dịch như xác ướp bà Hiệu tìm thấy ở Xóm Cải trước đây. Trong quan tài này chỉ thấy còn đọng lại một lớp chất hữu cơ ở dạng bùn. Trên nắp quan tài có phủ một tấm vải phướn chạy dọc theo thân áo quan, mặc dù tấm vải đã bị mục rữa hoàn toàn nhưng vẫn còn sót lại vài mẩu bột trắng lờ mờ hình dáng một số từ Hán-Nôm: Việt, cổ, hợp. Dựa trên những đặc điểm này, một chuyên gia trong đoàn cho biết có khả năng niên đại của ngôi mộ là từ trước thời Gia Long, vì từ thời Gia Long trở về sau nước ta mới có quốc hiệu là Việt Nam. Một điểm đặc biệt nữa trong quan tài này là phần áo quan được đặt trên một tấm ván thất tinh, nghĩa là tấm gỗ có đục 7 lỗ theo hình ngôi sao, để giúp người chết siêu thoát. Phong tục này về sau người ta không dùng nữa. Dựa vào điều này và quy mô ngôi mộ có thể cho thấy người nằm trong quan tài chắc chắn thuộc tầng lớp trên. Tuy nhiên, kỹ thuật đóng quan tài lại khá đơn giản, bằng chứng là phần mộng quan tài là thẳng chứ không xéo. Có một thắc mắc lớn nhất mà chúng tôi vẫn chưa lý giải được là tại sao quy mô ngôi mộ và đẳng cấp của người được chôn là khá giả nhưng đồ tùy táng lại quá ít, chỉ nằm một lớp mỏng ở đáy quan tài. Điều này có thể phần nào sẽ được làm sáng tỏ khi huyệt mộ thứ hai được khai quật vào sáng 26/11. Người nằm trong ngôi mộ này chắc chắn là nam giới. |